UBND phường Hòa Xuân (TP Đà Nẵng) vừa có báo cáo gửi Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Công an thành phố về kết quả kiểm nghiệm mẫu bún được người dân phản ánh đổi màu từ trắng sang đỏ.
Theo đó, kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 cho thấy mẫu bún có chứa nhiều nấm men, nấm mốc (vi sinh vật) do sau chế biến thực phẩm không được sử dụng hoặc bảo quản không đúng cách, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển.
Bún chuyển sang màu đỏ sau vài giờ mua ở chợ. (Ảnh: Đ.N)
Đơn vị kiểm nghiệm nhận định, trong mẫu có thể có các loại nấm, vi khuẩn có sắc tố màu đỏ đã tạo ra màu trong bún, như chủng loại nấm Monascus purpureus, vi khuẩn Serratia marcescens tạo sắc tố màu đỏ.
Qua kiểm tra, vi sinh vật có thể bị nhiễm vào mẫu bún trong quá trình chế biến hoặc trong quá trình bảo quản không phù hợp, thời gian bảo quản bún qua nhiều giờ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Do vậy sắc tố đỏ có trong mẫu bún theo phản ánh là do quá trình lên men tự nhiên, phát triển của nấm mốc.
Ngoài ra, cơ quan thử nghiệm không phát hiện tồn dư hóa chất nào khác có trong mẫu bún.
Trước đó, sáng 6/7, bà V.T.L. (trú phường Hòa Xuân) cùng chồng ra chợ Hòa Châu mua 15.000 đồng bún từ một quầy bún quen về ăn trưa và để lại một phần cho con trai. Phần bún chưa dùng đến được bà đặt trong rổ nhựa, để nơi khô thoáng.
Tuy nhiên, đến khoảng 21h cùng ngày, khi bà lấy ra cho con ăn thì phát hiện nhiều sợi bún đã chuyển sang màu đỏ, mềm và hơi ướt. Đến sáng 7/7, toàn bộ phần bún còn lại đều đổi màu và khi bỏ vào nước lọc thì nước cũng chuyển sang màu đỏ.
UBND phường Hòa Xuân đã vào cuộc và xác định số bún trên được cung cấp từ cơ sở sản xuất H.M trên địa bàn. Phường đã yêu cầu cơ sở tạm dừng sản xuất từ ngày 8/7 đồng thời lấy mẫu bún đi kiểm nghiệm.
Qua kiểm tra ban đầu, cơ sở H.M có giấy phép kinh doanh nhưng giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực. UBND phường yêu cầu cơ sở chỉ được phép hoạt động trở lại sau khi có kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu và được cơ quan chức năng cho phép.