Theo đó, chiêu thức lừa đảo này chủ yếu nhắm tới những người vô tình để lộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng. Sau khi cố tình chuyển khoản nhầm, các đối tượng lừa đảo sẽ tiếp tục thực hiện các kịch bản sau:
- Mạo danh ngân hàng gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo về việc có người chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng truy cập đường link website mạo danh nhằm dẫn dụ lấy thông tin như tên truy cập, mật khẩu, mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
- Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính nào đó để liên hệ với nạn nhân và yêu cầu người này trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi suất cao.
Bị lừa đảo chuyển nhầm tiền phải làm sao?
Có thể thấy, với sự phát triển của công nghệ và xã hội, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng trở nên tinh vi và khó nhận biết. Nếu không đủ tỉnh táo, bất cứ ai đều có thể "sập bẫy" chiêu trò này.
Khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, dù chưa có ai liên hệ cũng tuyệt đối không được tiêu vào số tiền này. Dù vô tình hay cố ý chuyển khoản nhầm, người nhận được số tiền này có nghĩa vụ phải trả lại tiền.
Bởi theo quy định tại Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015, nếu sử dụng số tiền chuyển khoản nhầm này vào mục đích cá nhân sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản người khác không có căn cứ pháp luật. Theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người chiếm giữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017), cụ thể:
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, thay vì sử dụng số tiền đó, người nhận cần chủ động liên hệ sớm với ngân hàng để thông báo, phía ngân hàng sẽ cung cấp thông tin cần thiết để đối chiếu với số tài khoản chuyển tiền. Lưu ý, khi chuyển lại tiền phải có sự chứng kiến của bên thứ ba, lưu giữ lại chứng từ về việc chuyển tiền.
Hoặc, nếu xét thấy vụ việc có tính chất lừa đảo, người nhận có thể trình báo vụ việc tới cơ quan công an nơi cư trú để được giải quyết kịp thời.