Quốc Tiệp, sinh năm 1993, hiện là một co-founder của một chuỗi nhà hàng với nhiều chi nhánh ở miền Trung, đồng thời làm việc trong lĩnh vực truyền thông, sáng tạo. Ở tuổi 29, Quốc Tiệp vừa hoàn thành ước mơ có 1 căn nhà trước tuổi 30.
Căn nhà của Tiệp có tên Kira House, thuộc dự án nhà liền kề. Mỗi mặt sàn rộng 60 mét vuông và có 3 sàn, thêm khoảng sân trước nhà 20 mét vuông, dùng để trồng cây xanh.
Mặt trước ngôi nhà khi lên đèn
Quốc Tiệp chia sẻ: "Đây là căn nhà đầu tiên mình có được sau nhiều năm làm việc và là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ với mong muốn có nhà trước năm 30 tuổi sau nhiều năm ở nhà thuê. Chính vì thế mình chăm chút từng chi tiết từ thiết kế, xây dựng, decor đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Hệ tủ giày mình tận dụng làm bàn decor ngay cửa ra vào luôn.
Phòng khách ngập nắng
Ở đây mình tận dụng vừa làm văn phòng làm việc cho gần 15 nhân sự ở tầng 2 và là chỗ ở của mình ở tầng 3. Vì là văn phòng công ty sáng tạo làm về mảng truyền thông, sự kiện và foodstylist nên mình muốn tạo môi trường làm việc thoải mái, giúp nhân viên ra nhiều ý tưởng nhất."
Là một người làm ngành truyền thông, Tiệp mong muốn căn nhà của riêng mình phải sáng sủa và tối giản nhất có thể. Đồng thời, ngôi nhà cần có khu sân vườn, nhiều cây xanh để thực sự là không gian yên bình cho Tiệp nghỉ ngơi sau mỗi chuyến công tác.
Ngôi nhà được thiết kế nghiêng về phong cách wabi - sabi với tinh thần tối giản, mộc mạc và không để lộ nhiều đồ đạc. Vốn là người không thích lộn xộn và không muốn để nhiều đồ đạc nên khi có ý tưởng làm nhà, Quốc Tiệp đã chia sẻ với kiến trúc sư về việc cất hết đồ đạc vào tủ và để ít lộ bên ngoài. Màu sắc chủ đạo của cả căn nhà là màu trắng kem. Và điều đặc biệt là căn nhà này hầu như mình đập hết toàn bộ trong nhà để bố trí lại mọi chức năng, phòng ốc,…
Tầng 1 là khu vực phòng khách với bộ bàn tiếp khách nằm bên phải. Bên trái được tận dụng tường phẳng làm 1 hệ tủ dài kéo từ đầu nhà này xuống tận bếp. Hệ tủ này được ưu tiên làm phẳng để người vào nhà không có cảm giác thấy nhà nhiều tủ mà nặng nề.
Không gian phòng khách tối giản nhưng đầy tính nghệ thuật. Hệ tủ bên trái kéo dài từ đầu nhà đến tận bếp để “lưu trữ” các thiết bị làm nghề của công ty.
Phòng ăn chan hòa ánh sáng với hệ bếp hầu như tối giản và cất mọi thiết bị vào trong tủ.
Quốc Tiệp vốn là 1 food stylist nên số lượng chén dĩa, đồ decor phục vụ cho việc chụp món ăn đồ uống khá nhiều. Ngay cửa ra vào mình tận dụng hệ tủ giày làm tủ decor và bỏ gương bên trên để decor luôn. Phía sau nhà là hệ bếp mà gia chủ yêu thích nhất. Đây có lẽ là nơi sinh hoạt không chỉ của mọi người sau giờ làm.
Điểm nổi bật của tầng 1 và tổng thể căn nhà có lẽ là hệ thang uốn cong. Ban đầu, ngôi nhà có cầu thang chắn giữa nhà để ngăn cách phòng khách và phòng bếp. Nhưng Tiệp đã đập hoàn toàn cầu thang cũ, bố trí lại vị trí mới cho cầu thang.
Cầu thang uốn sau khi cải tạo lại.
Tầng 2 được chia làm 2 phòng. 1 phòng to là phòng làm việc nhân viên với 4 dãy bàn và 1 phòng founder. Có lẽ đây cũng là khu vực Quốc Tiệp tâm huyết thứ 2 sau hệ bếp vì muốn tạo ra không gian làm việc thật sự sáng tạo cho nhân viên.
Phòng làm việc founder
Nơi gia chủ nghỉ giải lao sau thời gian làm việc
Tầng 3 là khu vực phòng ngủ của gia chủ, phòng giặt sấy, phòng áo quần, phòng ngủ nhân viên và phòng thờ. Vì là diện tích nhỏ nên mỗi phòng được chia đủ để sinh hoạt chứ không quá rộng.
Bàn làm việc trong phòng ngủ
Nhà vệ sinh trong phòng ngủ
"Mặc dù đặc thù công việc của mình là thường xuyên cải tạo nhà vì mình có kinh doanh thêm nhà hàng nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên mình làm nhà của chính mình sở hữu chứ không phải sở hữu 5 năm 10 năm nữa nên mình đặt toàn tâm vào đó. Từng viên gạch, từng cái bồn, vòi xịt hay từng đồ decor mình đều tỉ mỉ lựa chọn đúng ý thích vì chắc chắn nó sẽ gắn bó với mình rất nhiều năm sau nữa", Quốc Tiệp tâm sự.
Không gian thư giãn ngay trong vườn nhà.
Về lựa chọn sử dụng nhà là văn phòng làm việc luôn, Quốc Tiệp chia sẻ: "Thật ra việc chọn đặt văn phòng tại nhà mình cũng suy nghĩ nhiều nhưng vì ít ở nhà mà thường xuyên đi công tác vì đặc thù công việc làm nhà hàng mình ở nhiều tỉnh thành khác nhau nên mình cũng đã quyết định gộp ở và làm việc cùng nhau.
Về thuận lợi và khó khăn thì mình nghĩ là mình chưa thấy khó khăn mà thấy lợi: Thứ 1 tận dụng nhà ở làm văn phòng sẽ giảm được 1 số tiền thuê nhà và số tiền cải tạo nhà khá lớn.
Thứ 2 là việc đầu tư vào không gian nhà ở không chỉ vừa giúp mình cảm thấy thoải mái làm việc mà nhân viên cũng vậy. Được làm trong văn phòng như vậy nhân viên cảm thấy rất thích thú và có nhiều ‘chất’ để các bạn sáng tạo hơn giống như đặc thù công việc của các bạn. Hơn nữa ở trong nhà này có đầy đủ khu vực bếp, khu vực nghỉ ngơi, khu vực thư giãn,… nên nhân viên sẽ cảm thấy khá thích thú khi làm việc tại đây".