Còn cố chấp giữ 3 thứ này, tôi nói thật: Tương lai dư dả vẫn còn ở rất xa!

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ mới 15:38 15/10/2024
Chia sẻ

Để cải thiện tình hình tài chính, để từ “túng thiếu” thành “dư dả”, chuyện cần làm đôi khi không chỉ đơn giản là chi tiêu ít đi, tiết kiệm nhiều hơn.

Ở tuổi 35 - Độ tuổi không quá già nhưng cũng chẳng còn trẻ, nếu xét trên phương diện tài chính, tôi nhận ra xung quanh mình, về cơ bản, có 2 nhóm người: Những người vẫn đang vật lộn với các khoản nợ, tình hình tài chính không mấy dư dả; và những người chưa thể gọi là giàu có, nhưng họ cũng không quá áp lực về tiền bạc, cuộc sống có thể coi là “đủ ăn, đủ mặc”.

Tôi sẽ không nhắc tới những người đã tự mua được nhà ở độ tuổi 30s, hay người có nhiều BĐS trong tay, vì rõ ràng, họ đã hơn hẳn phần đông chúng ta. Điều khiến tôi thắc mắc chỉ là tại sao khoảng thời gian khó khăn về tài chính chỉ là trạng thái tạm thời với người này, nhưng lại là hiện thực dai dẳng với người khác?

Sau khi suy ngẫm, tôi khá tự tin mình đã tìm được câu trả lời, chí ít cũng là câu trả lời khiến tôi tâm đắc. Để cải thiện tình hình tài chính, để từ “túng thiếu” thành “dư dả”, vấn đề không chỉ đơn giản là chi tiêu ít đi, tiết kiệm nhiều hơn. Điều quan trọng không kém chính là phải sửa đổi được 3 tính xấu này.

1 - Tham lợi nhỏ để rồi chịu thiệt lớn

Ở quê tôi cách đây hơn 10 năm, khi chưa có bóng hình các siêu thị lớn, việc mua sắm online trên các sàn TMĐT cũng chưa thịnh hành, mọi người chủ yếu vẫn duy trì thói quen mua sắm ở chợ truyền thống và tiệm tạp hóa, cửa hàng gạo của chú Phan - hàng xóm nhà tôi, gần như là “đầu mối” gạo lớn nhất của cả huyện. Gia đình chú kinh doanh rất phát đạt, thời ấy, cả huyện chỉ có nhà chú là xây kiểu biệt thự.

Sau này tôi ra thành phố học và sinh sống, cũng ít về quê hơn, nên gần đây nghe mẹ kể tôi mới biết, việc đổ buôn gạo của gia đình chú Phan đã lụi bại từ lâu.

“Nhà đấy toàn cân điêu cho khách con ạ, ở cửa hàng mua 5kg gạo, về nhà cân lại chỉ còn 4 cân rưỡi. Người ta kháo nhau mua chỗ khác, với giờ siêu thị đầy ra rồi, buôn bán kiểu đó ai mà mua cho nữa” - Mẹ tôi kể.

Câu chuyện bâng quơ với mẹ trong dịp về quê cách đây chưa lâu khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Hóa ra dù ở thời đại nào, trong bất kỳ lĩnh vực gì, vẫn luôn có những người vì tham cái lợi trước mắt mà tự tay phá hủy tương lai tươi sáng của chính mình.

Còn cố chấp giữ 3 thứ này, tôi nói thật: Tương lai dư dả vẫn còn ở rất xa!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đây, công ty tôi cũng có một trường hợp như vậy. Đó là một nhân viên hành chính, chuyên lo việc chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho bữa xế chiều ở công ty hoặc các sự kiện lớn khác. Cứ mỗi lần đi sắm đồ, cô đều khai khống hóa đơn, khi thì vài trăm ngàn, khi thì 1 triệu. Chẳng biết cô đã làm việc đó trong bao lâu, chỉ nhớ ngày cô ôm đồ rời khỏi công ty, mọi người đều xì xào rằng cô bị cho nghỉ việc vì thiếu trung thực. Chuyện đó ai trong phòng hành chính cũng biết, thế nên cô rời đi mà chẳng có buổi tiệc chia tay nào, giống như phần lớn các nhân sự khác.

Phàm là con người, tôi nghĩ ai cũng có lòng tham cả. Không phải tự nhiên mà người ta lại bảo “lòng tham vô đáy”. Nhưng chỉ vì tham cái lợi nhỏ trước mắt mà chấp nhận làm những việc thiếu trung thực với bản thân và mọi người xung quanh, tôi cho rằng đây là sai lầm rất lớn.

2 - Luôn nghĩ mình là nạn nhân

Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống cũng như sự nghiệp, tôi nhận ra một trong những tư duy đáng sợ nhất, âm thầm hủy hoại tương lai ngày này qua ngày khác, chính là tư duy nạn nhân.

Thừa nhận mình bản thân còn yếu kém, thừa nhận mình đã sai để khắc phục bao giờ cũng khó hơn là tìm một cái cớ, một yếu tố ngoại cảnh hay một ai đó để đổ lỗi. Bản thân tôi cũng đã từng như vậy, vào cái thời mới chân ướt chân ráo đi làm.

Hồi ấy, tôi luôn có cảm giác đồng nghiệp và cả sếp đang “đì” mình, họ giao cho tôi những đầu việc quá khó, họ yêu cầu tôi những thứ tôi không thể làm nổi trong thời gian được yêu cầu. Tôi bực bội, mệt mỏi và thầm nguyền rủa những con người không biết nương tay với nhân sự mới. Và thế là tôi nghỉ việc ngay khi còn qua qua thời gian thử việc. Tôi vẫn cứ giữ lối suy nghĩ “mọi người đang muốn đì mình xuống” sang tận 2 công ty khác, để rồi bẽ bàng nhận ra, cuối cùng, mình mới là người sai.

Thực tế, chẳng ai dỗi hơi thừa sức để đi “đì” một đứa nhân viên đang thử việc. Tất cả những việc mà tôi cho rằng họ đang làm để “đì” mình, thực chất, lại chính là những cơ hội học hỏi, làm quen với công việc để cải thiện kỹ năng. Vậy mà chỉ vì sự thiếu suy nghĩ cùng cái tôi quá lớn, tôi đã gạt phăng chúng đi, tốn tới gần 1 năm trời nhảy từ công ty này sang công ty khác mà bản thân chẳng có gì tiến bộ.

Còn cố chấp giữ 3 thứ này, tôi nói thật: Tương lai dư dả vẫn còn ở rất xa!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Chỉ đến khi tôi thừa nhận mình đã sai, thừa nhận cái tôi quá lớn và cố gắng khắc phục điều đó, chặng đường đi làm kiếm tiền nuôi thân của tôi mới dần trở nên bằng phẳng.

3 - Ghen ghét, đố kỵ với người giỏi hơn mình

Thoạt nghe, điều này tưởng chừng chẳng mấy liên quan đến câu chuyện kiếm tiền hay hành trình thoát khỏi trạng thái thiếu tốn tài chính, để có được cuộc sống dư dả. Đó từng là suy nghĩ của tôi trong những năm tháng 20, nhưng giờ thì khác.

Ngày xưa, tôi suy nghĩ rất đơn giản, mình muốn có tiền, có cuộc sống dư dả hơn hiện thực lúc này, thì mình chỉ cần chăm chỉ làm việc là được rồi. Đương nhiên, cần cù luôn là một đức tính đáng hoan nghênh, nhưng vậy thôi là chưa đủ. Cần cù làm việc và chịu khó học hỏi từ những người giỏi hơn mình thì sẽ tốt hơn nhiều.

Không phải tự nhiên mà người ta lại bảo “học thầy không tày học bạn”. Bản thân tôi vốn là người không mấy xuất sắc trong lĩnh vực tôi theo đuổi. Và vì muốn có thêm việc làm ngoài giờ, đồng thời, củng cố khả năng được xét duyệt tăng lương, nên tôi đã chi không ít tiền để đi học các khóa nghiệp vụ liên quan. Tuy nhiên, học xong, chứng chỉ đã có trong tay nhưng mọi thứ chẳng có gì thay đổi. Tôi vẫn không có việc làm thêm, lương cũng chẳng được tăng.

Mãi cho tới khi trò chuyện, tâm sự với 1 người bạn đồng nghiệp, tôi mới nhận ra mình đã sai ở chỗ nào. Tôi đầu tư đi học, tôi sưu tầm chứng chỉ, nhưng lại chẳng chủ động áp dụng những thứ mới học vào công việc, nên việc học hoàn toàn vẫn chỉ là lý thuyết. Nhờ sự hướng dẫn, chia sẻ của người bạn ấy, mà tôi mới tìm ra được hướng đi riêng cho mình, cũng bởi thế mà mọi sự ngày càng hanh thông, thuận lợi.

Vậy mà trước đó, đã có lúc tôi nghĩ rằng cô ấy thăng tiến nhanh hơn mình là nhờ may mắn chứ chẳng có nỗ lực gì. Thực tình, nghĩ lại vẫn thấy hổ thẹn, vì tôi là người đã ghen ghét, đố kỵ với những người giỏi hơn tôi. Đến giờ ngẫm lại, tôi càng thấm thía đức tính ấy tệ hại nhường nào. Cuộc sống mà, học hỏi từ những người giỏi hơn mình, ở xung quanh mình vẫn là cách tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày