Một trong những yếu tố khiến trẻ ăn ngoan ở trường là vì được ăn cùng các bạn. Khi xung quanh ai cũng tập trung ăn, trẻ có xu hướng bắt chước và “chạy đua” với bạn. Bữa ăn ở lớp giống như một hoạt động vui vẻ, có sự cổ vũ nhẹ nhàng của cô, có tiếng cười, có luật chơi ngầm: ăn nhanh thì được chơi trước!
Còn ở nhà, nếu con ăn một mình, không khí yên ắng hoặc thiếu sự đồng điệu, trẻ sẽ mất tập trung, sinh chán ăn.
Gợi ý cho mẹ: Hãy thử biến bữa ăn thành khoảng thời gian gắn kết của cả nhà: cùng ngồi ăn, trò chuyện nhẹ nhàng, không ti vi, không điện thoại. Con thấy ăn là “điều ai cũng làm”, sẽ dễ hợp tác hơn rất nhiều.
Cô giáo thường có nguyên tắc rõ ràng: đến giờ là ăn, hết giờ thì cất; không ăn rong, không xem điện thoại, không đổi món tùy thích. Trẻ vì thế học được sự tập trung và tính kỷ luật trong ăn uống.
Ở nhà, nhiều mẹ lại vì thương con mà dỗ dành quá mức, chiều theo khẩu vị của trẻ, thậm chí để con ăn kéo dài cả tiếng đồng hồ (Ảnh minh họa)
Ở nhà, nhiều mẹ lại vì thương con mà dỗ dành quá mức, chiều theo khẩu vị của trẻ, thậm chí để con ăn kéo dài cả tiếng đồng hồ. Lâu dần, trẻ sẽ không còn giữ thói quen tốt như ở lớp.
Gợi ý cho mẹ: Không cần quá nghiêm khắc, nhưng nên đặt giới hạn rõ ràng. Ví dụ: “Mình ăn trong vòng 30 phút nhé, hết giờ là mình cất đồ ăn nha con”. Nhẹ nhàng nhưng kiên định sẽ giúp con hình thành nề nếp tốt hơn.
Các cô giáo mầm non được đào tạo để biết cách động viên, gợi mở trong bữa ăn: “Ồ, hôm nay con ăn món rau giỏi quá!”, “Ai ăn nhanh là được chọn truyện nghe đầu giờ nhé!”. Những lời khen nhỏ đúng lúc giúp trẻ cảm thấy tự hào và có động lực.
Trong khi đó, ở nhà, đôi khi mẹ vô tình trách móc: “Sao con ăn chậm thế!”, “Con lại làm đổ cơm rồi!”, hoặc so sánh với bạn khác. Điều này dễ khiến trẻ tự ti và giảm hứng thú ăn uống.
Gợi ý cho mẹ: Thay vì chê bai hay áp lực, hãy khen con vì những cố gắng nhỏ: “Hôm nay con thử món mới giỏi quá!”, “Con tự xúc được 5 thìa rồi đấy!”. Sự ghi nhận nhẹ nhàng luôn có sức mạnh lớn.
Một lý do rất đơn giản: ở trường, trẻ được vận động nhiều, chạy nhảy, chơi đùa tiêu hao năng lượng, đến giờ ăn là con đói bụng thực sự. Trong khi đó, ở nhà có thể con vừa ăn vặt, vận động ít, hoặc được mẹ cho ăn khi chưa kịp đói.
Hãy kiểm soát lượng đồ ăn vặt trong ngày để không làm con “no giả”. (Ảnh minh họa)
Gợi ý cho mẹ: Đừng ép con ăn đúng giờ máy móc. Hãy để con đói một chút rồi mới ăn bữa ăn sẽ suôn sẻ hơn. Ngoài ra, hãy kiểm soát lượng đồ ăn vặt trong ngày để không làm con “no giả”.
Nếu con ăn ngoan ở lớp mà về nhà lại “khó chiều”, đừng vội buồn hay tự trách. Điều đó chỉ đơn giản cho thấy: con đang phản ứng với sự khác biệt trong môi trường ăn uống. Với sự quan sát tinh tế, điều chỉnh nhẹ nhàng và nhiều tình yêu thương, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp con xây dựng lại thói quen ăn uống tích cực ngay trong căn bếp của gia đình mình.