Chuyện một người thầy già "không chịu" về hưu, sống trong ký túc xá để bầu bạn với học sinh khiếm thị ở Hà Nội

Bá Cường, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 22/11/2018
Chia sẻ

Được phân công lên miền núi công tác 3 năm nhưng thầy Thắng đã ở lại đến 27 năm mới quay về thành phố. Bây giờ đã ở tuổi 81 thầy vẫn không chịu cho mình nghỉ, ở lại trong ký túc xá dành cho học sinh khiếm thị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, lo cho học sinh từng bữa ăn giấc ngủ.

Thầy Phạm Đình Thắng vốn là người gốc phố cổ Hà Nội. Năm nay đã 81 tuổi nhưng thầy không về hưu mà xin nhà trường ở lại trong khu nội trú dành cho học sinh khiếm thị của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội).

Tại đây, thầy đảm nhiệm vai trò là một tư vấn viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những học sinh khiếm thị, tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề cho các em.

Chuyện một người thầy già không chịu về hưu, sống trong ký túc xá để bầu bạn với học sinh khiếm thị ở Hà Nội - Ảnh 1.

Thầy Thắng khoác tay một học trò cũ đi tản bộ ôn lại kỷ niệm xưa.

Ở tuổi này, thầy cũng chẳng khác mọi người, tay không còn nắm được chặt nữa, mắt cũng chẳng nhìn được xa và chiếc gậy gỗ là người bạn luôn thường trực. Trong căn phòng nhỏ chừng 10m2 của thầy chỉ có vài vật dụng đơn sơ, một chiếc giường, một tủ quần áo và một bàn làm việc.

Tốt nghiệp đại học Sư Phạm Hà Nội từ năm 1960, thầy Thắng được phân công lên miền núi giảng dạy. Hồi đó, các giáo viên thủ đô thường được phân công đi vùng sâu vùng xa công tác 3 năm rồi lại quay về thành phố.

27 năm gieo con chữ, "quên" cả lập gia đình

Lên vùng Lạng Sơn, thầy sống hòa mình vào tiếng reo của thác núi, gió ngàn. Chuyện đi bộ vượt đèo chục cây số đến nhà vận động học sinh đi học là công việc thường nhật. Vẫn còn trẻ em chưa được đến trường, lòng thầy vẫn trăn trở không yên, để rồi 27 năm sau, khi chân không còn đủ sức trèo qua những con đèo thầy mới xin quay về thành phố.

Suốt 27 năm gieo con chữ nơi biên viễn, thầy Thắng "quên mất" chuyện lập gia đình. Năm 1987 quay về thành phố lúc đó mắt cũng đã kém lắm rồi, thầy quyết định xin vào trường khiếm thị Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục công tác.

"Vào đây tôi không làm công tác giảng dạy mà chăm lo cho cuộc sống các em trong khu ký túc xá nội trú của trường. Đồng bệnh tương liên, tôi và các em đều là những người khiếm thị, tâm tư tình cảm và những khó khăn trong cuộc sống có nhiều nét tương đồng, rất dễ sẻ chia", thầy Thắng nói.

Hơn 30 năm ở đây, niềm vui của thầy là được gặp các em học sinh khiếm thị, được nghe các em chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, được động viên khích lệ các em vượt qua nghịch cảnh để vươn lên, đó là công việc và cũng là lý do để thầy gắn bó với mái trường này.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện có hơn 170 học sinh khiếm thị, trong đó có hơn 100 em ở nội trú trong khu ký túc xá của trường. Các em là những mảnh đời khiếm khuyết, nhà xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

Ở đây, các em coi thầy là người anh, người cha. Có những chuyện các em chỉ đến tâm sự với mình thầy, có những lúc vui buồn các em cũng chỉ tìm thầy để chia sẻ. Suốt bao nhiêu thế hệ học trò, có người bây giờ đã lên chức ông, chức bà nhưng trong họ hình ảnh của thầy vẫn gần gũi, thân thương.

Chuyện một người thầy già không chịu về hưu, sống trong ký túc xá để bầu bạn với học sinh khiếm thị ở Hà Nội - Ảnh 2.

Học trò cũ tề tựu về thăm thầy nhân ngày 20/11.

"Ở đây không giống như các ngôi trường khác chỉ giáo dục cho các em nhân cách, đạo đức và kiến thức. Ngôi trường này còn phải làm một chức năng là xóa đi sự tự ti, mặc cảm cố hữu trong lòng các em, để các em tự tin rằng mình là một thành viên bình đẳng trong xã hội.

Một ngôi trường phổ thông nhưng phải kiêm thêm chức năng hướng nghiệp và dạy nghề cho các em. Đối tượng giáo dục lại là các học sinh khiếm thị, vì thế công việc giảng dạy rất khó khăn, vất vả.

Chuyện một người thầy già không chịu về hưu, sống trong ký túc xá để bầu bạn với học sinh khiếm thị ở Hà Nội - Ảnh 3.

Ngôi trường học và dạy bằng những con chữ nổi dành cho người khiếm thị.

Để các em có ý thức bình đẳng, xóa bỏ tự ti thì phải cho các em thấy giá trị của bản thân mình. Gía trị bản thân không gì chân thực hơn là việc sống có ích, làm ra kinh tế. Hồi đầu trường cũng tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống như đan lát, bện thừng, làm tăm…, nhưng những nghề đấy trong cuộc sống hiện tại rất khó tồn tại, vì thế trường đã chuyển hướng.

Dạy cho các em những nghề nghiệp phù hợp với kỹ năng và khả năng của chính các em. Các em khiếm thị nhưng tư duy chẳng khác những người khác, khả năng diễn thuyết cũng không thua kém những người bình thường, đặc biệt là đôi tay vẫn thao tác uyển chuyển", thầy Thắng tâm sự.

Đến nay, nhiều lứa học sinh khiếm thị đi ra từ mái trường này đã trưởng thành và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Những gương mặt tiêu biểu có thể kể đến như thủ khoa đại học Sư phạm Đào Thu Hương (một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2010); Hiệp sĩ mù Khúc Hải Vân (Hiệp sĩ công nghệ thông tin); vận động viên không chuyên Nguyễn Huy Việt (người khiếm thị đầu tiên của Việt Nam chinh phục được chặng đường bán Marathon 21km đường đèo Hà Giang hiểm trở)…

Những đứa con quay về

Và những lứa học sinh ấy, cất cánh bay ra khỏi cổng trường, rời khu nội trú những đầu hè, rồi cuối thu, không ai hẹn, không ai nhắc, họ tề tựu về đây đông đủ để thằm thầy, thăm trường, ôn lại kỷ niệm cũ.

Những học trò ở Lạng Sơn nơi thầy từng công tác hay những học trò khiếm thị đi ra từ mái trường này. Họ đến cùng với vợ chồng, con cái, thậm chí có nhiều người mang cả cháu đến thăm thầy cũ.

Chuyện một người thầy già không chịu về hưu, sống trong ký túc xá để bầu bạn với học sinh khiếm thị ở Hà Nội - Ảnh 4.

Các "cháu nội, cháu ngoại" về thằm ông giáo già.

"Chào ông nội đi con", một học trò cũ dẫn con gái nhỏ về thăm thầy. Một gia đình, rồi 2, 3 gia đình khác, người bảo con chào ông nội, người bảo con chào ông ngoại, căn phòng nhỏ trở nên râm ran khác hẳn mọi ngày.

Mọi người nhân dịp về thăm thầy để hội ngộ, để hàn huyên và để cùng nhau ăn một bữa cơm thân mật như ngày còn ở nội trú. Tất cả quây quần ấm áp bên người thầy, người cha yêu quý.

Chị Linh (SN 1993), một học sinh từng học ở trường từ lớp 2 đến lớp 9 cùng về đây thăm thầy Thắng nhân dịp 20/11 chia sẻ: "Nói về kỷ niệm với thầy, với trường thì dường như ít lắm vì cuộc sống thường không biến cố gì đặc biệt. Đối với những người như chúng tôi, cuộc sống rất ít hình ảnh và sắc màu. Kỷ niệm thầy trò chỉ là những lời động viên an ủi, những sự đồng cảm sẻ chia. Nó như mạch nước chảy đều ngấm dần ngày này qua ngày khác, rất nhẹ nhưng rất sâu, khó diễn tả lại được".

Chuyện một người thầy già không chịu về hưu, sống trong ký túc xá để bầu bạn với học sinh khiếm thị ở Hà Nội - Ảnh 5.

Thầy trò cùng ăn bữa cơm thân mật và hàn huyên chuyện cũ.

Suốt quãng thời gian công tác thầm lặng của mình, thầy Thắng đã nhận được nhiều bằng khen, huân huy chương do Đảng và nhà nước ban tặng trong đó có bằng khen do đích thân Thủ tướng chính phủ trao tặng ghi nhận những cống hiến của thầy vì sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Nhưng trên hết mọi danh hiệu, niềm vui, món quà lớn nhất của cuộc đời thầy là nụ cười, là sự tự tin, là là sự trưởng thành của những thế hệ học sinh bước ra từ mái trường này.

Cũng vì những lẽ đó, ở tuổi xế chiều người thầy vẫn không cho mình nghỉ, vẫn tiếp tục cố gắng, học tập và sẻ chia, mong ước có nhiều hơn những niềm vui và ít đi những mặc cảm trong ngôi trường của những con chữ nổi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày