Bẫy tuyển sinh: Điểm sàn thấp nhưng điểm chuẩn lại cao chót vót

Kim Nhung/VTC News, Theo VTC News 11:06 27/07/2025
Chia sẻ

Chuyên gia khuyến cáo thí sinh không nên chọn ngành, trường chỉ vì điểm sàn thấp mà cần cân nhắc kỹ năng lực, sở thích để tránh ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển.

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 200 trường đại học trên cả nước công bố điểm sàn xét tuyển 2025 với mức giảm mạnh.

Đơn cử, Đại học Nông Lâm TP.HCM, điểm sàn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 16 điểm, giảm từ 1-6 điểm so với năm 2024 ở tất cả các ngành đào tạo. Trong đó, ngành Thú y có mức giảm mạnh nhất, từ 22 xuống còn 16 điểm.

Đại học Công Thương TP.HCM xét tuyển từ 16 điểm cho các ngành đào tạo; riêng ngành Luật, Luật Kinh tế là 18 điểm. Mức điểm sàn này giảm 1-4 điểm so với năm trước, tập trung chủ yếu ở một số ngành thuộc lĩnh vực Quản lý, kinh tế, Dịch vụ, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ.

Các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM lấy điểm sàn từ 15-24 điểm. So với năm ngoái, điểm sàn hầu hết ngành giảm. Trong đó, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc tế, Đại học Kinh tế - Luật ghi nhận mức giảm phổ biến là 1-2 điểm.

Đại học Khoa học Tự nhiên có mức sàn giảm mạnh nhất. Nhóm ngành công nghệ mũi nhọn của trường như Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo lấy điểm sàn là 20, giảm 4 điểm so với năm ngoái. Riêng ngành Khoa học dữ liệu, giảm từ 24 xuống 18 điểm.

Loạt trường đào tạo khối ngành Y Dược top đầu như Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y Dược Thái Bình, Đại học Y Dược Hải Phòng cũng ghi nhận mức giảm điểm sàn xét tuyển từ khoảng 1,5-2 điểm so với năm ngoái, tùy từng ngành đào tạo.

Bẫy tuyển sinh: Điểm sàn thấp nhưng điểm chuẩn lại cao chót vót- Ảnh 1.

Trường đại học hạ điểm sàn, thí sinh cẩn trọng đặt nguyện vọng tránh trượt oan. (Ảnh minh hoạ)

Theo ThS. Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TP.HCM, thí sinh không đặt toàn bộ niềm tin vào điểm sàn vì điểm chuẩn có thể sẽ cao hơn nhiều so với điểm sàn.

Ông Sơn cho hay, điểm sàn là mức điểm tối thiểu mà thí sinh cần đạt được để được xét tuyển vào ngành/trường đó, không đồng nghĩa với điểm trúng tuyển (hay còn gọi là điểm chuẩn). Thực tế, điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn từ 1-2 điểm hoặc cao hơn nhiều, tùy theo lượng thí sinh đăng ký và chỉ tiêu từng ngành.

“Một số trường top giữa hoặc top trên có thể hạ điểm sàn nhằm mở rộng đối tượng xét tuyển, nhưng vẫn giữ điểm chuẩn cao tương đương các năm trước. Vì vậy, thí sinh không nên thấy điểm sàn thấp mà đăng ký bừa vào các ngành, trường không phù hợp với năng lực, sở thích, chỉ vì nghĩ sẽ dễ đậu”, ông Sơn nhấn mạnh.

Vị này cũng đưa ra lời khuyên, các thí sinh không nên chủ quan với ngành/trường có điểm sàn thấp, vì mức điểm sàn thấp có thể thu hút quá đông thí sinh dẫn đến điểm chuẩn bị đẩy lên cao đột biến. Thí sinh cần theo dõi sát dữ liệu tuyển sinh, đối chiếu điểm sàn và điểm chuẩn các năm trước để có đánh giá thực tế về xu hướng ngành và khả năng trúng tuyển.

“Thí sinh nên ưu tiên tiếp cận thông tin chính thống từ các trường đại học, Bộ GD&ĐT và đội ngũ tư vấn tuyển sinh, thay vì tin vào lời đồn hoặc chia sẻ chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội”, ông Sơn lưu ý.

Về chiến lược đặt nguyện vọng xét tuyển đại học nhằm tăng cơ hội trúng tuyển, ThS Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Ngoại thương lưu ý 3 nguyên tắc:

Thứ nhất, khi đặt nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT cần chia ra thành ba nhóm khác nhau: Nhóm ưu tiên dành cho những ngành mà mình yêu thích nhất, dù điểm chuẩn các năm trước cao hơn. Nhóm tiếp theo dành cho những ngành thường có điểm chuẩn tương đương, hoặc chênh khoảng 1 điểm. Cuối cùng là nhóm an toàn, thường lấy đầu vào thấp hơn điểm của thí sinh.

Thứ hai, do hệ thống không giới hạn số lượng nguyện vọng, thí sinh không nên đặt quá ít.

Thứ ba, không nên tập trung nguyện vọng vào một trường duy nhất. Nếu thí sinh yêu thích khối ngành Kinh tế - Kinh doanh, có thể đặt vào các nhóm trường top đầu, top giữa và thấp hơn nhằm tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học đến 17h ngày 28/7. Tất cả nguyện vọng xét tuyển của thí sinh vào trường đại học sẽ được xử lý trên hệ thống, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm điều kiện trúng tuyển.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày