BuySocial - “Mua một món đồ, gieo nhiều điều tốt” xu hướng tiêu dùng văn minh đang được giới trẻ Việt đón nhận

Nhật Minh, Dương Lê, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 18/03/2019
Chia sẻ

Giống như khi chúng ta gieo một hạt giống xuống mảnh đất mát lành, việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp luôn hướng đến các giá trị cộng đồng sẽ giúp cho những điều tốt đẹp, những tia hy vọng lớn dần lên thành một cái cây xanh tươi.

BuySocial - “Mua một món đồ, gieo nhiều điều tốt” xu hướng tiêu dùng văn minh đang được giới trẻ Việt đón nhận - Ảnh 1.

Một buổi sáng chủ nhật cuối tháng 12 ở Hà Nội, trời rất lạnh, Minh Nhật thức dậy từ 6h sáng chuẩn bị cho chuyến đi tới Hòa Bình cùng Zó Project. Từ khi bắt đầu đi làm, Nhật trở thành "tín đồ" của Zó. Không chỉ vẽ tranh trên giấy dó, Nhật còn tặng bạn bè quạt giấy, khuyên tai từ Zó. Cô gái muốn khám phá quy trình tạo ra thứ giấy mộc mạc đượm hồn dân tộc này nên đã đăng ký tour trải nghiệm vào cuối tuần cùng Zó Project.

Ba năm gần đây, việc mua xà bông, son môi, những món đồ lưu niệm với Thanh Bình luôn lấp lánh niềm vui. Bình không chạy ào ra siêu thị nhặt vội đồ vào giỏ hàng mà luôn có những địa chỉ "ruột" như son thì sẽ mua ở Arya Tara, xà bông từ Papa's Dreamers... Những món đồ dù được mua tại cửa hàng hay giao tới nhà thì đều được bọc một cách rất tỉ mỉ, hồn hậu như thể người bán có đính kèm thêm những nụ cười, lời thăm hỏi trong đó. Cũng giống như Minh Nhật, mỗi khi tặng quà cho bạn bè, người thân Bình đều nhớ tới những địa chỉ có nét tính cách riêng biệt trên.

BuySocial - “Mua một món đồ, gieo nhiều điều tốt” xu hướng tiêu dùng văn minh đang được giới trẻ Việt đón nhận - Ảnh 2.

Minh Nhật và Thanh Bình là những bạn trẻ đại diện cho thế hệ Z. Cả hai đều năng động, tự tin, cập nhật những xu hướng mới rất nhanh nhưng đặc biệt yêu thích những nét văn hóa đẹp của dân tộc, những giá trị bền vững của cộng đồng. Điều đó giải thích vì sao, các bạn chọn cho mình lối sống xanh, cố gắng hình thành những thói quen của xu hướng Zero Waste và đồng thời là "tín đồ" của Zó Project, Arya Tara hay Papa’s Dreamers…

BuySocial - “Mua một món đồ, gieo nhiều điều tốt” xu hướng tiêu dùng văn minh đang được giới trẻ Việt đón nhận - Ảnh 3.

Những cái tên như Zó Project, Arya Tara, Papa’s Dreamers… có lẽ không quá xa lạ với các bạn trẻ yêu thích những món đồ độc đáo, gắn liền với tự nhiên. Đây đều là những dự án hoạt động theo tinh thần của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam - mô hình kinh doanh xuất phát từ một mục tiêu xã hội cụ thể, sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho kinh doanh hoặc cộng đồng.

BuySocial - “Mua một món đồ, gieo nhiều điều tốt” xu hướng tiêu dùng văn minh đang được giới trẻ Việt đón nhận - Ảnh 4.

Theo cách chuyển dịch sang tiếng Việt của Hội Đồng Anh thì BuySocial có nghĩa là tiêu dùng tạo giá trị xã hội. Nhiều khách hàng trẻ tuổi dịch thêm một nghĩa mới cho cụm từ này là Thói quen mua sắm có chiều sâu. 

 Bởi sau mỗi sản phẩm là cả một câu chuyện mà khi khám phá ra lại càng thêm yêu và trân trọng tâm huyết của những người làm ra nó. Bởi khi hiểu hết ý nghĩa của những sản phẩm nhỏ bé thì cũng là lúc nhận ra mỗi chi tiêu của bản thân giống như việc gieo một hạt mầm để từ đó những điều tốt đẹp lớn lên thành cái cây xanh tươi giữa đời.

BuySocial - “Mua một món đồ, gieo nhiều điều tốt” xu hướng tiêu dùng văn minh đang được giới trẻ Việt đón nhận - Ảnh 5.

Bởi sau mỗi sản phẩm là cả một câu chuyện mà khi khám phá ra lại càng thêm yêu và trân trọng tâm huyết của những người làm ra nó.

Những khách hàng thuộc thế hệ 8X, 9X trong đó có Thanh Bình đã rất thích thú khi được nghe chia sẻ về lý do những bánh xà bông thiên nhiên của Papa’s Dreamer ra đời. Đó là kết tinh tình yêu của người ba dành cho cô con gái bị viêm da cơ địa không thể tiếp xúc với hóa chất.

BuySocial - “Mua một món đồ, gieo nhiều điều tốt” xu hướng tiêu dùng văn minh đang được giới trẻ Việt đón nhận - Ảnh 6.

Nhìn làn da con bong tróc, người cha về hưu đã dùng hết vốn kinh nghiệm của một người kỹ sư hóa chất suốt mấy chục năm để làm nên những bánh xà bông thiên nhiên từ tinh dầu trà xanh, tinh dầu Olive… Đặc biệt hơn, bao bì bọc những bánh xà bông do ba làm nên được mẹ quét lên một lớp hồ rồi tỉ mẩn rắc lên đó những hạt giống.

 Toàn bộ quy trình đều được làm thủ công, nguyên liệu thì có giấy, hồ gạo cộng thêm một thứ nguyên liệu đặc biệt đó là sự dịu dàng, thương yêu của ba của mẹ… Cầu kỳ và tốn thời gian như thế nhưng gia Papa’s Dreamer không bao giờ ngại ngần vì mong muốn cùng người dùng gửi về đất mẹ nhiều mầm xanh hơn.

Và rất nhiều người đã xúc động khi biết những sản phẩm nhồi bông xinh xắn của Chủ Công ty Cổ phần KYM VIỆT có sự góp công rất lớn của những người điếc. Từng đường kim, mũi chỉ, từng chiếc cúc được gắn cẩn thận, tỉ mẩn. Mỗi sản phẩm sau đó luôn được gói ghém nâng niu trước khi đến tay khách hàng.

Tưởng chừng như trong thế giới của những người điếc sẽ luôn lặng thinh nhưng không phải thế. Khi biết rằng những sản phẩm của mình được khách hàng trong số đó có rất nhiều bạn trẻ đón nhận, những khúc hát yêu đời cứ ngân vang mãi trong tâm hồn những người thợ thủ công.

BuySocial - “Mua một món đồ, gieo nhiều điều tốt” xu hướng tiêu dùng văn minh đang được giới trẻ Việt đón nhận - Ảnh 7.

Trở lại câu chuyện của Minh Nhật, sở dĩ một đại diện của thế hệ Z ham ngủ lười vào mỗi sáng cuối tuần bất chấp giá rét của mùa đông miền Bắc đến tham gia tour trải nghiệm ở Hòa Bình là vì cô gái biết tới câu chuyện của người sáng lập và điều hành Zó Project - chị Trần Hồng Nhung. 

Khi nhận thấy giấy dó cũng như phần lớn các sản phẩm của các làng nghề thủ công Việt Nam đứng bên bờ vực biến mất, chị Nhung đã trải qua một hành trình dài, đi qua nhiều vùng trồng nguyên liệu để làm hồi sinh loại giấy đượm hồn dân tộc của cha ông.

 Những tưởng Zó Project sẽ không thể thành hình khi những người nghệ nhân không có ý định truyền nghề cho người ngoài hay các hộ gia đình không có nhu cầu mở rộng sản xuất thậm chí muốn chuyển sang nghề khác. Nhưng chị Nhung đã chuyển sang một hướng khác: cùng người dân ở Hòa Bình trồng cây dướng, phát triển vùng nguyên liệu thay thế.

Hành trình của Zó giúp những người trẻ tin vào khả năng hồi sinh của những làng nghề thủ công ở Việt Nam. Khi vẽ thư pháp trên những tệp giấy mộc mạc, trao cho người bạn ở cách xa nửa vòng trái đất chiếc quạt từ giấy dó, Minh Nhật có niềm tin rằng những vẻ đẹp của dân tộc có thể đi xuyên thế kỷ nếu chúng ta cố gắng gìn giữ.

Không đơn thuần dừng lại ở hành vi mua sắm, BuySocial giúp những người trẻ sống có chiều sâu hơn. Khi mua đồ TỐT, làm việc TỐT, nghe chuyện TỐT, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên TỐT đẹp hơn, văn minh hơn. Đó chính là giá trị mà BuySocial bồi đắp cho cuộc sống của chúng ta.

Sự kiện do Hội đồng Anh phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM), Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE), Oxfam tại Việt Nam và Doanh nghiệp Xã hội Tòhe tổ chức diễn ra từ 17h00 ngày 22/3/2019 tới 17h00 ngày 23/3/2019, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), 20 Thụy Khuê, Hà Nội. Tham gia sự kiện, các bạn trẻ và du khách sẽ có cơ hội tham quan các gian hàng của hơn 30 doanh nghiệp xã hội của Việt Nam; trải nghiệm các hoạt động làm giấy dó, làm đồ thủ công từ giấy Dó, vẽ tranh thư pháp, nhuộm vải tự nhiên, làm thú nhồi bông… Cùng nhau tới Ngày hội Tốt, nghe những câu chuyện TỐT, làm những việc TỐT, mua món đồ TỐT để lan tỏa những giá trị TỐT đẹp tới nhiều người hơn nữa!


BuySocial - “Mua một món đồ, gieo nhiều điều tốt” xu hướng tiêu dùng văn minh đang được giới trẻ Việt đón nhận - Ảnh 9.
Nhật Minh
Dương Lê
Theo Trí Thức Trẻ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày