"Người khiếm thị học luật đã rất khó, ra trường xin việc làm còn khó hơn. Con về nhà suy nghĩ kỹ, nếu thật sự muốn theo học thì tháng 7 quay lại trường để nộp đơn", vị thầy giáo ở trường Luật đã nói với Linh - cậu học sinh không nhìn thấy ánh sáng nhưng luôn ngập tràn hoài bão.
Không lâu sau đó Linh được nhận vào học tại trường Đại học Luật TP.HCM, chính thức bước vào hành trình đầy thử thách trước khi chạm đến ước mơ. Suy cho cùng thì trên đời này có vùng trời nào không bão tố, miễn là chúng ta đủ kiên cường bước qua giông gió đợi đến ngày nắng lên.
Linh - cậu sinh viên khiếm thị nuôi ước mơ trở thành luật sư.
Năm lên 10 tuổi, Thái Sơn Linh (1992, Khánh Hoà) mắc chứng bệnh viêm màng não, tuy nhiên vào thời điểm đó gia đình của cậu không hề biết đến sự nguy hiểm của căn bệnh, họ tìm đến các phương pháp chữa trị dân gian khiến bệnh tình ngày một trầm trọng.
Sau khi chuyển lên Sài Gòn chữa trị, bác sĩ cho biết nếu truyền thuốc vào sẽ cứu được cậu bé, nhưng đồng thời để lại một di chứng nào đó, có thể câm điếc hoặc bại liệt hay mù loà...Và đương nhiên là bố mẹ Linh chọn đánh đổi để giữ lại con trai.
Sau cơn bạo bệnh Linh mất đi thị lực.
Tỉnh dậy Linh gần như mất trí nhớ, không đi đứng được và chìm trong bóng tối. Sau hơn 1 năm đi châm cứu, cậu mới dần dần cử động được chân tay và hồi phục trí nhớ, duy có đôi mắt thì vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng.
Linh vẫn muốn được đến trường như bao đứa trẻ khác, dù chuyện học hành giờ đây không còn giống như trước. Bạn bè thường thắc mắc: "Ê Linh, sao mày không ở nhà để ba má nuôi, đi học làm chi cho cực vậy?". Dẫu vậy cậu bé vẫn cứ hồn nhiên, bởi với Linh được đi học là niềm vui lớn nhất.
Đối với Linh học là niềm đam mê.
"Lúc nhỏ còn chưa nhận thức được những khiếm khuyết của mình nên cứ vô tư. Mãi đến khi mình 16 - 17 tuổi, thì mới cảm nhận rõ sự phân biệt của mọi người xung quanh. Rất nhiều người hỏi mình: mù như mày thì làm được gì?" - Linh bùi ngùi nhớ lại.
Những lời nói không hay đó càng trở thành động lực để Linh học tập thật giỏi, cố gắng đạt mục tiêu đề ra. Cậu tâm sự: "Đến năm lớp 8 mình đã ấp ủ ước mơ học luật để sau này có thể kiếm ra nhiều tiền, và giúp đỡ những người khiếm thị giống như mình". Cậu ngô nghê viết mấy câu thơ để tự động viên chính mình:
"Ôi tiếng "Khinh", điểm chữ "Thường"
Anh đây nào đâu có thèm tưởng
Không lo lắng, không suy nghĩ
Vì đời đâu biết ước mơ của anh như đại dương"
Những lúc buồn cậu tìm đến âm nhạc để bầu bạn.
Trở thành sinh viên luật là niềm hạnh phúc vô bờ bến của Linh, đồng thời cũng là một thử thách rất lớn. Năm học đầu tiên cậu gần như bơi trong đống tài liệu sách vở, bài giảng, khối lượng kiến thức rất lớn và hoàn toàn không có tài liệu hỗ trợ cho người khiếm thị.
Việc học tập lúc đầu còn gặp nhiều khó khăn.
May mắn nhận được sự giúp đỡ hết mình của bạn bè cũng như thầy cô nên Linh dần dần thích ứng được với môi trường đại học. "Phải nói là 'lực lượng' hỗ trợ mình rất hùng hậu. Ở trong lớp nếu các bạn thấy giúp được gì thì các bạn sẽ giúp. Có hai người bạn thân phụ trách chở mình đi học, rồi chở về. Mọi người còn chuyển file giúp, rồi đọc bài giùm... Còn bài giảng nào không hiểu mình gửi mail hỏi là thầy cô sẽ trả lời ngay, mình thấy hạnh phúc lắm" - Linh cười bảo.
Linh sử dụng thành thạo các thao tác trên máy tính.
Từ năm 2 đại học Linh bắt đầu ghi âm lại bài giảng của thầy cô để tiện hơn cho việc học tập, việc sử dụng máy tính một cách thành thạo cũng giúp anh chàng học tập tiến bộ hơn. Linh tâm sự thêm về việc học: "Mỗi lần đọc một đạo luật, mình sẽ đọc từ trên xuống dưới, không cần phải nhớ hết, nhưng buộc phải nhớ chương nào, mục nào nói về vấn đề gì".
Anh chàng bảo, nhiều khi quên rằng bản thân mình là người khiếm thị. Bởi đơn giản Linh không quan trọng có nhìn thấy hay không, mà quan trọng là có làm được chuyện đó hay không. Bước qua rào cản của bóng tối, Linh tự tin vào khả năng của bản thân.
"Người khuyết tật rất cần nhận được sự ưu ái từ xã hội, tuy nhiên không có sự ưu ái đó cũng được, chỉ cần hãy đối xử công bằng với chúng mình" - Linh thật lòng nói.
Mỗi còn người đều có một khả năng riêng, và người khuyết tật cũng vậy họ cũng có những tài năng rất riêng.
Giảng viên Võ Trung Tín (phụ trách bộ môn Luật Môi trường - Trường Đại học Luật TP.HCM) đã từng chia sẻ câu chuyện về điểm 10 mà thầy đã tặng cho những nỗ lực của Linh như sau:
"Học kỳ này, tôi được Phòng Đào Tạo thông báo sắp xếp lịch hỏi thi vấn đáp riêng cho 1 em sinh viên. Sau nhiều lần hẹn, hôm nay tôi gặp em. Không phải vì tôi hay em quá bận rộn mà lý do chủ yếu từ em: "Em chưa ôn xong môn của thầy nên thầy cho em thêm thời gian ạ!".
Sau hơn 30 phút hỏi về các nội dung môn học, tôi có hỏi em 2 câu về lý do chọn học luật và dự định nghề nghiệp sau khi ra trường. Câu thứ nhất, em trả lời vì em thích, em muốn học luật từ những năm lớp 8, 9. Câu thứ hai, em ấp ủ một dự án viết sổ tay pháp lý để chia sẻ kinh nghiệm với những người như em về những vấn đề: thủ tục khám chữa bệnh, liên hệ cơ quan nhà nước làm các giấy tờ, học tập... Về lâu dài, em thích làm mảng hành chính và đất đai.
Đầu giờ, tôi cố tình nhường em ngồi vị trí của tôi. Cái ghế đó đẹp và cứng cáp hơn nên tôi nghĩ em ngồi sẽ tự tin hơn khi trả lời các câu hỏi. Còn tôi, ngồi ghế nào không quan trọng. Em xứng đáng nhận được 9 điểm cho phần thi vấn đáp. Tôi cũng khuyến khích cộng thêm 1 điểm cho những nỗ lực tuyệt vời của em. Em vui mừng: "Đây là điểm 10 đầu tiên của em sau 3 năm học!".
Thầy Tín và Linh trong buổi thi vấn đáp cuối kỳ.
Điểm 10 mà thầy tặng cho cậu sinh viên nghị lực.
Chặng đường phía trước Linh còn 1 năm học cuối, và rất nhiều thử thách nữa trước khi chạm tới ước mơ của mình. Nhưng tôi tin rằng điểm 10 ngày hôm nay sẽ là nguồn động viên lớn để cậu vững tin hơn vào con đường đã chọn, mạnh mẽ hơn trước những va vấp của cuộc đời. Mất đi ánh sáng không có nghĩa là mất đi tất cả. Điều quan trọng là đừng bao giờ đánh mất ước mơ.
"Đừng mơ trong cuộc sống! Hãy sống cho giấc mơ"