Cách các CEO 9x đình đám từng săn học bổng

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 29/05/2020

Không chờ hỗ trợ chi phí từ gia đình mà dựa vào năng lực của bản thân để tự chọn một môi trường học tập như ý, câu chuyện về những CEO 9x bước ra từ ĐH FPT trở thành nguồn cảm hứng, cổ vũ nhiều người trẻ.

9x học đại học không mất tiền, khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng

Cách các CEO 9x đình đám từng săn học bổng - Ảnh 1.

Nguyễn Việt Hùng (1995) đang là giám đốc điều hành của Color Me - một hệ thống các trung tâm đào tạo thiết kế, nhiếp ảnh có tiếng phủ sóng toàn quốc.

Thời học phổ thông, Việt Hùng rất đam mê máy tính, vì thế cậu dành phần lớn thời gian để tìm hiểu những kiến thức liên quan đến Tin học. Năm lớp 10, cậu đặt mục tiêu theo đuổi ngành Khoa học máy tính. Tình cờ biết đến chương trình học bổng của Trường ĐH FPT, năm ấy chàng trai quê Quảng Trị ấp ủ quyết tâm trở thành sinh viên ngành Khoa học máy tính ĐH FPT.

Suốt ba năm học phổ thông, Hùng "chinh chiến" nhiều cuộc thi Tin học cấp tỉnh, cấp quốc gia và mang về "chiến lợi phẩm" là 11 giải thưởng lớn nhỏ. Cậu đã chứng minh rằng bản thân thực sự xứng đáng khi nộp hồ sơ thi học bổng vào ĐH FPT. Sau vòng hồ sơ, Hùng tham gia làm bài thi và phỏng vấn. Với điểm số thuyết phục, cậu bạn mê Tin học được tuyển thẳng vào ĐH FPT và nhận được mức học bổng cao nhất 100%+ trong suốt 4 năm học.

Bước sang năm thứ hai đại học, Hùng lên ý tưởng khởi nghiệp với dự án mở trung tâm đào tạo thiết kế ngắn hạn. Dù không có vốn nhưng cậu vẫn "đánh liều", một mình tự chiêu mộ học viên, tìm thuê địa điểm, soạn giáo trình... Cậu thuê và mượn tất cả những gì có thể. May mắn là làm sản phẩm trí tuệ không mất nhiều chi phí sản xuất, tốc độ xoay vòng vốn lại nhanh. Thế nên, hoạt động một vài tháng, trung tâm dạy thiết kế của Hùng đã vận hành trôi chảy.

Sau này, khi mở rộng dự án, Hùng cũng gặp khó khăn liên quan đến nhân sự, quản lý. Bằng nền tảng kiến thức công nghệ được học ở ĐH FPT, cậu tự làm các công cụ quản lý số để khắc phục. Cậu xây hệ thống email tự động, điểm danh học viên bằng QR code và cả mạng xã hội kết nối học viên với người dạy. Những công cụ này giúp Hùng quản lý công việc hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn hẳn. Đến khi ra trường, trong lúc bạn bè còn loay hoay đi xin việc, Hùng đã điều hành ổn định trung tâm dạy thiết kế của mình và mở thêm nhiều cơ sở từ miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng) vào miền Nam (TP.HCM) với mức thu nhập "khủng" có 9 chữ số hàng tháng.

Hai lần nhận học bổng, CEO 9x vừa đi học vừa theo đuổi ước mơ dạy lập trình

Cách các CEO 9x đình đám từng săn học bổng - Ảnh 2.

CEO 9x Hoàng Phương Nga (1994) là một trong những người trẻ tiên phong phát triển dự án dạy lập trình cho trẻ em.

Hoàng Phương Nga là nữ sinh từng khiến báo đài tốn nhiều giấy mực khi nằm trong số ít ỏi những cô gái theo học công nghệ thông tin mà đạt được nhiều thành tích đáng nể. Tuy nhiên, năm cấp 3 Phương Nga không hề nghĩ rằng mình sẽ theo học ngành này. Mãi đến khi biết đến trường ĐH FPT và yêu thích môi trường học tập hiện đại, sáng tạo của ngôi trường công nghệ này, Nga mới xác định mục tiêu của mình.

Sở hữu thành tích học tập nổi bật, Phương Nga gây ấn tượng khi nộp hồ sơ xin học bổng vào ĐH FPT. Thành tích học tập xuất sắc trong suốt thời gian học phổ thông đã giúp cô bạn chứng tỏ bản thân xứng đáng với suất học bổng toàn phần của ĐH FPT. Được cấp thẳng học bổng 100% cho cả 4 năm học mà không cần trải qua kỳ thi, Nga bén duyên với ngành Công nghệ thông tin và bắt đầu mở ra con đường mới với hàng loạt thành tích tiêu biểu sau này.

Năm 2015, Phương Nga đại diện cho ĐH FPT nhận giải thưởng Nữ sinh Công nghệ thông tin tiêu biểu do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng. Không lâu sau đó, cô bạn tiếp tục vượt qua kỳ thi Công nghệ thông tin của ITPEC và trở thành đại sứ của Việt Nam, ẵm cơ hội sang Nhật giao lưu với các đại sứ nước khác.

Tới kỳ thực tập, khi được làm việc trong một công ty công nghệ, Nga nảy ra ý tưởng dạy lập trình cho các con em của cán bộ tại đó. Từ đây, nhiều phụ huynh bắt đầu quan tâm đến khóa học của Nga và gửi con theo học. Vậy là Học viện Kiddicode - dự án khởi nghiệp của cô sinh viên năm ba ĐH FPT ra đời. Năm 2017, dự án của Nga thành công và được mở rộng với 5 trung tâm dạy lập trình trên toàn quốc.

Hiện tại, dù đang theo học Thạc sĩ tại ĐH Colorado Boulder (Mỹ) nhưng Phương Nga vẫn không từ bỏ đam mê. Ngoài giờ học, Nga tham gia các buổi dạy lập trình cho trẻ em Mỹ và các dự án liên quan đến Công nghệ thông tin để học hỏi cũng như thỏa mãn sở thích dạy lập trình. Được biết, khi nộp hồ sơ cho 2 trường ĐH danh giá tại Mỹ, Phương Nga đỗ cả hai trường và được đề nghị suất học bổng trị giá 22,000$. Trong tương lai, cựu nữ sinh ĐH FPT chắc chắn sẽ còn được nhắc đến với những thành tích và đam mê liên quan đến công nghệ.