Siêu du thuyền Octopus dài 126m vốn được chế tạo cho nhà đồng sáng lập Microsoft Paul Allen. Năm 2021, Octopus đã được bán lại với giá 278 triệu USD. Siêu du thuyền này lớn đến mức bãi đáp có thể chứa cùng lúc 2 trực thăng, và có cả garage cho chúng - Ảnh: FT
Siêu du thuyền cho phép các tỉ phú đi du lịch vòng quanh thế giới một cách xa xỉ. Năm 2021 ghi nhận kỷ lục 887 siêu du thuyền được bán trên khắp thế giới, gần gấp đôi con số cả năm trước đó.
Với hơn 1.000 siêu du thuyền mới được đặt hàng, các nhà máy đóng tàu giờ "hot" đến mức nhiều vị khách giàu có thậm chí không lọt vào nổi danh sách chờ.
Một lý do khiến nhu cầu du thuyền tăng cao là do đại dịch. Một số người mua du thuyền để… cách ly. Một số là do "thức tỉnh": Nếu cuộc sống quá ngắn ngủi, sao phải đắn đo mà không tận hưởng ngay và luôn.
John Staluppi, một người kiếm được nhiều tiền từ việc bán ôtô, và đang nóng lòng nâng cấp chiếc du thuyền có giá 60 triệu USD của mình, nói với The New Yorker: "Khi bạn 40 - 50 tuổi, bạn sẽ nghĩ mình còn nhiều thời gian. Nhưng khi đã 75, bạn sẵn sàng tung ra 15 triệu USD chỉ để sống thêm 3 năm nữa. Cuộc sống của bạn có đáng giá 5 triệu USD/năm không? Với tôi thì đúng là vậy".
Một lý do sâu xa hơn là sự mất cân bằng của cải ngày càng tăng. Người giàu càng giàu hơn, cả về số lượng lẫn số tiền. Chẳng hạn ở Mỹ, kể từ năm 1990 đến nay, số lượng tỉ phú đã tăng từ 66 lên hơn 700 người, trong khi mức lương trung bình chỉ tăng 20%.
Do đó có thể nói, siêu du thuyền là một thế giới hoàn hảo thể hiện cá tính của những con người này, thậm chí hé lộ một phần sự giàu có của họ.
Financial Times nhận xét: "Sở hữu siêu du thuyền giống như sở hữu một chồng tranh Van Gogh, chỉ có điều thay vì giữ khô thì đưa xuống nước để chạy".
Vậy, bên trong siêu du thuyền của các tỉ phú thường có gì? Trang The New Yorker đã hé lộ một phần những gì họ thấy được ở Triển lãm thuyền quốc tế Palm Beach:
Theo The New Yorker, Sea Owl - chiếc du thuyền khổng lồ trị giá 90 triệu USD của tỉ phú người Mỹ Robert Mercer (người đứng đằng sau tài trợ cho chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Donald Trump) - đã được rao bán gần đây - Ảnh: Autoevolution
Du thuyền được trang bị vài thuyền phụ, một cây đàn piano Steinway (thương hiệu đàn piano số 1 thế giới), nhiều bức bích họa và một hệ thống an ninh yêu cầu nhận dạng dấu vân tay. Tại thời điểm xây dựng, xưởng đóng tàu Feadship đã tuyên bố rằng đây là "hệ thống an ninh phức tạp nhất từng được xây dựng trên du thuyền" - Ảnh: Autoevolution
Ngoài ra, du thuyền cũng được thiết kế theo hướng thân thiện với gia đình có trẻ nhỏ. Hai trong số các cabin đã được thiết kế thành phòng trẻ em ngay từ đầu. Dường như những đứa trẻ trong gia đình vị tỉ phú đã lớn và vì vậy đã đến lúc để một thế hệ trẻ khác tận hưởng không gian "thế giới thần tiên trên biển" Sea Owl này - Ảnh: Autoevolution
Al Mirqab, siêu du thuyền của cựu thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani, sở hữu kiểu dáng "như một tàu chiến" với sân đáp cho máy bay trực thăng - Ảnh: Insider
Theo The New Yorker, ngày càng nhiều du thuyền bắt đầu được lắp đặt những trang bị tiện nghi hiện đại "mới lạ" như rạp chiếu phim IMAX, bệnh viện thu nhỏ hay "phòng trượt tuyết".
Lady S, siêu du thuyền sở hữu nhà hát IMAX nổi đầu tiên trên thế giới, trị giá khoảng 100 triệu USD, của tỉ phú Dan Snyder, chủ sở hữu một đội bóng bầu dục Mỹ. Rạp này lớn đến mức "du thuyền phải đóng xung quanh IMAX" - Ảnh: Insider
Ngoài ra, Lady S cũng có sân đáp trực thăng, TV HD 8K, các tiện nghi chơi thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, golf và bóng bầu dục - Ảnh: Boat International
Bệnh viện thu nhỏ cũng là xu hướng trên các siêu du thuyền. Có thể kể đến Al Salamah (siêu du thuyền được chế tạo cho cố hoàng tử Sultan bin Abdul-Aziz Al Saud), Jubilee (đã đổi tên SECRET III) thuộc sở hữu của gia đình Walton (sở hữu Walmart) (ảnh), Al Riyadh của một thành viên hoàng gia Ả Rập… - Ảnh: Charter World
Cloudbreak được thiết kế cho vận động viên trượt tuyết Na Uy Espen Oeino. Ngoài sân đáp trực thăng, du thuyền còn có phòng trượt tuyết được trang bị đồ trượt tuyết, ván trượt phản lực, thuyền trượt nước, 5 xe đạp leo núi, 2 xe đạp đường trường, 6 ván lướt sóng, 8 bộ thiết bị lặn đầy đủ… Tất cả nằm trong căn phòng trong ảnh trên - Ảnh: The Telegraph
Trong khi đó, các nhà tài phiệt Nga thường dành không gian trên du thuyền cho banya - phòng tắm hơi truyền thống của Nga với nét độc đáo là sau khi xông hơi ở nhiệt độ cao, người tắm được massage bằng cách dùng gậy, chổi đánh nhẹ lên người. Người Nga coi việc đến banya là chìa khóa để có sức khỏe tốt. Trong ảnh là du thuyền Anastasia được chế tạo để dành cho một cựu vận động viên đua xe đạp Olympic - Ảnh: Boat International
Nhiều ông chủ giàu có trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đắt giá để khiến hành khách phải trầm trồ. Trong ảnh là siêu du thuyền Pegasus VIII của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman - Ảnh: The Sun
Trên Pegasus VIII, thái tử đã cho treo "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci - bức tranh đắt nhất từng được bán, trị giá khoảng 340 triệu bảng Anh - Ảnh: The Sun