“Cách ly là quãng thời gian để tôi thấy: Có cuộc sống bình thường là điều hạnh phúc lắm rồi”

Minh Đức, Theo Trí Thức Trẻ 09:58 28/03/2020
Chia sẻ

Tôi hiểu cuộc đời còn nhiều đêm xuân để dạo chơi, 14 ngày cách ly của tôi sẽ có ý nghĩa với hàng trăm người.

Minh Đức (sinh năm 1993) là nhân viên truyền thông ở Hà Nội, cách ly bắt buộc tại nhà từ ngày 15/3 khi trở về từ Ấn Độ sau 2 tuần du lịch. Hôm nay là ngày cuối cùng trong hành trình 14 ngày cách ly và đây là những gì anh chàng này kể lại về quãng thời gian vừa rồi của mình. Những ngày tiếp theo, Minh Đức cho biết cũng sẽ hưởng ứng chiến dịch "Tôi ở nhà" để bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng.

Tôi đi du lịch được 3 tuần, trở về Việt Nam và nhận tin báo từ y tế phường phải tự cách ly, tôi đón nhận bình thản và nghĩ: “14 ngày thôi cũng không nhằm nhò gì”. Vốn là một người hay làm việc freelance, tôi cũng hay nhốt mình trong nhà cả ngày. “14 ngày không ra khỏi nhà, càng có nhiều thời gian tập trung làm việc”.

Nhưng giá như cuộc sống được đơn giản đến vậy.

“Cách ly là quãng thời gian để tôi thấy: Có cuộc sống bình thường là điều hạnh phúc lắm rồi” - Ảnh 1.

Minh Đức thực hiện cách ly bắt buộc tại nhà sau chuyến du lịch Ấn Độ 2 tuần.

Ngày 1:

Bố mẹ bắt tôi ở trong phòng cả ngày. Bố phải nghỉ làm, anh trai nghỉ làm, mẹ cũng không dám ra khỏi nhà vì sợ hàng xóm nói, nhà có đứa con cách ly mà không chịu ở nhà. Ngày nào tôi cũng phải nhắn tin cho chị y tá phường, cặp nhiệt độ và báo cáo sức khỏe. Tôi không có nhiều thời gian để lo về COVID trong ngày đầu khi còn phải bận bịu sắp xếp lại công việc sau khi nghỉ dài 3 tuần, cũng như 2 tuần sắp tới.

Ngày 2,3,4:

Tôi có một lịch trình “du lịch” trong nhà đều đặn: Phòng ngủ - toilet - phòng bếp (khi không còn ai ở đó, và phải đeo găng tay) - phòng ngủ (giờ làm việc) - toilet - ăn trưa - phòng ngủ (tiếp tục làm việc) - ăn tối - quay lại phòng ngủ, vẫn là làm việc và đi ngủ.

Sống cách biệt với thế giới dễ đẩy con người ta vào những trạng thái tâm lý bất ổn. Bạn phải tranh đấu giữa việc tìm hết những sở thích cá nhân có thể làm được trong phòng với việc ngồi căng thẳng và làm nhiều việc không tự chủ: Nhìn ra cửa sổ và cười một mình, nói chuyện với con thạch sùng, lấy gấu bông ra mặc quần áo…

Dù có dịch bao nhiêu bài về cách sống sót qua mùa cách ly, tôi vẫn thấy bất ổn. Bạn có thể ở nhà 1 tuần không ra ngoài và nói nó dễ dàng vì bạn có lựa chọn, còn khi cách ly một mình, bạn chẳng có sự lựa chọn nào khác.

Tất nhiên trong cái khó ló cái khôn, tôi đã lên danh sách việc cần làm và tự lấp đầy những khoảng trống cả về thời gian và tinh thần. Bạn có thấy vài ngày đầu hơi khó chịu nhưng khi nhớ ra to-do-list cần làm dài thật dài, bạn nhận ra ở nhà cũng bận rộn không khác gì khi ra ngoài.

Ngày 5:

Người ta hay mỹ miều hóa việc làm việc tại nhà. Có điều tôi không thích nhưng có những thứ rất tuyệt.

Là nhân viên truyền thông cho một trường học, tôi hoàn toàn có thể và được phép làm việc online trong thời gian này.

Tôi hơi căng thẳng và lo lắng mỗi sáng kiểm tra nhiệt độ, kiểm tra xem mình có ho không, hôm qua hắt hơi bao nhiêu lần. Bên trong là một mớ hỗn độn, còn bên ngoài là vô vàn cám dỗ: Giường êm, nhiều thứ tiêu khiển để làm, một con chim hót bên ngoài cửa sổ cũng khiến bạn mất 20 phút. Nhưng đổi lại, tôi tự chủ hơn, tôi làm việc miệt mài hơn khi nhận ra mình vừa tiêu lố chút thời gian của công ty. Làm việc ở nhà, tôi nhận ra mình chỉ cần chiếc laptop là đi đâu cũng sống được.

Tự dưng tôi nhớ lại những ngày nằm dài trên biển Bali, nhấm nháp một ly cocktail và trả lời mail khách hàng. Ở nhà tôi thiếu một bãi biển, nhưng cảm giác cũng y hệt. Cách ly không khiến tôi cảm thấy một thứ gì đó thật tuyệt, nhưng nó khiến tôi biết cách cân bằng và thích nghi.

“Cách ly là quãng thời gian để tôi thấy: Có cuộc sống bình thường là điều hạnh phúc lắm rồi” - Ảnh 2.

Ngày 6:

Thời gian cách ly 14 ngày như một chiếc đồ thị, bạn thấy thoải mái những ngày đầu, rơi vào buồn chán những ngày ở giữa nhưng đến những ngày cuối lại khấp khởi hồi hộp.

Tôi cũng đã học được cách lên cho mình một lịch trình khoa học và thói quen lành mạnh trong ngày. Tôi workout trong phòng 30 phút mỗi ngày (Youtube có vô vàn bài tập cho bạn chọn), dành ra khoảng 1 tiếng đọc sách mỗi tối, cố gắng tắt máy tính vào lúc 5h để đọc sách và sau đó mở lại vào buổi tối để xem phim.

Tôi gọi điện cho bạn bè nhiều hơn, cũng có nhiều đứa đang cách ly để thấy mình không lẻ loi. Tôi nhớ Hà Nội những ngày đẹp trời; nhìn ra ngoài cửa sổ có nắng, tôi nhớ hồ Tây những chiều như vậy.

Cách ly là một cách sống có trách nhiệm hơn với bản thân và cả cộng đồng. Bạn có thể ghét, bạn có thể thấy ngột ngạt nhưng trải nghiệm như vậy chắc rất lâu sau mới có lần hai. Cách ly là quãng thời gian để tôi thấy, có cuộc sống bình thường là điều hạnh phúc lắm rồi.

Ngày 7,8,9:

Tôi phải đương đầu với những “chiến binh” hàng xóm từ xa khi những lời đồn đại, thêu dệt của họ văng vẳng lên tận phòng tôi trên tầng hai.

Tôi phải nói với mẹ là con không phải F1, F2 hay F3, việc tự cách ly ban đầu cũng là tự nguyện (mãi sau mới có quyết định là bắt buộc) nên đây là một biện pháp cho chắc ăn. Mẹ có nói với hàng xóm nhưng họ chỉ để ý một điều thôi.

Những cô hàng xóm “buôn” chuyện như muốn để tôi nghe thấy, to đến mức phát bực. Họ rỉ tai nhau như này:

"Thằng con trai nhà đó đi châu Âu đấy". Tôi ước gì mình biết châu Âu là ở đâu khi chưa một lần đặt chân tới. Tôi hiểu nỗi sợ của họ, cũng thấy buồn cười. Năm sau mà hết dịch, tôi sẽ đi châu Âu thật cho mọi người biết.

“Cách ly là quãng thời gian để tôi thấy: Có cuộc sống bình thường là điều hạnh phúc lắm rồi” - Ảnh 3.

Ngày 10:

“Âm tính”, tôi mừng phát khóc! Dù tôi biết mình khỏe mạnh cho tới ngày thứ 10 này, tôi vẫn thấy vui khi nhận được kết quả chính thức.

Giống như khi người có nhà bị bệnh, nhà có người bị cách ly, cả nhà trở thành các “chiến sĩ” chống bệnh. Mẹ bắt tôi ăn cam, uống nước nóng, súc miệng nước muối mỗi ngày. Mẹ bắt tôi ăn nhiều như sợ tôi không ăn đủ sẽ lăn ra sốt. Tôi cũng hỏi han nhiều bạn bè làm bác sĩ về thời gian thường sẽ biểu hiện triệu chứng, nếu điều trị thì mất khoảng bao ngày.

Chỉ đến khi nào có bệnh, hoặc có nguy cơ mắc bệnh, người ta mới quan tâm hơn tới sức khỏe.

Ngày 11:

Thời gian biểu giờ đây đã cố định hơn nhiều. Như một người ở đâu đó lâu, bạn bắt đầu mơ mộng và nghĩ sau khi thoát khỏi nhà, mình sẽ làm gì. To-do-list của tôi về việc sẽ làm khi hết dịch mỗi ngày lại dài ra thêm một chút.

- Ăn sạch Hà Nội (giờ thì chịu, nhận tin hàng quán đóng cửa hết rồi)

- Đi chạy bộ (một mình)

- Đạp xe quanh hồ Tây

- Chờ hết dịch sẽ đi đâu đó 1-2 ngày xả stress

Ở nhà nhiều đôi khi khiến bạn tự trầm trọng hóa hoàn cảnh. Có những cảm xúc xuất hiện như để đánh lừa mình. Tôi biết 14 ngày không phải điều tệ nhất khi ngoài thế giới, người ta đang chật vật trước số các ca mắc, ca tử vong ngày càng gia tăng. Có những buổi chiều, tôi chọn cách ngồi thiền (dù không thể tập trung 100%). Đó là “đặc ân” của việc cách ly khi không ai làm phiền và bạn có thể chọn trốn bỏ mọi xô bồ, náo nhiệt thường ngày.

“Cách ly là quãng thời gian để tôi thấy: Có cuộc sống bình thường là điều hạnh phúc lắm rồi” - Ảnh 4.

Ngày 12,13:

Những ngày này trôi qua nhanh hơn vì mọi thứ trở thành thói quen. Tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể ở nhà thêm, dù sao thành phố cũng kêu gọi người dân ở nhà. Bạn sẽ cần một vài kỹ năng để ở nhà thoải mái: Học cách làm bản thân bận rộn, Sắp xếp thời gian hợp lý, Hãy sinh hoạt như lúc chưa có bệnh dịch gì (trừ việc rửa tay thường xuyên và không tiếp xúc với mọi người), lên plan cho những điều hay ho sẽ làm sau khi hết dịch. Đây mới đích thực là New Year resolution của tôi.

Da tôi đẹp hơn, vì uống nhiều nước, ăn nhiều cam và không ra ngoài nắng. Tôi tăng 1kg. Tôi thực sự lại sức sau 2 tuần du lịch bụi ở Ấn Độ.

Tất nhiên tôi cũng lo lắng một chút. Những ngày cách ly cuối cùng, tôi vừa sợ căn phòng của mình, nhưng cũng không đủ dũng cảm để bước ra ngoài kia đương đầu với một thế giới đang chao đảo. Tôi cũng hơi chao đảo. Lúc này mới thấy mừng thầm khi có một khoản saving nhỏ, có công việc để làm online, có nhà để trở về và an toàn tại Việt Nam.

Ngày cuối cùng:

Nếu được chọn lại có cách ly hay không, tôi vẫn sẽ chọn cách ly, chọn ở nhà. Là một người trẻ có kiến thức và hiểu biết, tôi nghĩ ai cũng sẽ có lựa chọn như tôi để thế giới nhanh chóng kết thúc đại dịch này.

Niềm tin vốn là thứ mỏng manh, trước đại dịch lại càng căng như sợi chỉ. Nhưng giờ đây, niềm tin là thứ duy nhất níu kéo chúng tôi trước một vận mệnh mới của toàn cầu. Hết 14 ngày cách ly, tôi lại phải chuyển mình vào một guồng quay khác, bận rộn hơn và náo nhiệt hơn; guồng quay đó giờ đây đã khác giữa một thế giới biến động. Giống như kẻ thiu thiu ngủ, tôi phải tự đánh thức bản thân để xoay vần cùng thời cuộc. Hết 14 ngày cách ly cũng là lúc một cuộc sống mới lại bắt đầu.

Tôi vẫn ở nhà vì cả nước cần mọi người ở nhà, nhưng với một tâm thế khác. Tự cách ly không chỉ là những ngày để mọi người kiểm tra sức khỏe của bản thân; với tôi nó như một lần “detox” tinh thần để mọi người tỉnh dậy và bước ra ngoài, sẵn sàng cho mọi điều mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, và trong thời gian tới đây, đất nước chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử thách thật sự. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương đưa ra, đó là: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.

Đứng yên thời điểm này - với tất cả chúng ta, đó là ở nhà. Tôi ở nhà! Tôi thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội. Vì ở nhà lúc này là tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người thân, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, và bớt đi gánh nặng trên vai Tổ quốc.

Các y bác sĩ trên toàn thế giới đang lan truyền thông điệp "Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi". Là một công dân có ý thức, đặt sự an toàn sức khoẻ lên hàng đầu, hãy cùng nhau lan toả lời kêu gọi #toionha để nhanh chóng đẩy lùi #CôVyĐiĐi các bạn nhé!

“Cách ly là quãng thời gian để tôi thấy: Có cuộc sống bình thường là điều hạnh phúc lắm rồi” - Ảnh 6.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày