Những ngày qua, người dân cả nước như nín thở trước sự tàn phá khủng khiếp của bão Yagi (bão số 3). Liên tục xuất hiện những dự án lớn nhỏ để tương trợ cho đồng bào trước thiên tai.
Phạm Thoại (sinh năm 1996, quê Hải Phòng), một nhà sáng tạo nội dung quen mặt với giới trẻ, cũng góp sức giúp đỡ người gặp khó khăn trong tâm bão khi đăng tải bài đăng hỏi han tình hình, xin thông tin liên lạc với địa phương để hỗ trợ, giúp đỡ.
Mọi việc diễn biến theo chiều hướng tích cực cho đến khi Phạm Thoại gặp phải người nêu quan điểm không muốn nhận thực phẩm từ thiện, mà chỉ cần tiền. Người này nói thẳng vào thông báo của Phạm Thoại: "Tiền có thì mang đến cứu trợ còn mì tôm thì thôi".
Phạm Thoại nổi cơn "mỏ hỗn" cap màn hình bình luận đó rồi phát ngôn: "Có người nói người dân Quảng Ninh cần tiền chứ không cần đồ ăn. Ai Quảng Ninh xác nhận giúp em, chứ thế này thì em từ chối. Đi cho nhưng phải kén chọn tiền mới lấy".
Chưa dừng lại, Phạm Thoại tiếp tục nêu quan điểm trên Threads và Facebook: "Mọi người cho em hỏi nếu như người dân Quảng Ninh kén chọn từ thiện, chỉ nhận tiền không nhận thực phẩm thì em xin phép nhường lại sự giúp đỡ cho tỉnh thành khác. Chứ từ thiện mà kén cá chọn canh. Với lại em đi cho em cũng chưa nói là mỳ tôm hay gì hết á. Làm như thế này em thực sự buồn lắm vì tiền em bỏ ra chứ không xin ai cả."
Drama bắt đầu bùng nổ. Phần ý kiến chê trách phát ngôn "tiền có thì mang đến" của ai đó đang trong tâm bão thì ít, mà phần chỉ trích thái độ làm từ thiện và phát ngôn của Phạm Thoại thì nhiều. Thậm chí rất nhiều. Vì sao vậy? Cái sai của Phạm Thoại ở đâu?
Chuyện từ thiện từ trước đến nay vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi, thậm chí là nhạy cảm. Cách xử lý với luồng thông tin ngược chiều cũng luôn là phép thử độ khôn khéo của KOL, nghệ sĩ hay bất cứ ai làm từ thiện. Tiếc rằng trong câu chuyện này, điểm EQ của Phạm Thoại rớt trầm trọng.
Thứ khó chấp nhận nhất là cách mà anh xem quan điểm của một comment trên mạng là đại diện cho ý kiến của người dân của cả một tỉnh thành đối với phương cách từ thiện của anh, rồi vội vàng kết luận họ "kén cá chọn canh."
Từ đâu mà Phạm Thoại có cơ sở nghĩ rằng phần đông mọi người đều có cùng ý nghĩ với bình luận đó? Có lẽ nó đến từ chính cái tôi bị tổn thương của Phạm Thoại quá lớn khi nhận được ý kiến trái chiều. Phạm Thoại tự ái, giãy nãy và... mất khôn khéo.
Từ thiện là từ tâm, nhưng nếu cái tôi bị đụng đến, và bị chê cười vì cho ít - cho nhiều (dù ý kiến đó có thể đến từ một người không thuộc đối tượng anh cần trợ giúp) thì Phạm Thoại lại nóng giận mà quên đi mục đích ban đầu mình khi phát động ra lời từ thiện đó: Là để cứu giúp những người thực sự cần hỗ trợ để vượt qua thiên tai, dù chỉ là phần thiểu số, hay dù có một người duy nhất, đó cũng là ý nghĩa của từ thiện.
Càng sai hơn nữa khi anh lựa chọn "đấu tố" trên một tài khoản mạng xã hội có gần một triệu người theo dõi, phơi bày thêm sự nóng nảy và không thấu đáo của chính Phạm Thoại. Hệ quả, một bài đăng trên trang cá nhân chính chủ thì xóa rất nhanh. Nhưng sự phẫn nộ và lan truyền ảnh chụp màn hình lại bài đăng gây bức xúc của Phạm Thoại thì mãi ở đó, khơi mào nhiều cuộc tranh luận.
"Chỉ giỏi làm từ thiện để làm content và tẩy trắng", "Phạm Thoại mà trả lời lại là "Bạn không cần thì có những người khác người ta cần" thì chuyện đã khác" - Ý kiến của netizen xoay quanh sự việc càng làm rõ một pha "tự hủy" của Phạm Thoại: Có thể là anh thực sự đã có ý tốt khi từ thiện, nhưng phản ứng quá nóng vội bằng một bài đăng gây tranh cãi chỉ khiến người ta hiểu lầm anh muốn hút sự chú ý để nổi bằng tai tiếng.
Thay vì đăng bài dùng cụm từ "kén cá chọn canh" và ngầm tuyên bố sẽ không từ thiện nữa, tốt hơn hết, Phạm Thoại vẫn nên liên lạc với cơ quan chức năng, những tổ chức hỗ trợ tại địa phương để biết được tình hình thực tế, điều chỉnh phương cách từ thiện của mình sao cho phù hợp với mong muốn của người dân. Không nói nhiều - hành động thôi: Đó chính là cách đáp trả sâu cay nhất với những bình luận trái chiều.
Và biết đâu đấy, ý kiến "chỉ nhận tiền" của ai kia rồi sẽ bị những người đi ngang nhìn thấy chê cười hoặc bị chính lòng tốt Phạm Thoại nhấn chìm. Nhưng tiếc rằng, mọi chuyện đã không diễn ra theo kịch bản đấy.
Quá đáng tiếc!
Nhưng bạn cũng đừng quên rằng, có tới 2 người "quơ đũa cả nắm" trong vụ ầm ĩ này. Người đầu tiên, không ai khác, chính là người đã nêu ý kiến.
Cố nhìn nhận ở góc độ tích cực thì người tuyên bố "chỉ cần tiền" đúng thực là có phản ánh nhu cầu thực tế của người dân sau cơn bão. Chọn nói ra dưới bài đăng của Phạm Thoại cũng là vì muốn vật phẩm hỗ trợ đến đúng với người cần.
Nhưng có nhất thiết phải nêu ra bằng cách xem thường, hạ thấp ý tốt của người khác, bằng cách nói: "Tiền có thì mang đến, không thì thôi", "Đừng tranh thủ làm màu, còn tiền bao nhiêu thì cũng ít, ok?". Khẳng định là không.
Như Phạm Thoại không có cơ sở gì để đánh đồng người dân từ một comment, thì bản thân người này cũng không có cơ sở gì để quy chụp vật phẩm mà Phạm Thoại gửi đến người dân là vô nghĩa, hay không đúng thứ người khác cần.
Của cho không bằng cách cho, vậy thì của nhận không bằng cách nhận. Có lẽ đến chính những người nhận được hỗ trợ, dù cần hay không cũng có cách hồi đáp hoan hỷ và khéo léo, tôn trọng mạnh thường quân hơn chiếc comment từ người kia trên cõi mạng.
Vậy trong drama vô tri này ai mới là người sai, ai mới là người "quơ đũa cả nắm", xin được trả lời: Cả 2.
Nhưng cái sai của Phạm Thoại lớn hơn vì xét trên vị trí là một KOL có sức ảnh hưởng, phát ngôn của Thoại có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người, xét ở vị trí một người đi làm việc tốt rồi giận dỗi, tuyên bố không làm nữa thì... hình ảnh của Phạm Thoại bị xấu đi nhiều hơn. Chẳng ai biết mặt, biết tên người có phát ngôn combat Thoại, người ta chỉ nhớ Phạm Thoại bảo "người Quảng Ninh kén cá chọn canh".
Chống lại thiên tai đã đủ mỏi mệt, đừng thêm những "trận chiến" vô nghĩa trên mạng ảo chỉ vì không thể gõ ra những lời tử tế, thấu đáo với nhau.