Cô bé "hoa hướng dương"…
Cô bé "hoa hướng dương" là cái tên dễ thương mà nhiều người thường gọi Huỳnh Thị Lộc (SN 1998, quê xã Quế Thọ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam), thí sinh đặc biệt nhất tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Clip: Nữ sinh khiếm thị 12 năm ăn mì tôm nuôi ước mơ thành luật sư. Thực hiện: Hà Nam
Gặp Lộc trong căn phòng trọ bé bằng cái lỗ mũi ở phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng), cô bé "hạt tiêu" khiến tôi ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi nụ cười tỏa nắng cùng cách ăn nói thật thà, lễ phép.
Đôi mắt bị di tật từ nhỏ nên mỗi lần đọc chữ, Lộc phải để sát quyển sách vào mắt nhìn như đang "ngửi chữ".
Đang ăn vội bát mì tôm sau khi kết thúc ngày thi thứ 2, thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, Lộc liền cười tươi chia sẻ: "Do không có tiền, phần vì mắt không thấy được như người khác nên những lúc nấu ăn thì em thường bị dao cắt đứt tay và cũng khó phân biệt được thức ăn khi nào chín nên để tiết kiệm, hằng ngày em thường ăn mì tôm. Ai cũng bảo ăn mì tôm mãi sao sống nỗi, nhưng em ăn mãi cũng quen rồi, suốt chục năm nay ngày nào em cũng ăn mì tôm cả".
Lộc kể, số phận đã không mỉm cười với em khi sinh ra đã bị khiếm thị. Ngày em cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc mẹ bỗng nhiên phát bệnh tâm thần. Cả nhà 6 miệng ăn và tiền thuốc thang của mẹ đều đổ dồn lên đôi vai của cha. Năm lên 7 tuổi, cha mang em ra trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu, TP Đà Nẵng để gửi. Từ đó, sống xa gia đình, một mình Lộc quyết tâm theo đuổi con chữ.
Sáng ngửi chữ, chiều bán hoa…
Mắt trái bị hư hoàn toàn, mắt phải mờ nhòe khiến việc đọc chữ của Lộc gặp nhiều khó khăn. Để đọc viết được, Lộc phải cúi sát mặt xuống bàn. Thua thiệt bạn bè đồng môn về đủ thứ, thế nhưng suốt 12 năm học, Lộc luôn đạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Trong kỳ thi THPT năm nay, Lộc đăng ký thi khối C vào ngành Luật của trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ của mình.
Sống xa gia đình từ năm 7 tuổi, từ nhỏ Lộc đã tự lập để nuôi bản thân ăn học
Điều khiến tôi cảm phục hơn là suốt ba năm học cấp 3, hằng ngày sau giờ học, Lộc lại tự mình làm hoa nhựa, gấp hạt giấy, ngôi sao để mang bán kiếm tiền tự trang trải việc học. Sống xa gia đình từ nhỏ nên mọi sinh hoạt cá nhân đều do Lộc tự lập. Để tiết kiệm tiền, hằng ngày Lộc chỉ ăn cơm vào mỗi tối còn buổi trưa và sáng hầu hết đều ăn mì tôm để cầm đói.
Vừa ăn xong bát mì tôm, Lộc lại mò mẫm cầm bộ áo dài đi giặt để chuẩn bị cho buổi thi quyết định vào ngày mai. Nghe cô bạn đi cùng tôi thắc mắc sao không mặc quần tây áo trắng đi thi cho gọn, Lộc bộc bạch: "Em không có quần tây áo trắng. Đúng hơn là em có một bộ may từ hồi lớp 10 đến giờ nhưng do cũ với chật quá nên cả năm học vừa qua em chỉ mặc bộ áo dài được một người bạn cho này thôi. Với lại có một bộ áo dài này mặc là may lắm rồi chứ mua quần tây áo trắng gì cho tốn tiền…".
Nói về kỳ thi quan trọng, Lộc tự tin chia sẻ, những ngày qua em đều làm bài được khoảng 70%. Đặc biệt, với 3 môn Văn, Sử, Địa thì em rất tự tin về khả năng của mình vì em đã nắm kỹ kiến thức ngay từ đầu năm học lớp 12. Tuy nhiên, điều khiến Lộc lo lắng là do đôi mắt bị khiếm thị nên việc đọc đề và làm bài của em rất chậm, nhất là khi phải dùng atlat ở môn Địa lý bởi chữ rất nhỏ.
Hằng ngày sau giờ học, Lộc lại gấp ngôi sao, làm hoa giấy... để bán kiếm tiền.
Mặc dù khuyết tật đôi mắt nhưng chữ viết của Lộc rất đẹp...
Chia tay cô bé "hoa hướng dương" ra về khi em đang tất tả mang "đồ nghề" ra gấp ngôi sao giấy để kịp giao đúng hẹn cho khách, xe lăn bánh mà trong tâm trí tôi vẫn còn đọng lại mãi những câu hát yêu đời của em "Mặc đường dài chông gai, tôi vẫn không lùi bước. Từng ngày lặng thầm trôi, dù đời kia hờ hững, lòng tôi luôn vững tin vươn tới. Ước mơ tôi, tương lai tôi, luôn rực cháy niềm tin mỗi ngày…".