Sáng 11/2, giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục lập đỉnh mới. Hiện giá vàng nhẫn trơn đã lên khoảng 89-89,5 triệu đồng/lượng chiều mua và 91,7-92,2 triệu đồng/lượng chiều bán. Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng đã lên mức cao mới 2.945 USD/ounce.
Mặc dù vàng liên tục lập đỉnh, đem về mức lãi "khủng" trong thời gian qua, nhiều người nắm giữ vàng vẫn kiên quyết không chốt lời với kỳ vọng giá sẽ còn tăng hơn nữa.
Anh Q.H (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, năm ngoái cưới vợ, anh được gia đình, họ hàng, bạn bè mừng cưới được tổng cộng 1 lượng. Thời điểm đó, giá vàng nhẫn mới chỉ khoảng 75 triệu đồng/lượng. Sau chưa đầy 1 năm, giá vàng đã tăng hơn 16 triệu đồng/lượng (tăng 21%). Nếu bán ra thời điểm này, vợ chồng anh H sẽ thu về được hơn 90 triệu đồng, nhưng họ vẫn quyết định giữ thêm. "Mình tin vàng sẽ còn lên nữa, bao giờ vàng lên 100 triệu đồng/lượng thì mình mới bán", anh H nói.
Sở dĩ những người mua vàng ít khi đua nhau chốt lời khi giá lập kỷ lục là bởi luôn xem đây là tài sản tích trữ, phòng ngừa rủi ro. Miễn rằng chưa có việc quá gấp cần đến tiền mặt, họ sẽ không bán mà thậm chí còn có xu hướng tích trữ nhiều hơn khi giá điều chỉnh hoặc có tiền nhàn rỗi.
P.N (Hà Nội) chia sẻ: "Mình bắt đầu mua vàng từ đầu năm 2023 và đều đặn gom thêm mỗi tháng, dù giá cứ tăng mãi. Giờ mình đã có 30 chỉ vàng, trong đó có những chỉ mua lúc giá 5,2 triệu đồng, mà giờ đã 9 triệu/chỉ. Nếu bán ra bây giờ, mình chắc chắn lãi hơn hẳn so với gửi ngân hàng. Nhưng bán rồi thì tiền lại để đâu? Bố mẹ mình lúc nào cũng bảo vàng là của để dành, giá có lúc đi ngang nhưng kiểu gì cũng lên, hiếm khi giảm sâu. Nên mình vẫn đang chần chừ, chưa biết có nên tiếp tục giữ hay không."
TS. Châu Đình Linh, chuyên gia tài chính kinh tế cho biết, tâm lý "ôm vàng" của nhiều người là khá dễ hiểu, đặc biệt ở Việt Nam. Theo ông, trước hết, cần xem xét nguyên nhân khiến giá vàng biến động. Thứ nhất, giá vàng thế giới chịu ảnh hưởng bởi bất ổn địa chính trị, chính sách thuế của ông Trump và một loạt chính sách từ các nước lớn. Những yếu tố này tạo sức ép đẩy giá vàng lên. Vàng từ lâu đã được coi là kênh trú ẩn an toàn, vì vậy dòng vốn từ nhiều nguồn khác nhau đổ vào, tác động đến giá vàng trong cả ngắn, trung và dài hạn.
Thứ hai, nếu nhìn vào biểu đồ kỹ thuật, giá vàng hiện đang ở vùng quá mua. Các chỉ số phân tích cũng cho thấy xu hướng tăng trong ngắn và trung hạn. Cả thế giới kỳ vọng giá vàng có thể vượt mốc 3.000 USD/ounce, thậm chí trên 100 triệu đồng/lượng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này càng củng cố tâm lý kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư vào xu hướng tăng giá vàng.
Ngoài ra, tâm lý đầu cơ, tích trữ cũng đóng vai trò quan trọng. Khi nhà đầu tư kỳ vọng vào một tài sản, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như tiết kiệm, bất động sản kém hấp dẫn, thì vàng trở thành lựa chọn ưu tiên. Thói quen tích trữ vàng của người Việt cũng góp phần đẩy giá lên cao hơn. Điều này tạo ra chênh lệch cung cầu đáng kể.
Cuối cùng, tại thị trường trong nước, nguồn cung vàng bị hạn chế do chính sách quản lý nhập khẩu. Việc phải thông qua thương hiệu vàng quốc gia và sự kiểm soát của Nhà nước khiến thị trường không có tính liên thông cao. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng mạnh càng khiến giá vàng leo thang. Tổng hợp các yếu tố trên, giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cả trong nước lẫn quốc tế.
TS. Châu Đình Linh cho rằng, nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền. Đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, nên cần đánh giá một số yếu tố sau:
Thứ nhất, xem xét xu hướng giá vàng. Giá có thể tăng mạnh, nhưng cũng có thể biến động ngược. Hiện tại, giá bán ra lên tới 92 triệu đồng/lượng, nhưng giá mua vào chỉ khoảng 88 triệu đồng/lượng, chênh lệch khá lớn. Điều này có nghĩa là nếu mua vào, nhà đầu tư phải chờ một khoảng thời gian dài để giá tăng đủ bù đắp chênh lệch. Nhà đầu tư phải tự dự tính được có thể nắm giữ trong bao lâu.
Thứ hai, cân nhắc nguồn vốn và mức độ chấp nhận rủi ro. Không nên dồn toàn bộ vốn vào vàng mà cần đa dạng hóa danh mục đầu tư. Vàng có thể là một kênh hấp dẫn, nhưng chỉ nên chi một tỷ lệ phù hợp, tránh đặt hết vốn vào một loại tài sản.
Thứ ba, nên xem vàng là tài sản tích lũy dài hạn hơn là công cụ đầu cơ ngắn hạn. Khi đầu tư dài hạn, trung bình giá theo thời gian, suất sinh lời vẫn rất tốt.