Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022, tỉnh Quảng Bình đã chọn phương án tổ chức thi kết hợp với việc xét tuyển học bạ đối với các thí sinh tham dự. Các thí sinh có quyền đăng ký nguyện vọng 1 (NV1) vào trường mình yêu thích, nếu không trúng tuyển thì được xét tiếp NV2 vào một trường khác.
Thực hiện theo phương án này, ngay sau kỳ thi đã phát sinh một vấn đề khá gay cấn. Riêng tại TP. Đồng Hới có hơn 300 học sinh dự thi NV1 tại các trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, trường THPT Đào Duy Từ với kết quả thi và học bạ của các năm học THCS khá cao nhưng vẫn không thể vào được các trường NV2 như đăng ký.
Ngược lại, các trường THPT khác trên địa bàn nhiều học sinh NV1 mặc dù điểm thi rất thấp, cá biệt có những học sinh có môn chỉ đạt 0,25 điểm nhưng vẫn trúng tuyển. Không chỉ TP. Đồng Hới mà tình trạng này cũng diễn ra ở các huyện và thị xã trên địa bàn Quảng Bình.
Sở dĩ những em học sinh thi tại các trường điểm mặc dù có điểm cao nhưng không thể trúng tuyển NV2, bởi vì các trường THPT được quyền xét tuyển hết NV1 và khi thừa chỉ tiêu mới tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2. Và kết quả sau khi xét tuyển NV1, có trường chỉ còn 4 - 6 chỉ tiêu cho NV2, thậm chí có trường không còn NV2 để xét tuyển.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền (Bố Trạch - Quảng Bình) cho biết: Chỉ tiêu vào lớp 10 của nhà trường năm học 2021 - 2022 được Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình giao là 420 học sinh, nhưng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào trường gần 550 em. Theo cách xét tuyển thí sinh đăng ký NV1 trước, nếu còn chỉ tiêu mới tuyển thí sinh đăng ký NV2, như vậy thì nhà trường khả năng sẽ không tiếp nhận hồ sơ của những thí sinh đăng ký dự thi ở trường khác mà có NV2 về trường THPT Ngô Quyền.
Từ cách xét tuyển này, nhiều phụ huynh học sinh bức xúc cho rằng việc xét tuyển không công bằng bởi học sinh yếu, có điểm thi thấp lại được trúng tuyển còn học sinh khá thì trượt.
"Năm nay cháu đăng ký dự thi NV1 vào trường THPT Đào Duy Từ và đăng ký NV2 vào trường THPT Phan Đình Phùng. Với cách thi kết hợp giữa thi và xét học bạ, cháu được 27,75 điểm trong đó hai môn thi 9,75 (không có điểm tử) và học bạ được 18 điểm. Với số điểm này cháu không trúng vào NV1 Đào Duy Từ, nhưng cũng không thể vào trường THPT Phan Đình Phùng theo NV2 vì trường này họ xét tuyển hết NV1 với những thí sinh có điểm rất thấp, nên phần chỉ tiêu còn lại của học sinh NV2 là rất ít…" - chị Nguyễn Thị H. có con thi vào lớp 10 trường THPT Đào Duy Từ nói.
Tương tự, chị Trần Thị N, ở huyện Bố Trạch Quảng Bình cho biết: "Con tôi đăng ký NV1 dự thi vào trường THPT Lê Quý Đôn được 25 điểm thì không trúng tuyển. Tuy nhiên, gia đình chờ đợi ở NV2 của cháu tại trường THPT Ngô Quyền, nhưng giờ hết hi vọng khi chính trường THPT Ngô Quyền tuyển sinh NV1 còn dư cả trăm học sinh".
Trả lời báo chí, liên quan đến việc phụ huynh học sinh phản ứng việc tuyển sinh bất cập dẫn đến học sinh khá giỏi thì không thể trúng tuyển vào các trường THPT theo NV2, ông Đặng Ngọc Tuấn cho biết: Để có kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 trình UBND tỉnh phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến của UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc, các phòng GD-ĐT, các trung tâm giáo dục - dạy nghề với mong muốn tổ chức một kỳ thi vừa thực hiện công tác tuyển sinh vừa đánh giá chất lượng dạy học cấp trung học cơ sở (THCS), qua đó để điều chỉnh cách thức chỉ đạo, quản lý giáo dục trong thời gian tới.
Theo một chuyên gia trong ngành giáo dục đánh giá, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã không lường trước tình huống này nên dẫn đến phản ứng của phụ huynh học sinh. Ở các địa phương khác họ có cách làm khá hay, mỗi trường đưa ra cho mình điểm chuẩn để tuyển sinh. Năm nay tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT được UBND tỉnh phê duyệt là 82,6% (giảm gần 2% so với năm trước). Vì vậy, tỷ lệ học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 THPT năm học này cao hơn so với các năm học trước, nhất là ở địa bàn Đồng Hới.
Đây là vấn đề được dư luận quan tâm trong những ngày qua. Mặt khác, một số phụ huynh và học sinh chưa xác định đúng năng lực thực sự của con em mình để lựa chọn trường dự tuyển phù hợp dẫn đến không trúng tuyển vào lớp 10 THPT theo nguyện vọng.
"Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm bởi vì những năm trước đây không tổ chức thi mà chỉ căn cứ điểm học bạ để xét tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Sở GD&ĐT đã báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Bình và đang bàn phương án xử lí" - ông Tuấn nói.
Theo một chuyên gia trong ngành giáo dục đánh giá, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã không lường trước tình huống này nên dẫn đến phản ứng của phụ huynh học sinh. Ở các địa phương khác họ có cách làm khá hay, mỗi trường đưa ra cho mình điểm chuẩn để tuyển sinh. Các học sinh có quyền đăng ký 3 nguyện vọng. Nếu không trúng NV1, thì được xét NV2 nhưng điểm xét phải cao hơn điểm chuẩn của trường này 1 điểm, và NV3 phải cao hơn điểm chuẩn 2 điểm… Làm như vậy là công bằng, các em có học lực và điểm thi tốt sẽ được tiếp tiếp tục học THPT, còn các em có học lực và điểm thi không tốt buộc phải chấp nhận phân luồng học GDTX hoặc đi học nghề.