Các tín đồ món ăn Nhật đang săn lùng 5 phim Nhật này đây!

Chi Lanh, Theo Trí Thức Trẻ 10:15 02/01/2018
Chia sẻ

Hãy cùng xem qua danh sách 5 món ngon được mô tả chi tiết trong 5 phim Nhật sau đây.

Không cần phải bàn cãi đến danh tiếng của nền ẩm thực Nhật Bản. Từ những món thường ngày với hằng hà phiên bản khác nhau theo mùa, theo dịp cho đến sự nhẫn nại và tâm huyết trong quá trình chế biến, hay là những thứ kỹ thuật gia truyền qua nhiều thế hệ, đến cả câu chuyện được kể theo từng thứ nguyên liệu, thế giới thật sự quan tâm đến món ăn Nhật còn là vì họ phối hợp nhuần nhuyễn các kênh thông tin để quảng bá món ăn của mình. Phim Nhật là một ví dụ điển hình.

Có rất nhiều tác phẩm điện ảnh tái hiện được tinh thần ẩm thực xứ hoa anh đào, giải thích tường tận và lí thú cách chế biến, thưởng thức món ăn Nhật. Hơn nữa khi xem phim, bạn không chỉ biết cách ăn sao cho đúng, nấu sao cho ngon, mà còn hiểu thêm cả những giá trị văn hóa lâu năm của người dân nước này. Dù bạn là tín đồ của nền ẩm thực hay đơn thuần chỉ là thích xem phim Nhật, hãy xem ngay danh sách 5 phim lồng ghép khéo léo đề tài món ngon nước Nhật nhé.

1. Akanezora: Beyond the Crimson Sky – Bầu Trời Đỏ Thẫm

Dựa trên quyển tiểu thuyết thắng giải Naoki của nhà văn Ichiriki Yamamoto, Akanezora: Beyond the Crimson Sky (Bầu Trời Đỏ Thẫm) là phim điện ảnh tôn vinh những người làm đậu phụ (tofu) ở thời Edo (Tokyo những năm 1700).

Nhân vật chính của phim, thợ làm đậu phụ 25 tuổi Eikichi (Seiyo Uchino đóng) chuyển đến Edo để tìm cơ hội phát triển công việc kinh doanh của mình. Tự tin với những năm học nghề từ một nghệ nhân nổi tiếng, Eikichi khăng khăng cho rằng đậu phụ ngon nhất chính là món đậu phụ theo phong cách của người Kyoto. Không may cho Eikichi, đậu phụ anh ta làm ra không hợp khẩu vị với người dân tại đây, vì đậu phụ Kyoto nhỏ và mềm hơn đậu phụ Edo. Eikichi bắt đầu nghiên cứu và chế biến đậu phụ để chinh phục khẩu vị của người dân nơi kinh thành lớn.

Akanezora đã chứng minh được một chân lý độc đáo của ẩm thực Nhật Bản: Dù chỉ là một món đơn giản, nhưng mỗi địa phương sẽ có dị bản, ứng với từng gốc tích lịch sử ly kỳ. Cũng giống như cùng gọi là okonomiyaki (bánh xèo Nhật), nhưng bánh ở Osaka hương vị khác với bánh ở Hiroshima vậy.

Các tín đồ món ăn Nhật đang săn lùng 5 phim Nhật này đây! - Ảnh 2.

Ngoài ra, phim còn giáo dục cho người xem ý nghĩa của món đậu phụ ở Nhật và vai trò quan trọng của người chế biến. Trong phim, vợ của Eikichi đã thốt lên: "Đó không chỉ là đậu phụ!". Đúng như vậy, Akanezora không chỉ đề cập đến một món ăn, mà còn tôn vinh những người đầu bếp luôn trung thành với tay nghề của họ, đâu đó còn có câu chuyện kinh doanh của một thương hiệu gia đình và kết quả của quá trình nỗ lực bằng mồ hôi và quyết tâm của con người.

2. Sweet Bean – An: Vị Ngọt Đánh Thức Yêu Thương

Dorayaki (bánh rán) được biết đến là loại bánh yêu thích của chú mèo máy Doraemon. Dorayaki được làm bằng hai phần bánh rán hình tròn kẹp ở giữa một phần an hay anko - nhân sốt đậu nấu với đường. Thật ra, từ đơn an dùng để chỉ chung cho tất cả loại đậu có thể làm đồ ngọt, kể cả đậu trắng, đậu xanh cứ không riêng gì đậu đỏ.

Trong khi đó, Sweet Bean (An: Vị Ngọt Đánh Thức Yêu Thương) truyền tải câu chuyện nhiều cảm xúc về hiện trạng của nền ẩm thực hiện đại và mong mỏi tìm được truyền nhân của những người làm đồ ngọt. Phim kể về cửa hàng bánh dorayaki của Sentaro (Masatoshi Nagase đóng) và cụ bà Tokue (Kirin Kiki đóng). Bà Tokue nay đã 76 tuổi nên dù cửa hàng rất cần bà, đã đến lúc Sentaro phải để bà cụ rời đi. Quyết định này đã đem đến cho anh ta một bài học lớn trong đời và cũng là chìa khóa giúp anh tiếp tục duy trì công việc kinh doanh cũng như tìm ra lý tưởng sống của mình.

Các tín đồ món ăn Nhật đang săn lùng 5 phim Nhật này đây! - Ảnh 5.

Mặt khác, Sweet Bean còn nhấn mạnh đức tính kiên trì và bền bỉ trong quá trình chế biến món ăn. Đó là khi bà Tokue phiền lòng nghe Sentaro muốn nấu bánh bằng hộp đậu công nghiệp. Bà quyết tâm dạy cho anh cách chế biến an hoàn toàn thủ công, bằng tất cả sự tôn trọng và lòng vị tha dành cho món ăn của mình. Mỗi lần bà Tokue thêm đường vào nồi đậu, bà khuyên Sentaro hãy đợi thêm hai tiếng nữa và hãy kiên nhẫn như thể đó là buổi hẹn hò đầu tiên.

Chi tiết này thể hiện được một nét đẹp về con người mà người Nhật luôn tự hào. Dù là món ăn nào cũng vậy, luôn có những đầu bếp và thợ làm bánh dành cả cuộc đời để đắm chìm vào sản phẩm và say sưa với công việc, dành cả trái tim và tâm tư để hoàn thiện tay nghề tới mức hoàn hảo tuyệt đối mới thôi.

3. The God Of Ramen – Thần Mì

The God Of Ramen (tạm dịch Thần Mì) là phim tài liệu giới thiệu cuộc đời và di sản của Kazuo Yamagishi, một đầu bếp mì ramen nổi danh khắp thế giới. Phim không chỉ tập trung vào thành công của Yamagishi và cửa hàng đơn giản nhưng lừng danh của anh, mà còn đào sâu vào cuộc sống cá nhân của anh đằng sau ánh hào quang hiếm ai có được.

Yamagishi được các nhà phê bình ẩm thực quốc tế xưng tụng là "Thần Mì" sau khi họ nếm thử món mì do anh tự sáng tạo mang tên tsukemen, mì ramen phục vụ kèm bát nước súp. Ý tưởng về tsukemen xuất hiện khi Yamagishi mới 17 tuổi và nhìn thấy bạn mình ăn mì gói bằng cách nhúng vào ly nước dùng. Năm 1961, Yamagishi công bố món tsukemen trong menu quán mình dưới cái tên "morisoba suất đặc biệt". Ngay lập tức món ăn thu hút sự chú ý toàn thế giới.

Trong khi các đầu bếp khác thường giữ cho mình công thức bí mật, Yamagishi hoan hỉ chia sẻ kiến thức của mình cho các thợ học nghề và cả khách hàng đến tiệm, thậm chí là cho họ sao chép món mì miễn vẫn giữ nguyên thương hiệu của quán Taishoken, quán mì gốc của Yamagishi. Món ăn ngon cùng thái độ niềm nở của người đầu bếp đã tạo nên sự kỳ diệu, khi ngày nay có hơn 100 chi nhánh nhà hàng Taishoken trên toàn nước Nhật.

Tuy vậy, phía sau gương mặt tươi cười của Yamagishi là một nỗi đau luôn dày vò. Khi vợ anh qua đời vì ung thư ở tuổi 52, Yamagishi tuyên bố sẽ cống hiến cả đời mình cho món mì ramen. Sự tâm huyết với nghề thậm chí đã phá hủy sức khỏe của anh, nhưng anh không dừng lại.

Sau tất cả, phim tài liệu còn có được những thước phim sống động và có hồn về tình thầy trò. Trong suốt sự nghiệp của mình, dẫu là tuổi già, dẫu là sức khỏe suy tàn hay là cái chết cuối đời, Yamagishi luôn có những truyền nhân một lòng biết ơn thầy của mình. Bạn có biết, dù tựa tiếng Anh của phim là Thần Mì, nhưng ở tên gốc tiếng Nhật lại có nghĩa là "Có những thứ còn lớn lao hơn cả món mì". Đúng vậy, đó chính là sự tận tụy, niềm đam mê, hy vọng và những mối quan hệ không dễ gì có được giữa con người với nhau.

4. Papa’s Lunchbox Is The Best In The World – Cơm Hộp Của Bố Ngon Nhất Thế Giới

Papa’s Lunchbox Is The Best In The World (Cơm Hộp Của Bố Ngon Nhất Thế Giới) là một phim độc lập lấy chủ đề tình cha con. Trong đó, người bố thường hay chuẩn bị obento (hộp cơm trưa kiểu Nhật) cho con gái mình. Ý tưởng của phim bắt nguồn từ một dòng trạng thái trải lòng của người dùng Twitter. Phim đã thành công trong nỗ lực thể hiện thói quen sử dụng obento của người Nhật, nhưng nó không chỉ đề cập đến món ăn, đây còn là câu chuyện về tình yêu, tình bạn và tình thân gia đình.

Trong thực tế, obento thường do những người làm nội trợ, thường là nữ giới, chuẩn bị cho chồng và các con của mình mang theo để ăn trưa. Món cơm được nấu thơm ngon, bày trí đẹp mắt và đựng trong hộp nhựa bento-bako. Cách làm obento khá đơn giản: cơm trắng là chủ đạo (đôi khi thay thế bằng bánh mì hay mỳ), ăn kèm món chính và những món phụ. Có những phần cơm nổi tiếng ở cả nước ngoài như kyaraben, những hộp cơm được tạo hình theo các nhân vật hoạt hình dễ thương.

Các tín đồ món ăn Nhật đang săn lùng 5 phim Nhật này đây! - Ảnh 9.

Bất kể được bày trí thế nào, obento đều chứa đựng rất nhiều công sức và tình cảm của người làm ra nó. Vậy nên khi obento xuất hiện trong phim, nó còn là biểu tượng của tình cảm mà các nhân vật dành cho nhau. Trong phim, người bố đã vất vả trong căn bếp để hoàn thiện hộp cơm cho cô con gái rượu. Nhân vật người bố cũng chính là hình mẫu thể hiện tình cảm gia đình của người Nhật trong xã hội hiện đại. Người dân ở đây tin rằng hành động luôn quan trọng hơn lời nói, khi có ai đó dậy sớm, loay hoay trong bếp để chăm lo cho bữa ăn của bạn, thì đó chính là cách họ biểu hiện rằng họ yêu quý bạn vô cùng.

5. There Is No Lid On The Sea – Nắp Của Biển

Tiếp tục là một tác phẩm chuyển thể, nhưng lần này There Is No Lid On The Sea (Nắp Biển) là tác phẩm khá mới của tác giả Yoshimoto Banana. Nhân vật chính Mari (Akiko Kikuchi đóng) rời bỏ với cuộc sống bon chen chốn đô thị để quay về quê nhà. Ở đó, cô mở một của hàng bán kakigori (đá bào siro). Đối diện với nhiều khó khăn, món tráng miệng của Mari được mọi người yêu thích và chính cô cũng tìm ra được những giới hạn mới của mình.

Trong khi đó, kakigori cũng là một món tráng miệng mát lành quen thuộc trong những ngày hè oi ả ở Nhật. Để làm kakigori, người ta bào nhuyễn lớp đá lạnh rồi thêm các loại siro nhân tạo, các món ngọt và sữa đặc. Tuy nhiên món đá bào của Mari thật sự đặc biệt vì cô làm nó hoàn toàn tự nhiên, tức là các món nguyên liệu đến cả đường cũng đều được làm thủ công. Cửa hàng của Mari chỉ bán hai loại kakigori và tất nhiên không có bất kỳ một món nguyên liệu hóa học nào xuất hiện trong công thức.

Các tín đồ món ăn Nhật đang săn lùng 5 phim Nhật này đây! - Ảnh 11.

Phim thể hiện được thực trạng nhức nhối về những làn sóng di dân từ thị trấn đến các thành phố lớn do áp lực kinh tế và nhân khẩu học. Thế nhưng trong số đó vẫn có một số người trẻ chọn làm điều ngược lại, họ tìm về ngoại ô để theo đuổi cuộc sống giản dị. Họ tiếp tục phải đấu tranh với những mâu thuẫn mới khi phải chọn giữa việc an phận với nhịp sống chậm rãi hay là quán xuyến việc kinh doanh trong những khu dân cư già cỗi, kinh tế khó khăn. There Is No Lid On The Sea còn nói về thái độ dám chấp nhận thay đổi, đồng thời xóa bỏ định kiến rằng những ai về quê đều thất bại, vốn là một hậu quả đau lòng đằng sau quá trình đô thị hóa ồ ạt tạo nên sức áp lực kinh hoàng ám thị người trẻ phải chen nhau để kiếm việc làm ở nơi thành phố chật hẹp.

Kết

Làng phim ảnh Nhật vẫn còn rất nhiều đại diện khác thể hiện được tinh thần ẩm thực của đất nước phù tang. Trên đây chỉ là 5 phim đã hoàn thành tốt chức năng giới thiệu và lột tả được nhiều góc cạnh xoay quanh văn hóa món ăn Nhật Bản, ngoài ra còn lý giải được các món này ảnh hưởng đến cuộc sống con người như thế nào. Tuy nhiên nếu bạn còn tâm đắc thêm phim Nhật nào khác có các món ăn ngon thì đừng ngần ngại để lại bình luận ở bên dưới nhé.

(Nguồn: GPLusMedia)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày