Thu nhập cao mà chi tiêu sẵng tay quá thì cuối cùng cũng chẳng dư đồng nào; ngược lại, thu nhập có thể thấp hoặc ở mức trung bình, mà biết vun vén, tiết kiệm thì mua nhà, mua xe hoàn toàn là mục tiêu có thể thực hiện trong vài năm, chứ chẳng cần tới 1 đời người.
Câu chuyện quản lý chi tiêu, tiết kiệm của 2 gia đình dưới đây chính là minh chứng cho điều đó.
Chia sẻ trên kênh TikTok cá nhân @giadinhhocon, bà mẹ trẻ với nickname mẹ Hỏ cho biết nhiều người nghi ngờ, cho rằng vợ chồng cô đang tạo content câu like, chứ chắc chắn không thể có chuyện lương 20 triệu mà mua được cả nhà lẫn xe. Tuy nhiên, mẹ Hỏ khẳng định một câu chắc nịch: “Bạn cảm thấy khó tin thì cũng không có nghĩa là mình không làm được” .
Sau đó, mẹ Hỏ liệt kê chi tiết hành trình mua nhà, tậu xe của hai vợ chồng. Bí quyết không có gì cao siêu, ngoài 1 câu đơn giản, ngắn gọn: Quản lý chi tiêu chặt chẽ.
“Vợ chồng mình kết hôn năm 2018. 6 tháng trước khi tổ chức đám cưới, chúng mình đã dọn về sống cùng nhau. Tổng thu nhập của 2 đứa, có thời điểm chỉ 12 triệu/tháng, có tháng thì lại được 25 triệu. Tính trung bình, mức thu nhập thường thấy nhất của chúng mình là khoảng 16-20 triệu/tháng.
Mỗi tháng, chúng mình tiết kiệm 8-10 triệu. Sau 2 năm, chúng mình có 200 triệu tiết kiệm.
Năm 2020, vợ chồng mình quyết định mua nhà với số tiền 300 triệu - là tiền tiết kiệm, tiền bán vàng cưới, tiền mừng cưới và cả tiền đi vay mượn thêm nữa. Vì có ít tiền nên mình mua nhà dạng dự án, ký hợp đồng đặt cọc khi dự án mới đang xây móng. Giá tốt hơn nhưng rủi ro cũng cao hơn.
Đến năm 2022, vợ chồng mình mới được nhận nhà. Thời điểm đó, mình phải vay ngân hàng 30% giá trị căn nhà, 70% còn lại - tính cả số tiền 300 triệu ban đầu, mình đã trả hết trong vòng 2 năm, từ năm 2020 đến 2022.
Đến năm 2024 thì vợ chồng mình mua xe. Mình nói chúng mình mua được nhà, được xe chỉ nhờ quản lý chi tiêu chặt chẽ thì chẳng ai tin” - Mẹ Hỏ chia sẻ.
Trong một video khác, mẹ Hỏ cũng chia sẻ về cách tiết kiệm được 10 triệu mỗi tháng với mức thu nhập trung bình 16-20 triệu. Cụ thể:
"Mình chia thu nhập làm 4 nhóm.
- Nhóm 1: Tiền tiết kiệm - 50% thu nhập. Sau khi nhận lương, mình sẽ mang 10 triệu đi gửi tiết kiệm ngay lập tức.
- Nhóm 2: Tiền thuê nhà - 4 triệu/tháng tính cả tiền điện nước, dịch vụ. Thực ra thuê nhà hết 20% thu nhập thì cũng hơi nhiều đấy, nhưng vợ chồng mình vẫn chấp nhận vì cưới nhau rồi, cũng không muốn sống lụp xụp như hồi sinh viên.
- Nhóm 3: Chi phí ăn uống, giao động 4-5 triệu/tháng. Chúng mình chủ yếu nấu ăn tại nhà và mang cơm đi làm, thi thoảng mới ăn sáng bên ngoài.
- Nhóm 4: Tiêu vặt cá nhân, khoảng 1-2 triệu/tháng.
Nếu muốn có tiền mua sắm, hoặc đi chơi, bắt buộc chúng mình phải kiếm thêm việc để có thêm thu nhập. Hồi ấy, chồng mình chạy xe ôm ngoài giờ hành chính, còn mình cũng cộng tác viết bài cho nhiều đơn vị. Nói chung, thu nhập chưa cao thì bắt buộc phải chi tiêu tiết kiệm và làm việc chăm chỉ" .
Thùy Linh (28 tuổi) và Minh Tiến (35 tuổi) đã về chung một nhà được 3 năm và có 1 cô con gái 3 tuổi.
Hiện tại, Linh đang là nhân viên kiểm toán mảng Thuế, còn Tiến là CFO (Giám đốc tài chính) cho 2 doanh nghiệp nhỏ. Dù không tiết lộ mức thu nhập cụ thể của gia đình, nhưng Thùy Linh cho biết hàng tháng, vợ chồng cô tiết kiệm được 70 triệu và mua ít nhất 2 chỉ vàng. Các khoản chi cố định khoảng 50 triệu quay đầu.
Hàng tháng, ngay sau khi nhận lương, Thùy Linh và chồng sẽ đi mua 2 chỉ vàng, gửi vào tài khoản tiết kiệm 70 triệu đồng.
“Vì chúng mình đang ở nhà thuê, có mục tiêu mua nhà trong 2 năm nữa nên lãi tiết kiệm thấp vẫn gửi, giá vàng cao cũng vẫn mua, vì mình mua có 2 chỉ thôi, nên thực ra giá vàng tăng thì số tiền dành ra để mua vàng cũng không tăng quá nhiều; không ảnh hưởng đến mức sống của cả nhà” - Thùy Linh chia sẻ và cho biết thói quen mua vàng, gửi tiết kiệm hàng tháng đã được 2 vợ chồng áp dụng suốt 3 năm về chung 1 nhà.
Với số tiền còn lại, Thùy Linh sẽ thanh toán các chi phí cố định như tiền học phí cho con, tiền thuê giúp việc, tiền thuê nhà. Vì phụ nữ có nhiều thứ phải mua hơn (đồ trang điểm, dưỡng da,...) nên hai vợ chồng thống nhất tiền chi tiêu cá nhân cho vợ sẽ là 6 triệu đồng, còn tiền chi tiêu cá nhân cho chồng là 4,5 triệu đồng.
“48,3 triệu đồng là con số mình ước tính thôi, vì khoản ma chay hiếu hỷ và tiền về quê là không cố định hàng tháng. Cả nhà mình đều có bảo hiểm sức khỏe, em bé trộm vía cũng không đau ốm nên tiền thăm khám, đi bệnh viện không đáng bao nhiêu. Nhưng theo mình nhớ được là không có tháng nào nhà mình tiêu dưới 45 triệu” .
Với mức chi tiêu và tiết kiệm như vậy, dù không tiết lộ cụ thể về mức thu nhập của gia đình trong 1 tháng, nhưng Thùy Linh cho biết vợ chồng cô có 5 nguồn thu nhập.
“Chồng mình là CFO cho 2 doanh nghiệp nhỏ, quy mô dưới 100 nhân sự. Vì tính chất công việc cộng thêm uy tín sẵn có trong nghề, nên chồng mình gần như làm việc tại nhà, chủ yếu là đi họp khoảng 3-4 lần/tháng thôi.
Mình hiện đang làm full-time cho 1 trong 4 công ty Big4. Bên cạnh đó, mình cũng làm kế toán cho cửa hàng kinh doanh quần áo của bạn mình. Ngoài 4 nguồn thu nhập trên, vợ chồng mình còn góp vốn đầu tư một chuỗi cửa hàng trang sức bạc từ 6 năm trước, lợi nhuận được chia theo quý.
Vợ chồng mình đều nghiện việc, so với mặt bằng chung thì mình cũng thấy mức chi tiêu của chúng mình hơi cao. Nhưng vì làm nhiều cũng đuối sức, cũng mệt nên cả 2 đều thống nhất chỉ cần duy trì tỷ lệ tiết kiệm và mua vàng như hiện tại là ổn rồi, chứ cố gắng cắt giảm chi tiêu thêm nữa thì cũng được đấy, nhưng sẽ áp lực lắm.
Tiết kiệm cũng quan trọng, nhưng vì tiết kiệm mà làm giảm chất lượng cuộc sống, vợ chồng áp lực tiền bạc thành ra mâu thuẫn thì mình nghĩ là không nên” - Thùy Linh chia sẻ.