Cái bắt tay kiểm soát Internet của Apple và Google

Du Lam, Theo ICTNews 10:15 01/03/2022

Khi Tim Cook và Sundar Pichai, CEO Apple và Google, bị chụp cảnh ăn tối cùng nhau tại một nhà hàng Việt Nam, bức ảnh làm dấy lên tin đồn về quan hệ giữa hai công ty quyền lực nhất nước Mỹ.

Khoảnh khắc hai người đàn ông rót rượu vang đỏ lãng mạn bên khung cửa sổ cũng là lúc họ đang đàm phán tái ký một trong những giao dịch kinh doanh béo bở nhất lịch sử: thỏa thuận đưa công cụ tìm kiếm Google làm lựa chọn số một trên iPhone và các thiết bị Apple khác. Thương vụ trị giá hàng tỷ USD đối với mỗi bên và củng cố vị trí của cả hai công ty trên thị trường công nghệ.

Thỏa thuận 15 năm tuổi

Trong đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ trước Google, liên minh quyền lực Apple – Google được đưa ra làm ví dụ nổi bật cho cái mà công tố viên gọi là hành vi bất hợp pháp nhằm bảo vệ độc quyền và hạ bệ đối thủ trong lĩnh vực tìm kiếm Internet.

Apple và Google đặt bút ký thỏa thuận 15 năm trước và hiếm khi nhắc đến nó. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa hai doanh nghiệp giá trị nhất Silicon Valley, một cái bắt tay bất ngờ giữa hai kình địch mà theo nhà chức trách, ngăn cản các công ty nhỏ hơn phát triển.

Bruce Sewell, Giám đốc Pháp lý Apple giai đoạn 2009 – 2017, tiết lộ: “Chúng tôi có một loại điều khoản kỳ lạ tại Thung lũng Silicon: cạnh tranh hợp tác (co-opetition). Bạn vừa cạnh tranh tóe máu, nhưng đồng thời lại cần phải hợp tác”.

Cái bắt tay kiểm soát Internet của Apple và Google - Ảnh 1.

Cố nhà sáng lập Apple Steve Jobs (trái) và CEO Google Eric Schmidt tại lễ ra mắt iPhone đầu tiên năm 2007. (Ảnh: Getty Images)

Apple và Google luôn song hành cùng nhau, ngay cả khi ông Cook chỉ trích quảng cáo Internet – nguồn thu chính của Google – tham gia vào việc theo dõi người dùng, và ngay cả khi cố nhà sáng lập Apple Steve Jobs, từng hứa hẹn “chiến tranh hạt nhân” với Google khi biết rằng “hàng xóm” của mình đang nghiên cứu hệ điều hành cạnh tranh với iPhone.

Với giá trị gộp hơn 3 nghìn tỷ đô, Apple và Google đối đầu trên nhiều mặt trận, từ smartphone, bản đồ đến laptop, chợ ứng dụng. Song, họ cũng biết cách hòa hợp vì lợi ích của bản thân. Rất ít thương vụ lợi cả đôi đường như thương vụ tìm kiếm trên iPhone.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, gần một nửa lưu lượng tìm kiếm Google đến từ các thiết bị Apple. Đánh mất thương vụ với Apple được xem như viễn cảnh “đỏ lòm” bên trong gã khổng lồ tìm kiếm. Khi người dùng iPhone tìm kiếm trên Google, họ sẽ nhìn thấy các quảng cáo, thứ mang về nguồn thu to lớn cho Google. Họ cũng tìm thấy các sản phẩm Google khác, chẳng hạn YouTube.

Một cựu giám đốc giấu tên của Google chia sẻ, mất lưu lượng từ Apple sẽ là điều “khủng khiếp” với họ.

Bộ Tư pháp Mỹ muốn tòa án cấm Google tham gia các thỏa thuận như với Apple vì nó giúp cho Google, vốn đang xử lý 92% tìm kiếm Internet trên toàn cầu, trở thành trung tâm trong cuộc sống trực tuyến của mọi người một cách không công bằng.

Những doanh nghiệp trực tuyến như Yelp, Expedia hay các chủ cửa hàng, hãng thông tấn… thường phàn nàn sự thống trị của Google trên thị trường tìm kiếm cho phép Google thu phí quảng cáo khi mọi người chỉ đơn giản tìm kiếm tên doanh nghiệp, cũng như hướng người dùng đến các sản phẩm riêng như Google Maps.

Ước tính Google trả 8 tới 12 tỷ USD mỗi năm cho Apple – tăng từ 1 tỷ USD năm 2014 – để làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các sản phẩm của “táo khuyết”. Đây có lẽ là khoản thanh toán đơn lẻ lớn nhất của Google cho bất kỳ ai và chiếm khoảng 14% đến 21% lợi nhuận thường niên của Apple. Tất nhiên, với số tiền lớn như vậy, Apple không thể ngoảnh mặt làm ngơ.

Thực tế, ông Cook và ông Pichai đã gặp mặt một lần nữa vào năm 2018 để thảo luận về cách tăng doanh thu từ tìm kiếm. Sau cuộc gặp, một nhân viên cấp cao Apple viết thư cho Google, nói rằng, “tầm nhìn của chúng ta là chúng ta có thể làm việc như cùng một công ty”, theo khiếu nại của Bộ Tư pháp Mỹ.

“Chia tay” đồng nghĩa với tổn thất hàng tỷ USD với Apple, nhưng là nguy cơ lớn hơn nhiều với Google vì rõ ràng, họ không có cách nào để khôi phục lưu lượng bị mất. Nó cũng sẽ buộc Apple phải mua lại hoặc phát triển công cụ tìm kiếm riêng. Bên trong Google, mọi người tin rằng Apple là một trong số ít công ty có thể tạo ra công cụ xứng tầm Google. Google lo ngại nếu không có thỏa thuận này, Apple sẽ làm khó người dùng iPhone khi muốn sử dụng công cụ tìm kiếm Google.

Ngay cả khi hóa đơn với Apple ngày một leo thang, Google vẫn nói rằng họ đứng đầu thị trường tìm kiếm Internet là vì người dùng ưa thích, không phải vì họ đã “mua” người dùng. Công ty tranh luận, Bộ Tư pháp Mỹ đang vẽ ra bức tranh không hoàn chỉnh; và quan hệ với Apple không khác gì việc Coca-Cola trả tiền cho siêu thị để có được chỗ bày đẹp trên kệ.

Bên cạnh đó, các công cụ tìm kiếm như Bing của Microsoft cũng có thỏa thuận chia sẻ doanh thu với Apple để làm tùy chọn tìm kiếm số hai trên iPhone. Ngoài ra, Apple còn cho phép mọi người thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định.

Cái bắt tay của hai đối thủ

Trong cuộc phỏng vấn cuối năm 2018 với trang tin Axios, CEO Apple Tim Cook nhận xét “công cụ tìm kiếm của họ (Google) là tốt nhất”. Đó là lý do vì sao ông vẫn hợp tác với Google dù chỉ trích họ thậm tệ. Ông bổ sung rằng, Apple cũng tạo ra những cách để khiến Google khó thu thập dữ liệu người dùng, chẳng hạn chế độ duyệt web riêng tư trên trình duyệt của Apple.

Thương vụ giữa Apple – Google không chỉ giới hạn trên trình duyệt Safari mà còn áp dụng cho hầu như mọi tìm kiếm khác trên thiết bị, bao gồm trợ lý ảo Siri, ứng dụng iPhone của Google và trình duyệt Chrome.

Cái bắt tay kiểm soát Internet của Apple và Google - Ảnh 2.

CEO Google Sundar Pichai (trái) và CEO Apple Tim Cook bị bắt gặp ăn tối cùng nhau vào năm 2017. (Ảnh: Steve Sims)


Quan hệ của họ đã biến chuyển từ bạn sang thù và cuối cùng là “hợp tác cạnh tranh”. Những năm đầu kinh doanh, hai nhà sáng lập Google – Larry Page và Sergey Brin – xem ông Jobs là cố vấn, họ có thể đi bộ cùng nhau một quãng đường dài để bàn về tương lai công nghệ.

Năm 2005, Apple và Google ký một thỏa thuận dường như vô cùng khiêm tốn, đó là để Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari của Apple trên máy tính Mac. Rất nhanh chóng, ông Cook – khi ấy là cánh tay phải của ông Jobs – nhìn thấy tiềm năng béo bở của thỏa thuận. Các khoản thanh toán của Google vô cùng hấp dẫn, trong khi những gì Apple cần làm chỉ là đưa một công cụ tìm kiếm mà mọi người mong muốn lên hàng đầu.

Apple mở rộng thương vụ cho sản phẩm lớn tiếp theo, iPhone. Khi giới thiệu iPhone năm 2007, Steve Jobs mời CEO Google Eric Schmidt tham gia để giải thích về cách hoạt động của Google trên thiết bị. Ông Schmidt đùa rằng: “Nếu chúng tôi hợp nhất hai công ty, chúng tôi sẽ gọi nó là AppleGoo”.

Sau đó, quan hệ trở nên xấu đi khi Google âm thầm phát triển hệ điều hành đối thủ với iPhone. Năm 2010, Apple kiện một nhà sản xuất điện thoại sử dụng Android. Theo Walter Isaacson, tác giả cuốn tiểu sử về Steve Jobs, ông dọa sẽ “hủy diệt Android” và “sẽ dành hơi thở cuối cùng nếu cần thiết”.

Một năm sau, khi ra mắt Siri, Apple chọn dùng Bing thay vì Google. Dù vậy, quan hệ hợp tác trên iPhone giữa hai “ông lớn” vẫn tiếp tục, đơn giản vì nó quá béo bở. Apple sắp xếp lại các điều khoản và đòi thêm tiền từ Google.

Khoảng năm 2017, thương vụ cần được làm mới. Google đối mặt với một thách thức, đó là số lượt bấm vào quảng cáo di động không tăng đủ nhanh. Apple lại không thỏa mãn với hiệu suất của Bing đối với Siri. Đồng thời, ông Cook công bố kế hoạch tăng gấp đôi doanh thu dịch vụ lên 50 tỷ USD vào năm 2020, mục tiêu đầy tham vọng khó có thể thành hiện thực nếu không có khoản tiền từ Google.

Đến mùa thu năm 2017, Apple thông báo Google sẽ đứng sau các câu trả lời của Siri, còn Google tiết lộ chi phí cho lưu lượng tìm kiếm đã tăng. Công ty chỉ đưa ra lời giải thích ngắn gọn cho khoản tiền trội lên hàng trăm triệu USD, “thay đổi trong thỏa thuận hợp tác”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày