Hàn Quốc nổi tiếng ăn cay là vậy, nhưng xuất phát điểm lại... không hề ăn cay

Trà My, Theo Helino 09:00 20/08/2019

Cùng khám phá hành trình của quả ớt tại Hàn Quốc, từ một gia vị ngoại nhập trở thành hương vị được người người nhà nhà yêu thích và phát triển rực rỡ.

Các món ăn cay Hàn Quốc quá nổi tiếng, chắc hẳn ai cũng từng hít hà vì những tô mì cay, những phần lẩu teokbokki nóng hôi hổi với nước dùng màu đỏ hấp dẫn, hay những miếng kim chi chua nhẹ, cay vừa cực kì gây nghiện. Tuy nhiên, bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên khi biết được xuất phát điểm của những món cay ở Hàn Quốc, cũng đồng thời trầm trồ với hành trình phát triển món ăn cay tại xứ này. Hãy cùng chúng mình khám phá về vị cay của món ăn Hàn Quốc nhé!

Người Hàn thực ra không có truyền thống ăn cay?

Hàn Quốc nổi tiếng ăn cay là vậy, nhưng xuất phát điểm lại... không hề ăn cay - Ảnh 1.

Nổi tiếng với vị cay, nhưng người Hàn không có thói quen ăn cay trước thế kỷ 17.

Việc món Hàn có vị cay là quá đỗi bình thường và phổ biến nhưng kì thực, từ trước thế kỉ 17, vị cay vẫn còn là khái niệm xa lạ với người Hàn.

Cũng như các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Trung Quốc, người Hàn khi đó có biết sử dụng ớt, nhưng không quá ưa chuộng. Điều này đã được chứng minh qua những công thức kim chi cổ xưa trong cuốn sách nấu ăn đầu tiên của Hàn Quốc - Records for Mountain Houses, với hơn 38 loại kim chi truyền thống từ rau củ như củ cải, cà tím, gừng, khoai sọ, v.v… Điều bất ngờ là, món kim chi bắp cải với vị cay nổi tiếng đình đám ngày nay lại không quá phổ biến vào ngày xưa. Với người Hàn thời đó, kim chi là rau củ lên men, bằng bất cứ gia vị gì cũng được, mà phổ biến nhất vẫn là muối. 

Những ghi chép về ẩm thực cùng thời còn nhận định: "củ cải muối – món ăn giúp ta tồn tại qua mùa đông", khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của muối thời kì đó.

Nạn mất mùa thế kỉ và sự "đổi đời" của quả ớt

Hàn Quốc nổi tiếng ăn cay là vậy, nhưng xuất phát điểm lại... không hề ăn cay - Ảnh 2.

Với khả năng thích nghi và vượt khó, người Hàn tận dụng quả ớt trong thời kỳ thiếu lương thực, gia vị để rồi tạo ra cả một "đế chế" những món cay.

Muối quan trọng đến vậy, nên khi giai đoạn mất mùa kéo dài từ năm 1670 đến 1750, người Hàn Quốc đồng loạt rơi vào tình trạng khó khăn vì thiếu lương thực. Thời kì này còn được gọi là Tiểu băng hà, khi thời tiết thay đổi thất thường khiến sản xuất nông nghiệp đình trệ, nghề làm muối cũng gần như "đóng băng". Lúc này, bất cứ thứ gì ăn được đều trở nên quý hơn vàng, và ớt chính là giải pháp duy nhất.

Cùng quay lại một chút thời kì "thất sủng" của ớt. Vốn dĩ là một loại gia vị du nhập từ nước ngoài, ớt ban đầu không được ưa chuộng cho lắm. Loại ớt này đến từ châu Âu, thông qua Nhật Bản rồi tràn vào Hàn Quốc. Ban đầu, người ta chỉ dám pha chút ớt với rượu soju để hương vị thêm nồng. Cho đến năm 1766, khi ớt đã thế chỗ muối trở thành "món ăn cứu đói" cho toàn thể đại Hàn dân quốc, món kim chi lên men với bột ớt và tương ớt mới được đề cập trong một vài đầu sách về nông sản.

Kể từ đó, ớt đã chuyển mình từ gia vị ngoại quốc trở thành "con cưng quốc dân". Sau khi đã ăn cay gần cả thế kỉ, người Hàn đâm… nghiện và cái gì cũng phải cho ớt vào. Nói về việc này, người Hàn vẫn thường nhớ đến câu cảm thán nổi tiếng của vua Yeongjo thời Joseon: "Nếu tương ớt được khám phá ra sớm hơn, ta đã có thể thưởng thức chúng từ lâu!".

Vì thế, bạn đừng vội than khi ăn phải món Hàn quá cay nhé. Có lẽ sau mấy trăm năm ngó lơ hương vị tuyệt vời của ớt, người Hàn ngày càng tích cực ăn ớt nhiều hơn để bù đắp mà thôi!

Nguồn: A New History of Korea, The Economy of the Late Choson