Mọi người thường nghĩ gì khi nhắc về một người phụ nữ ở độ tuổi 50? Sắp nghỉ hưu, thèm có cháu, cuộc sống trung niên,... chắc hẳn là những từ khóa mà nhiều người sẽ dùng để trả lời cho câu hỏi này.
Khi con cái đã phương trưởng, bản thân cũng đến tuổi nghỉ hưu, phụ nữ tuổi 50 nghĩ về việc nghỉ ngơi để tận hưởng cuộc sống an nhàn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào ở tuổi 50 cũng như vậy.
Và Quan Vũ Hương chính là một trường hợp ngoại lệ: 50 tuổi nghỉ hưu, 50 tuổi khởi nghiệp và thất bại, 55 tuổi trở thành tỷ phú!
Trước khi nghỉ hưu, có thể nói, Quan Vũ Hương đã dành cả thanh xuân của mình để làm việc cho một xưởng sản xuất nhạc cụ. Ban đầu, bà là công nhân, sau đó cũng dần được thăng tiến lên vị trí quản lý nhóm nhỏ.
Khoảng thời gian đầu mới nghỉ hưu, giống như nhiều người khác, Quan Vũ Hương cũng nghĩ bản thân nên bắt đầu cuộc sống hưu trí, ngày ngày trồng rau, tham gia các CLB dành cho người trung niên, giao lưu với xóm giềng. Tuy nhiên, sự nhàn nhã này chẳng kéo dài được lâu. Quan Vũ Hương bắt đầu cảm thấy chán vì cả ngày chẳng có việc gì làm, cứ quanh ra quẩn vào. Đó chính là lúc bà nhận ra sâu thẳm trong tâm hồn, bà vẫn khao khát được làm việc, kiếm tiền.
Nghĩ lại nửa cuộc đời đã qua mình, Quan Vũ Hương thấy rằng mình chỉ làm 1 công việc duy nhất: Sản xuất nhạc cụ. Ngoài ra, bà chẳng có kinh nghiệm trong lĩnh vực nào khác. Hơn nữa, ở độ tuổi 50, đi xin việc cũng chẳng phải chuyện dễ dàng gì. Vậy là Quan Vũ Hương quyết định dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được để mở một xưởng sản xuất nhạc cụ, tự mình tạo ra công việc và thu nhập, thay vì đi làm thuê.
Cú tất tay này của Quan Vũ Hương đương nhiên là không thuận lợi, vì bà chỉ có kinh nghiệm sản xuất nhạc cụ, chứ hoàn toàn chẳng biết nghiên cứu thị trường hay lên kế hoạch truyền thông. Chỉ vài tháng sau thi mở, xưởng sản xuất nhạc cụ của Quan Vũ Hương đã phải đóng cửa. Bà không những không lãi đồng nào, mà còn ôm vào người một khoản nợ không nhỏ.
Ở tuổi 50, Quan Vũ Hương nghỉ hưu; cũng ở tuổi 50, bà khởi nghiệp và thất bại. Quá nhiều thay đổi chỉ trong 1 năm, mà lại toàn là những thay đổi không mấy tích cực nhưng tất cả những điều đó cũng không làm người phụ nữ trung niên này nản chí. Bà vẫn khao khát được làm việc kiếm tiền, chẳng hề mặn mà với việc tận hưởng cuộc sống hưu trí nhàn nhã.
“Cú ngã” khi mở xưởng sản xuất nhạc cũ đã dạy cho Quan Vũ Hương nhiều bài học xương máu. Bà hiểu ra rằng muốn kinh doanh thành công, chỉ dựa vào kinh nghiệm làm việc của bản thân là đủ, càng không nên tự tin vào những thứ mình đã biết. Để điều hành một doanh nghiệp dù nhỏ đi chăng nữa, người làm chủ cũng cần có sự nhạy bén cùng kỹ năng quản lý, phân tích thị trường,...
Quan Vũ Hương cho mình nghỉ ngơi khoảng vài tháng. Trong thời gian ấy, bà sống những ngày tưởng chừng rất bình thường: Sáng sớm đi chợ, trưa về nấu ăn, chiều đi tản bộ rồi về nấu cơm, tối đi ngủ sớm. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ Quan Vũ Hương đã hài lòng với cuộc sống hưu trí nhàn hạ. Nhưng thực tế thì không, bà suy nghĩ về việc khởi nghiệp một lần nữa trong từng khoảnh khắc, từ lúc đi chợ cho tới trước khi đi ngủ.
Cuối cùng, một tia sáng đã lóe lên trong tâm trí người phụ nữ 51. Sau nhiều lần quan sát các sản phẩm nước đóng chai lúc đi chợ hoặc siêu thị, Quan Vũ Hương nhận ra nước có thể ngon nhưng bao bì thì quá xấu, đã vậy giá thành cũng chẳng rẻ. Vậy là bà nảy ra ý tưởng sẽ kinh doanh dịch vụ “đóng gói đồ uống”.
Khi bà chia sẻ ý tưởng này để kêu gọi đầu tư và tìm người đồng hành cùng, cả gia đình bao gồm chồng và con, cũng như tất cả bạn bè thân thiết xung quanh đều ra sức ngăn cản. Mọi người đều cho rằng bà quá già để có thể khởi nghiệp. 20-30 tuổi khởi nghiệp thất bại, còn có thể làm lại, đằng này, bà đã 51 tuổi. Nếu thất bại một lần nữa, cuộc sống của bà từ giờ cho tới cuối đời có thể sẽ ngập trong nợ nần, không chỉ riêng bà khổ mà chồng con, gia đình cũng sẽ khổ theo.
Dẫu vậy, Quan Vũ Hương cũng không nản lòng. Bà vẫn nhất quyết khởi nghiệp một lần nữa với việc thành lập công ty cung cấp dịch vụ đóng bao bì.
Khoảng thời gian đầu, doanh nghiệp của Quan Vũ Hương chỉ có thể “thoi thóp sống” bằng những đơn đặt hàng của các thương hiệu nhỏ, gần như không có tiếng trên thị trường. Phải tới năm 1995, khi Red Bull có kế hoạch mở nhà máy ở tỉnh Hải Nam, mọi chuyện mới thay đổi.
Sau hơn 40 cuộc pitching tranh thầu với các đối thủ lớn trên thị trường, đến năm 1996, Quan Vũ Hương cũng trúng thầu. Công ty của bà trở thành nhà sản xuất, thiết kế lon cho thương hiệu Red Bull. Đây giống như một bước ngoặt trong cuộc đời Quan Vũ Hương nói chung và trên con đường kinh doanh của bà nói riêng.
Quan Vũ Hương đã không còn phải chạy đôn chạy đáo lo việc tìm kiếm khách hàng. Các thương hiệu lớn ở Trung Quốc chủ động tìm tới bà, xin hợp tác. Những bản hợp đồng lớn ngày càng một nhiều hơn.
Tính đến năm 2022, công ty sản xuất bao bì của Quan Vũ Hương đã đóng tổng cộng hơn 9,4 tỷ NDT tiền thuế. Điều này là minh chứng rõ nhất cho sự thành công của bà.
Nhìn lại cuộc đời của mình, Quan Vũ Hương cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ khởi nghiệp lần 2 ở tuổi 51, càng không hy vọng đến 55 tuổi mình lại là chủ của một doanh nghiệp được định giá lên tới hàng chục NDT. Ngày tôi quyết tâm khởi nghiệp lần 2, không một ai ủng hộ. Tôi hiểu đó là điều hợp lý, nhưng tôi cũng thầm cảm ơn chính mình vì đã không để những điều hợp lý cản trở bản thân làm những việc phi thường”.