Các trường Đại học hiện nay buộc phải thay đổi như thế nào để phù hợp với thế hệ Z

Bơ, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 04/09/2018

Lứa thế hệ Z đầu tiên (1995) đã tốt nghiệp đại học được 2 năm. Bởi sự khác biệt trong điều kiện sống, các Zer bắt đầu yêu cầu nhiều hơn ở một ngôi trường đại học. Vì thế, thay đổi sao cho “vừa vặn” với thế hệ Z là việc rất nhiều trường đại học nên làm.

(Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả Laura Pappano được đăng tải trên trên The New York Times)

"Gen Z" là danh từ để chỉ lứa người trẻ sinh từ năm 1995 đến năm 2012. Không phải đấu tranh để có được hòa bình giống thế hệ X (1961-1981), càng không khổ sở chứng kiến khủng hoảng kinh tế năm 2008 như thế hệ Y (1981-1995), Gen Z được "tạo hóa" ưu ái cho sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ.

Sinh viên thế hệ iGen (lớn lên trong thời đại iPhone) luôn ép bản thân mình phải vượt qua thử thách để khẳng định bản thân. Điều này trở nên khó hiểu đối với các thế hệ khác.

Vậy một thế hệ như thế thực sự muốn gì ở một trường đại học?

Các trường Đại học hiện nay buộc phải thay đổi như thế nào để phù hợp với thế hệ Z - Ảnh 1.

Sinh viên thế hệ iGen (lớn lên trong thời đại iPhone) luôn ép bản thân mình phải vượt qua thử thách để khẳng định bản thân.

Một thế hệ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi học Đại học

Gen Z là thế hệ đa dạng về chủng tộc nhất trong lịch sử thế giới. Sinh viên Gen Z sở hữu nhiều đặc tính kỳ lạ. Họ ít đọc sách hay check email thường xuyên mà chú trọng vào việc phát triển hình ảnh của bản thân trên mạng xã hội. Gen Z gặp stress hay cô đơn sớm, nhưng họ đủ "điên" để vượt qua tất cả các giới hạn để tìm về một cuộc sống hạnh phúc.

Một thế hệ kỳ lạ như vậy, bây giờ có người chuẩn bị bước chân vào giảng đường, có người đã tốt nghiệp được vài năm!

Bằng cách này hay cách khác, Gen Z đang dần dần thay đổi ngôi trường đại học của mình theo cách họ muốn. Với sự phát triển của mạng xã hội, Gen Z bắt đầu biết cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong các quyết định học tập. Từ đó, họ cũng bắt đầu có những tiêu chuẩn nhất định khi đặt chân vào đại học.

Các trường Đại học hiện nay buộc phải thay đổi như thế nào để phù hợp với thế hệ Z - Ảnh 2.

Với sự phát triển của mạng xã hội, Gen Z dễ dàng nhận thức được việc chuyện học đại học là bỏ tiền ra "mua dịch vụ".

Tiến sĩ Phạm Thu Hương, trưởng phòng Quản lí Đào tạo (Đại học Ngoại thương), chia sẻ: "Điều quan trọng nhất mà Gen Z luôn khao khát là có một môi trường và điều kiện tốt để nuôi dưỡng tố chất, phát triển kỹ năng, gia tăng sự tự tin và tự chủ. Từ đó, các em sinh viên có thể khẳng định cái tôi trong tập thể. So với thế hệ X và Y, mong muốn đi đến tận cùng của vấn đề của Gen Z mạnh mẽ hơn và thái độ tiếp nhận vấn đề khi được giải đáp hợp lý cũng cởi mở hơn. Gen Z là thế hệ đa nhiệm, thích mọi hoạt động đơn giản và tiết kiệm thời gian chính bởi vậy luôn có mong muốn giải quyết các vấn đề thông qua các kênh trực tuyến."

Theo Giáo sư Corey Seemiller của đại học bang Wright (Mỹ), Gen Z cẩn trọng hơn trong con đường học tập của mình. Họ có xu hướng thích học hơn thế hệ Y. Nghiên cứu này được ông thực hiện trên 1200 sinh viên ở 50 trường học trong khi viết cuốn sách Generation Z Goes to College (tạm dịch: Thế hệ Z học Đại học). Gen Z không thích chuyện học nhóm. Thay vào đó, họ thích việc có số liệu, thông tin cho trước về bài học để tự mình ngẫm ra kiến thức.

Do sự phát triển của mạng xã hội, Gen Z tự đặt áp lực phải trở thành một người xuất chúng trong xã hội. Họ lớn lên với những hình mẫu khởi nghiệp thành công, những siêu mẫu học thức, hay cả những "con nhà người ta". Dù có muốn hay không, những phép so sánh luôn khiến Gen Z cảm thấy bản thân thật kém cỏi.

Các trường Đại học hiện nay buộc phải thay đổi như thế nào để phù hợp với thế hệ Z - Ảnh 3.

Nhưng việc ám ảnh với những thần tượng mạng xã hội không khiến khả năng giao tiếp của Gen Z bị giảm. "Trái lại, họ thích những cuộc trò chuyện trực tiếp, thích sự rõ ràng và thẳng thắn, thích cả việc tiếp xúc người thật – việc thật.", giáo sư Seemiller khẳng định.

Và bởi tất cả các lí do trên, Gen Z đã, đang và sẽ luôn là một khách hàng khôn ngoan trong việc sử dụng "dịch vụ" học đại học. Vì thế, mỗi trường đại học phải tự cố gắng thay đổi không chỉ nội dung mà cả cách thức giảng dạy.

Những tín hiệu "chuyển mình" tích cực

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc giảng dạy theo cách tiếp cận mới, Đại học Ngoại thương đã tăng cường yếu tố quốc tế để giúp Gen Z dễ dàng hội nhập. "Sự tham gia học tập của các sinh viên quốc tế, cơ hội trải nghiệm học tập quốc tế, tham gia các hoạt động cộng đồng,… đã góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển những khả năng cần thiết cho sinh viên khi tham gia thị trường lao động quốc tế. Sinh viên được phát triển trong một môi trường giáo dục quốc tế năng động và cởi mở sẽ từng bước phát huy được các tố chất, định hình bản sắc cá nhân, tự tin, năng động và chủ động tìm kiếm kiến thức, kỹ năng", cô Hương chia sẻ.

Đại học Bang Ohio (Mỹ) đã phát hẳn 11000 chiếc iPad cho các tân sinh viên. Trường còn đang cho xây dựng một ứng dụng dành riêng cho sinh viên, trong đó có các tiện ích rất "xịn xò": bản đồ (kèm các tuyến xe buýt đến trường), lộ trình môn học, điểm tích lũy, thời khóa biểu, các tổ chức sinh viên,…

Các trường Đại học hiện nay buộc phải thay đổi như thế nào để phù hợp với thế hệ Z - Ảnh 4.

Đại học Bang Ohio (Mỹ) đã phát hẳn 11000 chiếc iPad cho các tân sinh viên.

Thầy Cory Tressler nghĩ ra ý tưởng này vì sinh viên luôn trong tâm thế "định vị" cuộc sống trường học. Họ sử dụng dịch vụ bằng iPhone trên khắp các giảng đường, khuôn viên hay khu học xá. Vậy thì tại sao không thử tạo ra một ứng dụng khiến sinh viên thời đại công nghệ cảm thấy được thuộc về trường Ohio?

Cô Nicole Kraft – giáo sư ngành Truyền thông Báo chí của đại học Ohio – cũng "khoe" về việc mình biết trò chuyện với sinh viên Gen Z theo đúng cách. Cô đưa các thông tin về bài giảng của mình trên Twitter. Mỗi bộ môn cô Kraft dạy đều có một hashtag riêng. Cô đăng tải bài tập về nhà trên Slack – một ứng dụng khá thông dụng với dân văn phòng ở Mỹ. Thậm chí, giờ hành chính của cô cũng kéo dài đến 10 giờ tối thông qua Zoom – một ứng dụng chuyên để học trực tuyến, vì "các sinh viên thường có câu hỏi cần giải đáp trong khoảng thời gian này."

Cô Kraft không hề dùng email để liên lạc với sinh viên trong lớp, tuy nhiên, cô vẫn dạy về cách viết một bức thư điện tử hoàn chỉnh. Với cô, đây là kỹ năng cần thiết, nhưng không hề bắt buộc: "Sinh viên Gen Z phải biết về cách sử dụng các ứng dụng điện tử cho chuyện học tập. Nhiều sinh viên của tôi còn chẳng biết sử dụng Microsoft Word trên iPad. Rõ ràng, có quá nhiều kỹ năng cơ bản mà chúng ta tưởng nhầm rằng ai cũng biết."

Các trường Đại học hiện nay buộc phải thay đổi như thế nào để phù hợp với thế hệ Z - Ảnh 5.

Vậy thì tại sao trường không thử tạo ra một ứng dụng khiến sinh viên thời đại công nghệ cảm thấy được thuộc về trường Ohio?

Và quả thực, theo sau đại học Ohio ở Mỹ, có rất nhiều ngôi trường khác trên thế giới cũng bắt tay vào công cuộc thay đổi sao cho "vừa vặn" với Gen Z.

Thầy John Shallow, hiệu trưởng của trường đại học Carthage tại Kanosha, mở chiến dịch "PicsOrYouDontExist" (Chụp ảnh hoặc Không tồn tại) ngay trong ngày nhập học chỉ để khuyến khích các em "sống ảo".

Trái với thầy John, thầy Suzanne Langridge của đại học Wesllesley (Mỹ) lại thực hiện nhiều tiết học trực tiếp ngoài trời để giúp sinh viên bớt phụ thuộc công nghệ. "Sinh viên không thể sống thiếu công nghệ, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng được phép bỏ qua việc kết nối với nhau và với đời sống xung quanh", thầy Suzanne khẳng định.

Thậm chí, thầy Daniel Guberman (Đại học Purdue) còn cùng các đồng nghiệp thiết kế lại hoàn toàn 400 bài giảng sao cho gần gũi hơn với Gen Z. Những bài giảng mới bao gồm cả các video mới minh họa trực quan cho bài giảng. Đối với thầy Daniel, phương châm của đại học Purdue đã thay đổi: "Đại học không phải là nơi tìm ra sinh viên tốt nhất. Đại học phải là nơi đảm bảo rằng các sinh viên theo học đều có thể trở nên thành công."

Thay đổi như thế nào cho đúng?

Các trường Đại học hiện nay buộc phải thay đổi như thế nào để phù hợp với thế hệ Z - Ảnh 6.

Để phù hợp hơn với Gen Z, theo cô Hương, các trường đại học cần phải chú trọng cải tạo môi trường học tập là trước tiên. "Muốn phù hợp hơn với Gen Z, các trường đại học tại Việt Nam phải thay đổi dần dần trong cách tiếp cận các chương trình đào tạo và chú trọng nhiều hơn tới việc hình thành tâm thế nghề. Đối với các trường đại học hàng đầu, cần phát huy tối đa lợi thế của đầu vào chất lượng cao, giúp cho Gen Z nhìn nhận bản thân rõ ràng hơn. Đó là nền tảng để có những lựa chọn tốt nhất cho sự nghiệp. Tăng cường ý thức về trách nhiệm và cam kết cũng nên được lồng ghép vào các chương trình đào tạo, kèm theo đó là một số hoạt động ngoại khóa để giúp Gen Z hoàn thiện những tố chất cần có trong thời đại mới."

Các nhân viên chuyên phụ trách chăm lo đời-sống-tinh-thần của sinh viên tại Đại học Princeton, đầu năm nay đã tải hẳn một video cover lại MV 22 (Taylor Swift) để chào đón các tân sinh viên. Mới đây, Ian Deas, một sinh viên của trường chia sẻ: "Những chiến dịch nho nhỏ do chính trường đại học đã tạo một cảm giác rất gần gũi với sinh viên. Ngôn ngữ trường dùng trên mạng xã hội cũng rất gần gũi với Gen Z. Thế hệ chúng tôi hay chỉ trích mọi vấn đề cũng chỉ bởi thói quen hay dùng smart-phone và mạng xã hội. Thực ra, chúng tôi chỉ mong muốn kết nối được với mọi người ở mọi lúc mọi nơi."

Gen Z tuy khó hiểu, nhưng cũng rất cần được lắng nghe. Họ quá cô đơn và mong muốn được chia sẻ. Họ tham vọng chỉ bởi không sinh ra trong thời gian khó khăn. Họ khắt khe trong chuyện học hành đơn giản vì muốn có một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhu cầu đổi mới của Gen Z là hoàn toàn chính đáng. Vậy nên, nếu không muốn chuyện học đại học là một lựa chọn có-hay-không-cũng-được, các trường đại học phải "lột xác" ngay ngày hôm nay.