Giải quyết vấn nạn thiếu nước, các nhà khoa học UAE dùng drone phóng điện vào mây, gây ra mưa rào nhân tạo

Kim, Theo Pháp luật & Bạn đọc 15:55 22/07/2021

Nhìn vào cơn mưa lớn do các nhà khoa học tạo ra, có ai nghĩ đó là sản phẩm nhân tạo?

Dân số Trung Đông bùng nổ đang phải đối mặt với cái nóng chưa thấy điểm dừng và nguồn nước ngày một khan hiếm. Đó là lý do các nhà khoa học khu vực khô nóng này đang tạo ra mưa để giải nhiệt, tự tạo cho mình nguồn nước từ trên trời rơi xuống.

Các chuyên gia khí tượng tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất vừa công bố video trình chiếu cảnh xe cộ đang phải băng qua cơn mưa dày tại Ras al Khaimah, tiểu vương quốc nằm tại phía bắc UAE. Đợt mưa lớn tựa mưa bão này là nỗ lực tăng lượng mưa thường niên của các nhà khoa học địa phương.

Sử dụng drone để phóng điện vào mây, ép các giọt nước phân tán trong mây kết hợp lại thành giọt nước đủ nặng để rơi xuống đất, các nhà nghiên cứu UAE đã sản sinh thành công mưa nhân tạo. Tại vùng đất nắng nóng và mây bay cao này, những giọt nước nhỏ thường bốc hơi trước khi có cơ hội trở thành hạt mưa.

Những gì chúng tôi đang cố thực hiện là kết hợp các hạt nước nhỏ thành hạt có kích cỡ đủ lớn, để khi chúng rời đám mây, chúng sẽ sống sót được quãng đường rơi xuống mặt đất”, nhà nghiên cứu, nhà khí tượng học Keri Nicoll nói.

Để thử nghiệm, cô Nicoll và cộng sự chế tạo 4 drone với sải cánh dài 2 mét, phóng chúng lên không bằng một bệ phóng chuyên dụng; drone tự bay được khoảng 40 phút. Trong khi trên không, các cảm biến sẽ đo nhiệt độ, độ ẩm và điện tích trong đám mây, thu thập thông số giúp các nhà khoa học biết lúc nào nên phóng điện để gây mưa.

Giải quyết vấn nạn thiếu nước, các nhà khoa học UAE dùng drone phóng điện vào mây, gây ra mưa rào nhân tạo - Ảnh 1.

Drone dùng trong thử nghiệm tạo mưa

Giải quyết vấn nạn thiếu nước, các nhà khoa học UAE dùng drone phóng điện vào mây, gây ra mưa rào nhân tạo - Ảnh 2.

Drone được đưa lên không bằng bệ phóng

Nước là tài nguyên quý giá bậc nhất tại UAE. Họ sử dụng khoảng 4 tỷ mét khối nước mỗi năm, nhưng chỉ 4% trong số đó tới từ nguồn nước tái chế được. Dân số UAE cũng tăng đột biến trong những năm gần đây, tăng gấp đôi lên mức 8,3 triệu người chỉ trong khoảng thời gian từ 2005 tới 2010. Trong thập kỷ tiếp theo, dân số UAE tiếp tục tăng và hiện đã chạm mốc 9,9 triệu người. Mỗi năm, người dân UAE chỉ chứng kiến vài cơn mưa, và gần như mưa không xuất hiện trong hè, khi mà nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 51 độ C.

Trong những năm gần đây, chính quyền UAE đẩy mạnh phát triển công nghệ khử muối trong nước biển, nỗ lực gặt được nhiều thành công khi giải quyết được phần nào cầu nước rất lớn của quốc gia gần tỷ dân. Hầu hết nước uống được tại UAE, bên cạnh đó là 42% số nước được dùng vào mọi mục đích tại quốc gia này, tới từ gần 70 cơ sở khử muối lớn. UAE nhắm tới việc giảm 21% nhu cầu nước quốc gia trong vòng 15 năm tới.

UAE không chỉ cố gắng đạt mục tiêu bằng drone kích mây tạo mưa, mà còn tính tới việc xây núi nhân tạo để sinh mưa, Khi không khí ẩm bay chạm sườn núi, nó sẽ phải bay lên đỉnh và lạnh dần đi khi tăng dần độ cao. Lúc đó, không khí sẽ cô đọng lại thành dạng lỏng và biến thành mưa. Lấy đất nước Hà Lan - nơi đã từng xây núi nhân tạo - làm ví dụ, thì dự án sáng tạo này có thể tiêu tốn tới 230 tỷ USD. UAE cũng có tính tới những phương pháp ít tốn kém hơn, như đưa băng từ vùng cực về để giải cơn khát quy mô quốc gia.