Cả một trạm quan sát gần 750kg dưới đáy biển đột nhiên "bốc hơi" không dấu vết, khoa học đau đầu chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo

J.D, Theo Helino 15:37 09/09/2019
Chia sẻ

Các nhà khoa học Đức đang cảm thấy suy sụp vì sự mất tích của đài quan sát Boknis Eck, ngoài khơi biển Baltic.

21/8/2019, Boknis Eck Observatory - trạm quan sát khí tượng thủy văn đặt dưới đáy biển Baltic ngoài khơi nước Đức - bỗng ngưng truyền dữ liệu hoàn toàn. Khi đó, các nhà khoa học đã nghĩ mọi thứ chỉ là do lỗi kỹ thuật, khiến dữ liệu bị nghẽn không truyền đi được thôi.

Nhưng mới đây khi cử thợ lặn xuống kiểm tra , tất cả mới phát hiện ra rằng mọi chuyện nghiêm trọng hơn như vậy rất nhiều. Trạm nghiên cứu nặng gần 750kg, to bằng một chiếc ôtô, đã biến mất không dấu vết. Những gì còn sót lại chỉ là vài sợi dây cáp mà thôi.

Cả một trạm quan sát gần 750kg dưới đáy biển đột nhiên bốc hơi không dấu vết, khoa học đau đầu chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo - Ảnh 1.

Những gì còn sót lại của trạm nghiên cứu

"Các thiết bị đã bốc hơi hoàn toàn, thợ lặn cũng không tìm thấy chúng ở đâu quanh đó," - trích lời Hermann Bange, chuyên gia sinh học biển tại Trung tâm nghiên cứu đại dương GEOMAR (Kiel) cho biết.

"Khi các thợ lặn mò xuống đến vị trí của đài quan sát, tất cả những gì được tìm thấy là sợi dây cáp bị xé đứt, tan nát hoàn toàn."

Với kích cỡ và trọng lượng lớn của trạm quan sát, các chuyên gia cho rằng chuyện này khó có thể là do bão, dòng chảy, hay sinh vật nào làm cả.

Được biết, trạm quan sát này được chính phủ Đức tài trợ, bao gồm 2 phần. Một phần là nguồn điện, được nối với đất liền thông qua một sợi dây cáp, còn đài quan sát thì có chứa các bộ cảm biến nhiệt độ, nồng độ muối, oxy, đo lường dòng biển...

Cả một trạm quan sát gần 750kg dưới đáy biển đột nhiên bốc hơi không dấu vết, khoa học đau đầu chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo - Ảnh 2.

Bộ khung của hệ thống cấp năng lượng trước lúc hạ thủy

Đài quan sát được đặt dưới biển, cách bờ biển khoảng 1,8km. Đây vốn là vùng biển bị hạn chế, tàu bè qua lại rất ít. Tuy nhiên, rất có khả năng ai đó đã mò đến đây và tìm cách trục vớt trạm quan sát, vì độ sâu rơi vào khoảng 22m thôi.

Còn họ lấy để làm gì? Theo các chuyên gia, nguyên nhân có lẽ là để trộm kim loại. Dành cho những ai chưa biết, trạm quan sát này trị giá khoảng 330.000 USD - tương đương, gần 8 tỉ đồng.

Trên thực tế, việc thu hoạch "rác đáy biển" - đặc biệt là ở các khu vực từng có chiến tranh - là một ngành nghề hái ra tiền. Thậm chí, có những tên trộm chuyên nghiệp đến mức khoắng sạch cả một con tàu đắm mà không ai biết được. Dù trạm quan sát chỉ mới được lắp đặt cách đây khoảng 3 năm, nhưng nếu đã bị giới trộm đánh hơi được thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Dù vậy, việc trạm nghiên cứu biến mất không phải là điều duy nhất khoa học cảm thấy lo lắng. Theo các chuyên gia từ GEOMAR, họ đang rất đau khổ vì các dữ liệu quý giá có khả năng thu thập được sẽ mất đi. Dù có lắp đặt được một trạm nghiên cứu khác, thì ở thời điểm hiện tại cũng chẳng có thiết bị nào ghi lại dữ liệu ở vùng biển này cả, lần đầu tiên kể từ năm 1957.

Điều này có nghĩa rằng chuỗi dữ liệu sẽ có một khoảng trống, đồng thời nếu chẳng may có gì nghiêm trọng xuất hiện dưới biển trong giai đoạn này, khoa học cũng chịu thua, chẳng cách nào quan sát và xác định được.

"Các dữ liệu ở đây thực sự là vô giá. Chúng giúp ta xác định được sự thay đổi của biển Baltic, và có thể hỗ trợ đưa ra giải pháp chống lại những thay đổi ấy." - Bange cho biết.

Cảnh sát hiện đang điều tra vụ trộm, nhưng đội nghiên cứu quyết định công bố vụ mất cắp này, với hy vọng có thêm manh mối.

"Chúng tôi sẽ rất mừng nếu có ai đưa ra được manh mối, chẳng hạn liệu có ai nhìn thấy điều gì vào buổi sáng ngày 21/8 khu vực này hay không?"

Tham khảo: Science Alert

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày