"Cố làm hết năm, nhận thưởng cho xong xuôi rồi xin nghỉ" là suy nghĩ chung của nhiều bạn trẻ có mong muốn thay đổi môi trường làm việc. Và Minh Châu (sinh năm 1996, TP.HCM) - Hiện đang làm UX/UI Designer là một trong số đó.
Cuối tháng 2/2024, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Minh Châu nộp đơn xin nghỉ việc. Thời điểm ấy, với số tiền dự phòng cũng "kha khá", cộng thêm 4,5 năm kinh nghiệm làm việc, Minh Châu nghĩ rằng chuyện tìm việc mới sẽ chẳng mấy khó khăn. Bởi thế, cô quyết định nghỉ việc ngay cả khi chưa tìm được một bến đỗ mới.
"Mình định sẽ dành 2 tháng nghỉ ngơi, chơi cho chán rồi mới đi làm lại, nên lúc đó cũng không vội tìm việc" - Minh Châu chia sẻ.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, mọi thứ lại không diễn ra như những gì Minh Châu mường tượng.
Nghỉ ngơi được 3 tuần đã thấy chán, thất nghiệp từ Tết đến tận hè
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Câu nói này chuẩn đét với Minh Châu. Sau khi nghỉ việc, cô cùng mẹ đi lễ chùa và có 2 chuyến du lịch từ Nam ra Bắc cùng chị gái và bạn trai.
Tất cả những sự kiện ấy diễn ra trong vòng 3 tuần, đến tuần cuối cùng của tháng 3, Minh Châu bắt đầu cảm thấy có chút chan chán trong lòng.
"Suốt gần 5 năm năm đi làm ở công ty, mình gần như không có quãng nghỉ nào, nên thèm cảm giác được đi đây đi đó mà không phải lo chuyện trả deadline. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến mình quyết định xin nghỉ việc. Nhưng chơi 3 tuần là mình thấy chán rồi. Sang đến tuần thứ 4 là gần như ngày nào mình cũng ôm lap ra quán cà phê, ngồi tìm việc" - Minh Châu chia sẻ.
Dù bắt đầu tìm việc sớm hơn so với dự định, nhưng quãng thời gian thất nghiệp của Minh Châu lại lâu hơn dự kiến. Nghĩ về điều này, chính bản thân Minh Châu cũng không hiểu vì sao, chỉ có thể vin vào lý do thị trường việc làm đang hơi "tĩnh lặng" nên mọi chuyện không được suôn sẻ.
Ảnh minh họa
"Hồi còn làm ở công ty cũ, mình và đồng nghiệp hay nhận các dự án thiết kế website, nghiên cứu tối ưu trải nghiệm người dùng cho các khách hàng lớn, chủ yếu là các tập đoàn thương mại vốn nước ngoài mới vào thị trường Việt Nam.
CV của mình không có nhiều gạch đầu dòng vì đây là công ty đầu tiên mình làm chính thức sau khi ra trường, nhưng vì đã quen làm các dự án lớn nên đến khi tìm việc mới, hoặc là mức lương họ trả không đúng với kỳ vọng của mình, hoặc là mình không được làm đúng chuyên môn. Thay vì làm UX/UI, mình lại phải ngồi thiết kế poster, banner quảng cáo,... Công việc khá chán nên mình toàn nghỉ sau 2-3 tuần thử việc" - Minh Châu chia sẻ.
Cảm thấy khó tìm được công việc full-time đúng với mong muốn, Minh Châu cũng thử tìm các công việc freelancer để kiếm thêm "đồng ra đồng vào" trong lúc thất nghiệp. Đến đầu tháng 4, cô tìm được công việc thiết kế hình ảnh cho một thương hiệu thời trang với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng.
"Đây là công việc tự do nên mình vẫn đang tìm thêm việc full-time. Thú thật là mình vẫn muốn đi làm công ty, vì phải thế mới có cảm giác thôi thúc sáng tạo, vì trong ngành của mình, nếu làm freelance thì khó tìm được khách hàng lớn lắm" - Minh Châu bộc bạch.
Nhìn lại 3 tháng không có việc làm ổn định của mình, Minh Châu cho biết đến giờ này, điều cô lo nhất không phải là chuyện lấy tiền đâu để sống, mà chính là nếu mình chẳng tìm được công việc thử thách như đúng mong muốn của mình thì sao.
"Kể cả không có job freelance hiện tại thì tiền tiết kiệm của mình vẫn đủ để trang trải cuộc sống thêm khoảng 2-3 tháng nữa, nên nói chung, áp lực tài chính cũng nhẹ nhàng thôi" - Minh Châu giải thích.
Khi được hỏi về việc chuẩn bị tài chính trước khi nghỉ việc, Minh Châu cho biết cô cũng không có bí quyết gì cao siêu ngoài tiết kiệm.
"Hồi còn đi làm, lương thưởng của mình cũng khá ổn. Ngoài 3 triệu tiền ăn uống gửi bố mẹ, mỗi tháng mình đều để dành được 40-45% tiền lương, còn lại thì mình dùng để đầu tư máy móc, thiết bị làm việc (mua Wacom, iPad, iPen hoặc đầu tư đi học các khóa nâng cao)" - Minh Châu chia sẻ và cho biết bản thân chưa có "kinh nghiệm thất nghiệp" nên nghĩ rằng chỉ cần có chút tiền là có thể tự tin nghỉ việc.
Tuy nhiên, đến giờ này, sau 3 tháng thất nghiệp, Minh Châu lại có suy nghĩ khác.
"Mình nghỉ việc vì cảm thấy burn-out. Hồi đó mình nghĩ phải đi chơi vài tháng mình mới lấy lại được năng lượng, nên cũng cương quyết nghỉ lắm, mặc cho leader hay đồng nghiệp can ngăn" - Minh Châu thừa nhận.
Ảnh minh họa
Có 2 bài học mà Minh Châu đã ngộ ra sau quyết định nghỉ việc có phần "bồng bột" của mình. Đây cũng là lời giải thích cho việc cô khẳng định "chỉ chuẩn bị tiền thôi là chưa đủ để nhẹ nhàng bước qua khoảng thời gian thất nghiệp".
1 - Phải làm rõ lý do mình muốn nghỉ việc
"Như mình đã chia sẻ, mình nghỉ việc vì cảm giác burn-out chứ không phải vì bất mãn với chế độ lương thưởng của công ty, hay không hòa hợp được với đồng nghiệp. Lúc ấy mình không hề nghĩ tới việc xin nghỉ phép để lấy lại tinh thần. Ngày mình nộp đơn xin nghỉ việc cho sếp, chị còn chủ động gợi ý mình xin nghỉ 2 tuần, thay vì nghỉ hẳn. Nhưng mà mình không chịu vì cảm giác áy náy, mình nghỉ như vậy thì đồng nghiệp sẽ phải gánh cả việc của mình".
Minh Châu kể và thừa nhận cô có chút hối hận vì quyết định nghỉ việc này.
Ảnh minh họa
"Nếu bạn cảm thấy không hài lòng với lương, thưởng hay chế độ đãi ngộ của công ty, mình nghĩ xin nghỉ là hợp lý. Còn nếu xin nghỉ chỉ vì cảm giác burn-out thì mình nghĩ là không nên. Lúc kiệt sức, cảm giác phải chơi 2-3 tháng mới đã, nhưng có khi chơi 2-3 tuần là đã chán rồi ấy" - Minh Châu khẳng định.
2 - "Có năng lực chưa chắc đã tìm được công việc như ý"
Minh Châu thất nghiệp từ Tết cho tới tận hè không phải vì năng lực làm việc không tốt, mà vì cô có tiêu chuẩn riêng cho nơi mình sẽ gắn bó. Trầy trật rải CV suốt 3 tháng trời, Minh Châu mới nhận ra không phải cứ có năng lực là sẽ xin được việc.
"Lúc nộp đơn xin nghỉ việc, thú thật mình cũng nghĩ với kỹ năng của mình thì xin việc mới chẳng khó. Ngay cả sếp mình cũng nói vậy nên mình càng tự tin nghỉ việc. Nơi làm việc đầu tiên có chế độ lương, thưởng và có văn hóa riêng, đó là cái may mắn của mình. Cũng vì thế nên tự nhiên mình đặt ra tiêu chuẩn cao khi đi xin việc.
Không có lương OT, mình không làm. Công ty không có văn hóa nội bộ, mình cũng không thích. Có đầy đủ 2 yếu tố ấy mà công việc không có sự thử thách, ngày nào cũng chỉ ngồi vẽ poster, thiết kế banner, thú thật là mình cũng chê.
Những nơi mình muốn xin vào thì họ lại đang không tuyển, những nơi mình xin vào được rồi thì mình lại không thấy phù hợp. Giờ mình không biết nên làm gì nữa, hạ tiêu chuẩn xuống thì cũng tìm được việc thôi, nhưng công việc không đúng mong muốn thì cũng chán, mà thất nghiệp mãi thì cũng chẳng vui" - Minh Châu chia sẻ và gọi đây là tình trạng nan giải mà cô vẫn chưa tìm được hướng giải quyết.
Mỗi chúng ta sẽ có một mong muốn, một sự kỳ vọng khác nhau ở nơi mình sẽ gắn bó, làm việc. Có người chỉ cần chế độ lương thưởng rõ ràng, công việc ổn định; có người lại thích những nơi nhiều thử thách - giống như Minh Châu.
Từ trạng thái thất nghiệp chủ động, giờ lại thành ra thất nghiệp bị động, Minh Châu không ngại thừa nhận những "cái sai" của mình.
"Đừng nghỉ việc quá bồng bột, nhất là khi bạn đã gần 30 tuổi" là bài học thấm thía, cũng có phần hơi cay đắng mà Minh Châu đã ngộ ra.