Bức ảnh khoả thân, 300 triệu đồng và lời đe doạ nổi da gà gửi ông bố ở Hà Nội: Nhanh lên bố mẹ ơi, hãy dạy con cái ngay những điều này!

Hiểu Đan, Theo Đời sống & Pháp luật 11:51 27/07/2025
Chia sẻ

Tôi không còn đủ can đảm để tự trấn an rằng: "Chuyện đó không xảy ra với con mình đâu".

Một ngày cuối tháng Bảy, tôi giật mình khi đọc thông tin trên báo chí về việc một nữ sinh Hà Nội sinh năm 2007 suýt trở thành nạn nhân của đường dây lừa đảo tinh vi. Em bị kẻ gian dụ dỗ, thao túng tâm lý đến mức tự quay clip khỏa thân theo yêu cầu "kiểm tra ma túy" rồi bị tống tiền. Cũng cùng thời điểm ấy, một bé gái lớp 6 ở Cầu Giấy bị nghi dụ sang nước ngoài, may sao cuối cùng lực lượng chức năng đã kịp giải cứu.

Tôi không còn đủ can đảm để tự trấn an rằng: "Chuyện đó không xảy ra với con mình đâu". Thế giới mạng tưởng chừng chỉ là nơi giải trí và học hành, giờ đây lại trở thành một ma trận với hàng nghìn cánh cửa dẫn đến hiểm họa. Và nạn nhân, rất nhiều khi chính là những đứa trẻ ngây thơ, ngoan ngoãn, nghĩ mình đủ lớn để tự xử lý mọi chuyện.

Bức ảnh khoả thân, 300 triệu đồng và lời đe doạ nổi da gà gửi ông bố ở Hà Nội: Nhanh lên bố mẹ ơi, hãy dạy con cái ngay những điều này!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Chiếc bẫy công nghệ và đòn thao túng tinh thần

Vụ việc nữ sinh 2007 bị lừa đảo tinh vi diễn ra chỉ trong vòng vài tiếng. Kẻ xấu giả danh công an, nói rằng căn cước công dân của em bị lợi dụng để rửa tiền. Chúng yêu cầu em hợp tác điều tra, cung cấp toàn bộ tài khoản mạng xã hội rồi xóa đi, chỉ giữ lại Zoom để "liên lạc nội bộ".

Tiếp đó, chúng bắt em vào nhà nghỉ một mình, nói rằng cần không gian riêng để "điều tra". Qua Zoom, gã đàn ông mặc sắc phục công an bắt em cởi quần áo, giả vờ kiểm tra hình xăm và đặc điểm nhận dạng, rồi bí mật ghi lại clip. Ngay sau đó, clip được gửi về Zalo bố em cùng yêu cầu chuyển 300 triệu nếu không muốn bị phát tán.

May mắn, người cha nhanh chóng đến công an trình báo. Trong chưa đầy hai giờ, lực lượng chức năng xác định được nơi em đang ở và kịp thời giải cứu, trước khi đoạn video trở thành nỗi ám ảnh suốt đời.

Không ai bắt cóc, nhưng con vẫn bị "giam lỏng"

Thực tế, em không bị trói, không bị giam cầm nhưng lại bị điều khiển hoàn toàn về tinh thần. Trong căn phòng chỉ có em và chiếc điện thoại, nhưng em tin rằng mình đang làm việc với công an thật. Em tự thuê nhà nghỉ, tự "hợp tác điều tra", tự im lặng không báo với bố mẹ… Tất cả vì bị thao túng bằng nỗi sợ hãi: nếu không làm theo, sẽ bị bắt vì rửa tiền.

Bức ảnh khoả thân, 300 triệu đồng và lời đe doạ nổi da gà gửi ông bố ở Hà Nội: Nhanh lên bố mẹ ơi, hãy dạy con cái ngay những điều này!- Ảnh 2.

Tin nhắn đe doạ gửi ông bố

Tôi đọc đến đoạn này mà run tay. Con tôi cũng đang học cấp 3, cũng có điện thoại, cũng biết cách tải Zoom và… cũng thường nghĩ mình đủ lớn để tự quyết định.

Còn bé gái sinh năm 2012, học lớp 6 ở Cầu Giấy, cũng mất tích sau khi rời nhà tối 23/7. 

Một đứa trẻ lớp 6. Một đứa trẻ sinh năm 2007. Đó có thể là con bạn, hoặc con tôi.

Dạy con thời nay: Không chỉ là ngoan, mà còn phải biết tự bảo vệ mình

Là cha mẹ, chúng ta có thể kiểm soát con đến đâu? Khi con cầm chiếc điện thoại trong tay, khi cánh cửa Internet mở ra, liệu có tường lửa nào đủ mạnh để ngăn được những kẻ biết nói lời ngọt ngào, biết cách giả danh, biết gieo nỗi sợ vào tâm trí non nớt?

Tôi nhận ra, điều con cần học, không chỉ là điểm số hay tiếng Anh. Con cần học cách nhận diện nguy hiểm, từ chối lời mời lạ, hoài nghi những yêu cầu bất thường kể cả khi nó đến từ một "chú công an" trên Zoom. Con cần hiểu rằng: mọi vấn đề, dù to hay nhỏ, đều có thể và nên chia sẻ với cha mẹ. Không có gì đáng sợ hơn là sự im lặng khi con nghĩ mình đủ khôn ngoan để xử lý.

Không ai miễn nhiễm. Và không ai có thể bảo vệ con tốt hơn chính cha mẹ.

Tôi bắt đầu dạy con các quy tắc: Không gửi ảnh nhạy cảm. Không gặp người lạ không có người lớn đi cùng. Không tự thuê phòng khách sạn. Không giữ bí mật với gia đình nếu ai đó bảo "đừng kể với bố mẹ". Tôi không ngại nói thẳng về những thủ đoạn đang có ngoài đời, dù đau lòng, để con tôi không phải biết đến điều đó bằng chính trải nghiệm tồi tệ của mình.

Kẻ lừa đảo ngày nay không cần xuất hiện ngoài đời. Chúng mặc sắc phục ảo, thao túng từ xa, dựng lên một thế giới giả tưởng mà trẻ em và thậm chí cả người lớn đều dễ sa chân nếu không đủ tỉnh táo.

Đã đến lúc, việc dạy con "cảnh giác với người lạ" phải được cập nhật theo thời đại mới: kẻ xấu không còn đứng ở cổng trường, mà có thể chỉ cách con một cuộc gọi Zoom.

Là mẹ, tôi không còn dám yên tâm khi con "chỉ ở trong phòng với cái điện thoại".

Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ, chuyện này là hi hữu. Nhưng với tôi, chỉ một trường hợp cũng là quá nhiều. Những cạm bẫy ngoài kia đang giăng đầy trên môi trường mạng và những đứa trẻ của chúng ta là con mồi lý tưởng.

Hãy trò chuyện với con mỗi ngày. Hãy dạy con kỹ năng sinh tồn trên Internet, giống như cách cha mẹ ngày xưa dạy con đi đường phải nhìn trước ngó sau.

Thời đại thay đổi rồi. Và nếu chúng ta không thay đổi cùng, rất có thể chính tay chúng ta sẽ đẩy con vào nơi nguy hiểm nhất: một thế giới không có lời cảnh báo.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày