Giữa căn phòng đầy những người thừa kế giàu có bậc nhất, một số người khoanh tay che mặt, tạo thành hình chữ X. Một số khác co mình trên sàn, đầu vùi trong hai bàn tay. Có người cúi xuống như thể đang bảo vệ bản thân khỏi một vụ khủng khiếp sắp xảy ra. Hầu hết họ đều ở độ tuổi từ 18 - 30. Dường như đây không phải một hội thảo tài chính thông thường.
Không giống như hầu hết khách hàng giàu có tìm đến các cố vấn tài chính với mong muốn làm giàu thêm, những người tham dự hội nghị Making Money Make Change (Kiến tạo sự thay đổi từ tiền bạc) tại Nashville lại muốn điều ngược lại.
Là con cái của các triệu phú, tỷ phú, họ thuộc nhóm những người thừa kế trong đợt chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử nước Mỹ — khoảng 16 nghìn tỷ USD sẽ được truyền lại trong thập kỷ tới, theo BI. Nhưng họ dường như không muốn số tiền đó.
Việc từ chối tài sản thừa kế xuất phát từ niềm tin sâu sắc của nhiều người thuộc thế hệ Gen Z và Millennials—rằng sự giàu có lớn lao phải phục vụ mục đích cao cả hơn.
"Khi vừa 21 tuổi, tôi mới biết mình sẽ được thừa kế một khoản tiền," Ash, một người tham dự 30 tuổi, chia sẻ. "Điều đó thực sự chấn động vì tôi đã tham gia vào các phong trào khí hậu và đề xuất giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây hại cho môi trường. Và rồi tôi nhận ra: Gia đình mình đã kiếm lợi từ chính những công ty mà tôi đang đấu tranh để chống lại."
"Với tôi, nhận tài sản thừa kế khổng lồ đem lại cảm giác cực kỳ bất an," một phụ nữ khác ngoài 20 nói. "Nó khiến tôi tự hỏi: Tôi là ai? Tôi thuộc về đâu? Làm thế nào để sống thật với chính mình?"
Đó chính là lý do hội nghị Making Money Make Change ra đời. Được tổ chức trong khuôn viên Gothic của một trường đại học cũ, hội nghị này giúp những người thừa kế giàu có tái phân bổ tài sản của họ cho các mục đích như nhà ở và bảo vệ môi trường.
Đơn vị tổ chức, Resource Generation, đang tiên phong trong một lĩnh vực mới nổi, giúp thế hệ mới của những "đứa trẻ quỹ tín thác" không phải tích lũy thêm tài sản mà là từ bỏ nó. Hiện nhóm có hơn 1.000 thành viên, với mục tiêu phân phối lại 100 triệu USD chỉ trong năm nay.
Đối với các thành viên RG, việc chia sẻ tài sản không phải là một hành động theo trào lưu "thức tỉnh" mà là trách nhiệm. Họ không muốn dùng tiền để hưởng thụ mà để giúp đỡ và trao quyền cho người khác. Nhưng quá trình thoái vốn không hề đơn giản.
"Tôi luôn cảm thấy mình cũng giống như bao bạn bè khác," Sarah, 24 tuổi, sống ở cả California và Anh. "Nhưng khi phát hiện ra khối tài sản thừa kế của mình, tôi nhận ra: ‘Ồ, hóa ra tôi ở một thế giới hoàn toàn khác.’"
Những nhận thức như vậy khiến họ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: hoang mang, mặc cảm, xấu hổ, thậm chí là oán giận. Đối với họ, từ bỏ tài sản không chỉ là thay đổi vị trí xã hội mà còn là xác định lại chính bản thân. Dù đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau và ủng hộ những mục tiêu khác nhau, họ đều đối mặt với cùng một câu hỏi: Làm thế nào để trở thành một "người giàu tốt"?
"Trong ký ức của tôi, người giàu hiện lên qua bộ phim ‘Richie Rich’, phim hài phiêu lưu dành cho trẻ em của Mỹ năm 1994 do Donald Petrie đạo diễn." Meg, con gái một tỷ phú, kể lại. "Và tôi nhận ra: Họ là kẻ xấu. Vậy nghĩa là chúng tôi cũng là kẻ xấu."
Nhưng những người thừa kế tại Making Money Make Change trông không giống "kẻ xấu." Nếu nhìn vào những chiếc áo phông đơn giản trên người, chẳng ai đoán được tổng tài sản của họ ít nhất là 246 triệu USD—chưa kể số tiền họ sẽ thừa kế từ gia đình, lên tới khoảng 1,5 tỷ USD theo khảo sát nội bộ.
Đọc lên những con số trên khảo sát này là phần "nặng nề nhất" của hội nghị. Mục đích không nhằm khiến họ thấy tội lỗi, mà là để minh họa sự tích lũy tài sản quá mức. Khi từng con số được đọc lên, cả phòng lặng đi. Trong cuộc sống thường ngày, nhiều người thừa kế trẻ tuổi mắc kẹt trong trạng thái "đóng băng," tránh nghĩ về tiền bạc, thậm chí không mở sao kê ngân hàng vì sợ đối mặt với đặc quyền của mình. Đó là lý do tại hội nghị này, họ được khuyến khích chuyển hóa cảm giác khó chịu thành hành động, thoải mái chia sẻ câu chuyện làm sao để “giải phóng” tài chính của mình.
Công việc thực sự diễn ra tại các "quầy hành động" đặt khắp tòa nhà chính. Tại đây, những người thừa kế có thể gặp các cố vấn tài chính để cam kết phân phối lại tiền bạc. Sarah đã quyết định phân bổ thêm 1 triệu USD từ quỹ tín thác của mình, chỉ giữ lại 400.000 USD. Mục tiêu của cô là giảm tài sản xuống còn 70.000 USD vào cuối năm 2025 để giải phóng bản thân khỏi số tiền.
Khi được hỏi cha mẹ cô nghĩ gì về quyết định này, Sarah chỉ nói: "Mẹ tôi ủng hộ, nhưng cha tôi thì cảm thấy tổn thương. Nhưng tôi cứ làm thôi, còn hậu quả thì để sau."
Về những người thân khác, Ash chia sẻ: "Chị gái tôi sử dụng tài sản thừa kế để mua nhà, còn anh trai tôi lo cho việc học của con cái. Khi biết những gì tôi đang làm, họ còn đùa rằng ‘một ngày nào đó khi không trả nổi tiền thuê nhà, em sẽ phải lết về đây để tìm kiếm sự giúp đỡ mà thôi’.”
“Lúc đó, tôi chẳng phản ứng gì. Nhưng hóa ra cuộc sống lại có nhiều điều bất ngờ. Sau khi cho đi số tiền thừa kế ban đầu, chúng tôi nhận được thêm 80.000 USD từ bà của mình. Tuy nhiên, lần này, số tiền đó không còn mang theo bất kỳ cảm giác tội lỗi nào nữa. Thay vào đó, tôi chỉ vui mừng vì có nhiều hơn để cho đi”, Ash nhận định.
Kết thúc hội nghị, 35 người thừa kế cam kết phân bổ lại tổng cộng 9,2 triệu USD. Họ hứa sẽ giữ liên lạc, trân trọng cơ hội được chia sẻ và thấu hiểu nhau—điều mà hiếm ai ngoài kia có thể làm được.
*Nguồn: Insider