Ngày 23 tháng 8 năm 1735 âm lịch, Hoàng đế Ung Chính đột ngột qua đời tại Viên Minh Viên, hưởng thọ 58 tuổi. Đại học sĩ Trương Đình Ngọc, người có mặt tại hiện trường, đã mô tả sự việc bằng hai từ "kinh hãi". Vào thời điểm đó đang là dịp Tết Trung thu, Ung Chính đang làm việc tại hành cung Viên Minh Viên thì bất ngờ đổ bệnh. Ông ngã bệnh vào ngày hôm trước, chiều hôm sau thì bệnh tình trở nặng, và đến tối cùng ngày thì băng hà. Sử sách ghi chép về cái chết của Ung Chính rất đơn giản, chỉ vỏn vẹn trong ba ngày, điều này đã làm dấy lên nhiều lời đồn đoán và suy luận.
Ngày 23 tháng 8 năm 1735 âm lịch, Hoàng đế Ung Chính đột ngột qua đời tại Viên Minh Viên, hưởng thọ 58 tuổi. (Ảnh: Sohu)
Có nhiều lời đồn đại cho rằng Ung Chính bị ám sát. Trong số đó, câu chuyện về nữ hiệp Lã Tứ Nương báo thù cho gia tộc được lưu truyền rộng rãi nhất. Theo lời đồn, Lã Tứ Nương đã chặt đầu Ung Chính và mang đi. Vì vậy, khi an táng, thi thể Ung Chính không còn đầu, và phải dùng một đầu người bằng vàng thay thế.
Tương truyền, Lã Tứ Nương là cháu gái của học giả Lã Lưu Lương thời đầu nhà Thanh. Lã Lưu Lương bất mãn với sự cai trị của nhà Thanh, đã viết sách phản đối triều đình. Hành động này bị phát hiện dưới thời Ung Chính. Mặc dù đã chết 50 năm, ông vẫn bị đào mộ, bị đánh roi và chặt đầu bêu riếu.
Con cháu của Lã Lưu Lương cũng không thoát khỏi số phận bi thảm. Ung Chính ra lệnh giết sạch đàn ông trong gia tộc, còn phụ nữ thì bị bắt làm nô lệ. Lã Tứ Nương may mắn trốn thoát nhờ sự che chở của vú nuôi. Mặc dù mới 13 tuổi, nhưng chứng kiến cảnh gia đình bị tàn sát, cô bé nung nấu ý chí trả thù. Cô viết một bức huyết thư thể hiện quyết tâm: "Không giết Ung Chính, chết không nhắm mắt."
Có nhiều lời đồn đại cho rằng Ung Chính bị ám sát bởi Lã Tứ Nương. (Ảnh: Sohu)
Để trả thù cho gia đình, Lã Tứ Nương đã bái cao tăng Cam Phượng Trì làm sư phụ, học võ công và kiếm thuật. Sau khi thành thạo võ nghệ, Lã Tứ Nương đã mua chuộc cung nữ và thái giám để dò la tin tức. Cô cải trang trà trộn vào cung điện. Vào đêm 23 tháng 8, biết được Ung Chính ngủ lại tại Viên Minh Viên, Lã Tứ Nương giả dạng một tú nữ tên là Huệ Tiên để hầu hạ Ung Chính. Cô đã dùng kiếm chặt đầu Ung Chính, rồi biến mất không dấu vết.
Câu chuyện này lan truyền rộng rãi, một phần vì Lã Tứ Nương là một mỹ nữ, đã thành công trà trộn vào cung và tiếp cận Ung Chính. Việc ám sát diễn ra ngay trong lúc thị tẩm càng khiến câu chuyện thêm phần ly kỳ, hấp dẫn. Theo Sohu, hình ảnh Ung Chính bị một nữ hiệp ám sát được người đời truyền tụng, có lẽ cũng phản ánh phần nào tâm lý muốn trả thù của một bộ phận người dân. Hơn nữa, để che giấu sự thật về vụ ám sát, triều đình đã dựng lên câu chuyện Ung Chính chết vì bệnh, và dùng vàng dát lên thi thể ông một cái đầu giả.
Tuy nhiên, theo các học giả, những thông tin trên có độ tin cậy rất thấp. Chúng được ghi lại trong cuốn "Thanh cung thập tam triều", một cuốn sách dã sử. Do đó, tính xác thực của nó không cao.
Chính sử và cuốn sách của Trương Đình Ngọc ghi lại rằng, ngày 20 tháng 8, Ung Chính triệu kiến các quan địa phương Ninh Cổ Tháp. Ngày 21 tháng 8, Ung Chính vẫn làm việc bình thường. Đến đêm 22, ông đột nhiên cảm thấy khó chịu, và đến giờ Tý ngày 23 thì qua đời.
Khi Ung Chính qua đời, Trương Đình Ngọc có mặt tại hiện trường và tận mắt chứng kiến Ung Chính thất khiếu chảy máu. Nếu Ung Chính bị chặt đầu, thì làm sao có thể thất khiếu chảy máu? Vậy nguyên nhân thực sự cái chết của Ung Chính là gì? Tại sao cái chết của ông lại kinh hoàng đến vậy, khiến cả Trương Đình Ngọc cũng phải khiếp sợ?
Khi Ung Chính qua đời, Trương Đình Ngọc có mặt tại hiện trường và tận mắt chứng kiến Ung Chính thất khiếu chảy máu. (Ảnh: Sohu)
Nguyên nhân cái chết kỳ lạ của Ung Chính được cho là do đột ngột mắc bệnh nặng. Đại học sĩ Trương Đình Ngọc không hề thấy bất kỳ dấu hiệu nào trước khi Ung Chính qua đời. Khi ông gặp Ung Chính, hoàng đế đã ở trong tình trạng hấp hối. Năm Ung Chính qua đời, ông vừa tròn 58 tuổi. Tuy không sống thọ như Khang Hy (69 tuổi) hay Càn Long (89 tuổi), nhưng so với các hoàng đế nhà Thanh khác, tuổi thọ của ông cũng không phải là ngắn. Tuy nhiên, Ung Chính đã coi việc làm hoàng đế như một nghề nghiệp thực sự vất vả, mặc dù ông đã phải tốn rất nhiều tâm sức để có được vị trí này.
Ung Chính trị vì 13 năm, thời gian không dài, nhưng đã đóng vai trò quan trọng trong việc nối tiếp và phát triển triều đại nhà Thanh. Dù công hay tội của ông còn gây tranh cãi, nhưng chắc chắn Ung Chính là một vị hoàng đế siêng năng. Từ việc lớn của quốc gia đến việc nhỏ của dân chúng, ông đều đích thân xem xét.
Theo ghi chép, trong thời gian trị vì, Ung Chính đã phê duyệt hơn 190.000 văn kiện, trung bình mỗi ngày ít nhất 40 cuốn. Ông thường xuyên làm việc đến khuya. Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, sức khỏe của Ung Chính chắc chắn bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, việc ít vận động và không chú trọng đến việc điều dưỡng đã khiến cơ thể ông ngày càng suy yếu. Từ năm 1729 trở đi, Ung Chính bắt đầu mắc nhiều bệnh, thậm chí có lúc bệnh nặng đến mức phải tính đến chuyện hậu sự.
Trong thời gian trị vì, Ung Chính đã phê duyệt hơn 190.000 văn kiện, trung bình mỗi ngày ít nhất 40 cuốn. (Ảnh: Sohu)
Thời xưa, y học còn hạn chế, nhiều vị vua đã tin vào những phương pháp huyền bí để kéo dài tuổi thọ, điển hình như Tần Thủy Hoàng và Minh Thế Tông (Gia Tĩnh). Năm 1730, khi sức khỏe bị đe dọa, Ung Chính bắt đầu quan tâm đến Đạo giáo hơn và phong cho đạo sĩ Lâu Cận Viên ở núi Long Hổ danh hiệu "Diệu Chính chân nhân". Ông cũng bắt đầu luyện đan tại Viên Minh Viên. Việc luyện đan không thể tránh khỏi việc sử dụng các kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân, lưu huỳnh.
Việc sử dụng lâu dài các chất này sẽ dẫn đến tích tụ độc tố trong cơ thể. Kết hợp với việc lao lực quá độ, đây được cho là nguyên nhân chính khiến Ung Chính đột ngột qua đời chỉ trong vòng ba ngày. Việc Trương Đình Ngọc nhìn thấy Ung Chính thất khiếu chảy máu khi qua đời cũng là biểu hiện của việc nhiễm độc.
Theo chuyên gia lịch sử nhà Thanh Dương Khải Tiều, sự cai trị của Ung Chính đã đóng vai trò rất lớn trong lịch sử nhà Thanh, nếu không thì Càn Long cũng khó có thể trở thành một vị hoàng đế nổi danh như vậy. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Ung Chính phải dành nhiều tâm sức cho việc xử lý chính sự. "Ung Chính trị vì 13 năm, công lớn hơn tội, sống giản dị, không ham hưởng thụ, là một vị hoàng đế đáng tin cậy. Nói triều đại Ung Chính là cầu nối giữa hai triều đại Khang Hi và Càn Long cũng không phải là quá lời".
Cái chết đột ngột của Ung Chính, cùng với việc ghi chép không chi tiết của chính sử nhà Thanh, đương nhiên sẽ gây ra nhiều tranh luận và nghi vấn. Tuy nhiên, sau khi khai quật và dọn dẹp Thái lăng của Ung Chính vào năm 1980, người ta phát hiện ra rằng lăng mộ không hề có dấu vết bị trộm. Kế hoạch khai quật sau đó đã bị tạm dừng. Cho đến nay, Ung Chính và các phi tần của ông vẫn yên nghỉ trong địa cung của Thái lăng. Câu trả lời cuối cùng cho bí ẩn về cái chết của Ung Chính vẫn đang chờ đợi các nhà khảo cổ học khám phá.
(Theo Sohu, Sina, 163)