Dịp lễ 30 tháng 4 năm nay, TP.HCM chào đón hàng vạn người dân từ khắp mọi miền đất nước đổ về tham dự chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không chỉ tham gia các sự kiện chính, nhiều người còn dành thời gian ghé thăm những "địa chỉ đỏ" mang đậm dấu ấn lịch sử, trong đó có hệ thống di tích Biệt động Sài Gòn, nơi lưu giữ những câu chuyện cảm động về tinh thần chiến đấu kiên cường của lực lượng an ninh trong lòng địch.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn là một trong những "địa chỉ đỏ" thu hút nhiều bạn trẻ, du khách tham quan trong dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Giữa phố xá quận 1 tấp nập, nơi những tòa cao ốc chen nhau mọc lên mỗi năm, căn nhà số 145 Trần Quang Khải vẫn lặng lẽ nép mình sau lớp cửa gỗ xưa cũ. Ít ai ngờ rằng, phía sau vẻ ngoài bình dị của ngôi nhà ấy lại là nơi lưu giữ một phần ký ức đặc biệt và oai hùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Đây từng là nơi giấu vũ khí, giữ tài liệu mật, đào hầm trú ẩn và cũng là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định suốt thời kỳ kháng chiến.
Căn nhà ba tầng được xây dựng từ năm 1963. Đây từng là nơi hoạt động bí mật của các chiến sĩ biệt động dưới sự chỉ huy của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai). Địa điểm này trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập. Trải qua nhiều biến động sau năm 1975, đến năm 2019, gia đình ông Năm Lai bắt đầu phục dựng căn nhà, giữ lại mọi thứ càng nguyên bản càng tốt. Con trai ông, anh Trần Vũ Bình, chính là người đứng ra tìm lại hiện vật, liên lạc với các cựu chiến sĩ để khôi phục không gian.
Bước vào không gian bảo tàng, du khách không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy chiếc thang máy cổ vẫn giữ nguyên phong cách từ khi căn nhà được xây dựng vào năm 1963. Đây là lối lên dành cho du khách và là cánh cổng mở ra không gian lịch sử.
Hơn 300 hiện vật đang được trưng bày tại đây với 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng biệt động, gồm: Bộ sưu tập các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; Xe các chiến sĩ biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; Vũ khí; Vật dụng sinh hoạt; Dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập; Thiết bị thông tin liên lạc…
Hình ảnh những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa được lưu giữ trang trọng.
Tại đây, khách tham quan có thể quan sát 2 đoạn xích đồng dùng để kéo đạn lên súng trên chiến hạm Ailette (L'Escarmouche) của Pháp. Chiến hạm này bị lính biệt động Trần Văn Hãng và đồng đội tấn công năm 1946. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày chiếc xe cổ được những người lính biệt động Sài Gòn sử dụng trước năm 1975, máy đánh chữ, đĩa than, máy cát-sét...
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trưng bày các bộ sưu tập hiện vật theo chủ đề vũ khí, xe cộ, vật dụng sinh hoạt, thiết bị thông tin liên lạc.
Một trong những hiện vật gây ấn tượng mạnh là chiếc xe đạp Solex của nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba). Cô từng sử dụng chiếc xe này để di chuyển qua khắp các tuyến phố nội đô, vận chuyển thư từ, tài liệu, vàng và súng ngắn... Trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, chiếc xe cũng tham gia vào việc vận chuyển quân trang phục vụ trận đánh Dinh Độc Lập và Tổng Nha Cảnh sát.
Cạnh đó là chiếc bản đồ vẽ tay, đánh dấu các điểm tấn công của biệt động trong chiến dịch năm ấy. Đây là một trong những tấm bản đồ gốc, được vẽ trong chính căn nhà này, sau đó được chia làm nhiều bản nhỏ gửi đến từng nhóm tác chiến. Các mũi tên đỏ vẫn còn nhìn rõ. Mỗi chấm đỏ là một địa điểm: Dinh Độc Lập, Tổng Nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tòa Đại sứ Mỹ.
Góc trái chính là chiếc xe đạp máy hiệu Velo Solex của Pháp, sản xuất thập niên 1950 của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai giao cho nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) trước năm 1968, để làm trạm giao liên biệt động Sài Gòn tại vùng xôi đậu ấp Trung Viết, xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi).
Và không thể không kể đến những vũ khí và tài liệu quan trọng từng được ngụy trang tinh vi trong những vật dụng tưởng chừng vô hại như hộp sữa, hộp cơm, thậm chí bên trong cả những khúc gỗ mục, thể hiện sự mưu trí và dũng cảm trong hoàn cảnh đầy nguy hiểm.
Nhiều vật dụng sinh hoạt như lon sữa, đồ đựng thức ăn, bình nước... được chiến sĩ biệt động tận dụng để cất thư mật, tiền vàng, thuốc men trong kháng chiến.
Mỗi căn phòng, mỗi chi tiết đều chất chứa một phần ký ức thiêng liêng, mang đến cho người tham quan không chỉ sự xúc động mà còn là niềm tự hào sâu sắc về tinh thần bất khuất, về lòng yêu nước và sự hy sinh âm thầm của những con người đã góp phần làm nên lịch sử.
Du khách tới đây được tìm hiểu những chứng tích của một thời hoạt động cách mạng bí mật. Nơi đây cũng lưu giữ bút tích của nhiều vị lãnh đạo.
Hiện nay, hệ thống Bảo tàng Biệt động Sài Gòn gồm ba điểm tham quan chính: căn nhà ở Trần Quang Khải, địa điểm tại đường Đặng Dung có hầm nổi và hộp thư bí mật, và căn hầm trú quân tại 287/72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 chính là nơi ông Năm Lai trực tiếp đào hầm. Các địa điểm này thường được tổ chức theo tour dẫn, kéo dài khoảng 3 đến 4 tiếng, có thuyết minh viên tháp tùng đoàn khách từ 10 người trở lên.
Ở mỗi điểm, du khách được tiếp cận không chỉ hiện vật mà còn cả bối cảnh, kiến trúc, sơ đồ bố trí chiến đấu, để hình dung đầy đủ hơn về cách các chiến sĩ biệt động đã sống và chiến đấu như thế nào ngay giữa lòng đô thị.
Bảo tàng hiện đón khách từ 7 giờ 30 sáng đến 19 giờ 30 tối tất cả các ngày trong tuần. Khách lẻ vẫn có thể đến tham quan và được hướng dẫn tận tình. Không gian không lớn, không ồn ào, nhưng luôn đủ để khiến người ta lặng đi một chút. Không phải vì khâm phục đơn thuần, mà vì sự thấu cảm. Bởi chỉ cần đặt tay lên tay vịn cầu thang gỗ, lặng nhìn chiếc đèn dầu không còn sáng, hay đứng trước một mảnh bản đồ vẽ tay đã nhòe mực… cũng đủ khiến người ta thấy mình đang đứng trong một khoảnh khắc lịch sử còn vẹn nguyên.