Trong hơn 70 ngày qua, nhiệt độ oi nóng và lượng mưa thấp đã khiến hạn hán xảy ra trên diện rộng, mặt đất trở nên khô cằn dọc hai bờ lưu vực sông Trường Giang. Đây là khu vực canh tác nông nghiệp quan trọng của Trung Quốc và giới chức nước này phải sử dụng các phương pháp làm mưa nhân tạo để chống chọi với hạn hán.
Đài truyền hình CCTV đăng tải hình ảnh vào ngày 25/8 cho thấy, cơ quan chức năng ở thành phố Trùng Khánh đã bắn một quả rocket cỡ nhỏ, mang theo hóa chất tạo mưa. Thời tiết sau đó chuyển sang có nhiều mây và thực sự đổ mưa với lượng mưa vào khoảng 65 mm.
Ở một số địa phương khác tại thành phố Trùng Khánh và tỉnh Hà Nam, chính quyền địa phương sử dụng máy bay để bắn các hạt tạo mưa vào không khí. Các kỹ thuật viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa những quả rocket hóa chất vào ống phóng trước khi máy bay tạo mưa cất cánh. Phương pháp này được cho là hiệu quả hơn là sử dụng rocket bắn từ dưới đất lên.
Ông Li Xingyu, nhà nghiên cứu Viện Vật lý Khí quyển, Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết: "Ưu điểm của phương pháp gieo hạt tạo mưa bằng máy bay là có phạm vi tác động lớn hơn, tốc độ lan truyền nhanh hơn. Phương pháp này hiệu quả hơn đối với các đám mây phân tầng quy mô lớn".
Trung Quốc đang trải qua đợt nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng nhất trong 61 năm qua (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, 10 ngày cuối tháng 8 này là giai đoạn then chốt trong ngăn chặn thiệt hại cho vụ lúa mùa thu hàng loạt của khu vực, vốn chiếm khoảng 75% sản lượng lúa hàng năm của Trung Quốc. Trung Quốc đang trải qua mùa hè nóng nhất và khô hạn nhất trong 61 năm qua. Hạn hán kỷ lục đe dọa mùa màng, khiến mực nước trong các hồ chứa chỉ bằng một nửa so với bình thường.
Tờ Global Times đưa tin, Trung Quốc đã phê chuẩn việc triển khai dự án chuyển nước từ miền Nam lên miền Bắc đất nước, dù hai tỉnh cấp nước chính đang trải qua đợt hạn hán kỷ lục.
Dự án Nam Thủy Bắc Điều, hệ thống vận chuyển nước lớn nhất thế giới, đưa nước từ miền Nam lên miền Bắc Trung Quốc xuyên qua lòng sông Hoàng Hà, đã vượt qua cuộc kiểm tra sát hạch sơ bộ vào ngày 25/8 vừa qua. Đợt kiểm tra này được tiến hành nhằm đánh giá quá trình vận hành toàn bộ 155 đơn vị và đưa toàn bộ đại dự án vào hoạt động.
Tính đến ngày 25/8, hơn 56 tỷ m3 nước đã được vận chuyển qua tuyến phía Đông, từ Giang Tô tới các khu vực ở phía Đông Trung Quốc, trong bối cảnh các vùng cung cấp nước chính đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng với nhiệt độ trên 40°C. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đợt nắng nóng và hạn hán này không ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của dự án.