Mới đây trên nền tảng Threads, một chàng trai đã đăng tải bức ảnh chia sẻ về câu chuyện áo sơ mi "bẹo hình bẹo dạng", hút hơn 200.000 lượt xem và khiến cộng đồng mạng được phen cười nghiêng ngả.
Chuyện là anh chàng này đã mua một chiếc áo sơ mi kẻ sọc giá khoảng 200.000 đồng. Áo có thiết kế đan lưới thời thượng, trông cực kỳ cá tính và thời trang. Cứ tưởng đây sẽ là một item lý tưởng để lên đồ, nhưng "bi kịch" xảy ra ngay sau lần giặt đầu tiên: từ một chiếc áo rộng rãi thoải mái, nó bỗng co rút lại thành... size tí hon, vô tình khiến diện mạo người mặc thay đổi 180 độ.
Dòng trạng thái "than trời" đầy bất lực của chủ nhân bài đăng càng khiến dân mạng cười lăn lộn: "Trời quơi, mua cái áo mới mặc được 1 lần, giặt xong nó co ro luôn. Áo này chắc mua về không dám giặt".
Hiện, bức ảnh này đang "viral" khắp cõi mạng, netizen cho rằng chiếc áo sơ mi đã "lấy nước mắt" của 1 người và đem đến tiếng cười cho 200.000 người!
Chân dung chiếc áo sơ mi đan lưới giá 200.000 đồng khiến cả cõi mạng cười nghiêng ngả
Dưới phần bình luận của bài đăng, cộng đồng mạng hào hứng "hùa theo" câu chuyện dở khóc dở cười của anh chàng. Nhiều người dí dỏm cho rằng đây đích thị là món đồ "mua 1 được 2" dành cho phái nam - vì mặc một lần rồi giặt xong sẽ thành "áo em bé", chuyển giao luôn cho vợ hoặc bạn gái mặc tiếp, vừa tiết kiệm lại vừa hợp tình hợp lý!
Quay trở lại với áo sơ mi "bẹo hình bẹo dạng", được biết nguyên nhân khiến món đồ này từ size người lớn biến thành size em bé là do 2 sai lầm kinh điển trong việc giặt giũ: anh chàng đã cho áo vào máy giặt rồi tiếp tục bỏ vào máy sấy.
Được biết, đây là cách giặt "tối kỵ" với các sản phẩm sử dụng chất liệu sợi len hoặc thiết kế đan lưới. Bởi nhiệt độ cao trong máy sấy và lực xoay trong máy giặt sẽ dễ khiến sợi vải bị co lại, làm xù lông hoặc biến dạng phom dáng.
Để giữ áo bền đẹp, cách giặt đúng là giặt tay nhẹ nhàng và để khô tự nhiên ở nơi thoáng mát. Tránh vắt mạnh hoặc phơi dưới nắng gắt, vì chỉ khi được chăm sóc đúng cách, chiếc áo mới giữ được phom và sử dụng lâu dài.
Từ câu chuyện về chiếc áo sơ mi, chúng ta cũng rút ra được một bài học quen mà không cũ: Giặt quần áo đúng cách chắc chắn sẽ giúp trang phục giữ dáng, bền màu và sử dụng lâu dài hơn.
Vậy nên, sau đây là một vài tips giặt sấy cơ bản cho từng loại vải mà bạn nên biết.
1. Vải cotton (100%)
Cotton là loại vải phổ biến và dễ chăm sóc, nhưng cũng dễ bị co nếu xử lý không đúng cách. Bạn có thể giặt cotton bằng máy, nên sử dụng nước lạnh hoặc nước ấm không quá 40°C để tránh co rút. Tránh dùng nước nóng, và đặc biệt không nên sấy ở nhiệt độ cao vì sợi cotton tự nhiên sẽ co lại sau khi gặp nhiệt. Khi phơi, nên treo ở nơi thoáng gió, tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng gay gắt để hạn chế tình trạng bạc màu. Nếu muốn giữ phom dáng áo quần lâu dài, tốt nhất là lộn trái trước khi giặt và phơi.
2. Vải len (wool)
Len là chất liệu ấm áp, mềm mại nhưng cực kỳ "nhạy cảm" với nhiệt độ và lực giặt. Loại vải này không nên giặt bằng máy, vì lực xoay và ma sát sẽ khiến sợi len bị xù, rối hoặc thậm chí co rút mạnh. Cách giặt tốt nhất là giặt tay nhẹ nhàng với nước lạnh hoặc nước mát, sử dụng loại nước giặt chuyên dụng cho đồ len. Sau khi giặt, không nên vắt mạnh mà chỉ ép nhẹ cho ráo nước, sau đó đặt áo len nằm ngang trên một chiếc khăn để phơi khô tự nhiên. Treo lên sẽ khiến len bị chảy, mất dáng.
3. Vải polyester và sợi tổng hợp
Polyester là loại vải nhân tạo rất bền, dễ giặt và ít nhăn, do đó bạn hoàn toàn có thể giặt bằng máy mà không lo vải bị biến dạng hay co rút. Vải này có thể giặt ở nước lạnh hoặc nước ấm nhẹ, và chịu được sấy ở nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, để giữ độ bền và màu sắc lâu dài, bạn vẫn nên tránh giặt ở nhiệt độ quá cao hoặc sấy quá lâu. Với polyester pha cotton, cần kiểm tra nhãn mác vì có thể bị ảnh hưởng bởi đặc tính co rút của cotton.
4. Vải lụa (silk)
Lụa là loại vải cao cấp, mỏng nhẹ và có độ bóng tự nhiên nhưng cũng rất "khó chiều". Bạn không nên giặt máy vì lực xoay có thể làm hỏng cấu trúc sợi tơ, dẫn đến xước vải, mất bóng hoặc co lại. Tốt nhất nên giặt tay nhẹ nhàng bằng nước lạnh, không vò mạnh và dùng nước giặt dịu nhẹ, không có chất tẩy. Khi phơi, nên treo ở nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp vì ánh sáng mạnh sẽ khiến vải nhanh phai và giòn sợi theo thời gian.
5. Vải đan lưới, ren hoặc các chất liệu mỏng như mesh
Những loại vải này có cấu trúc sợi rất mảnh và thường có độ co giãn, vì vậy rất dễ bị kéo giãn, rách hoặc biến dạng nếu giặt không đúng cách. Tốt nhất bạn nên giặt tay bằng nước lạnh, nhẹ nhàng bóp và không vắt xoắn. Nếu buộc phải giặt máy, nên cho vào túi giặt để giảm ma sát và hạn chế hư hại. Không nên cho vào máy sấy vì nhiệt độ cao có thể làm co rút và hỏng kết cấu sợi. Khi phơi, có thể treo hoặc đặt phẳng, tránh treo khi vải còn nặng nước vì sẽ làm mất form dáng.
6. Vải denim (jean)
Denim là chất liệu dày dặn và bền, nhưng vẫn cần lưu ý để giữ màu và form dáng. Bạn có thể giặt máy, tuy nhiên nên lộn trái quần áo trước khi giặt để hạn chế phai màu. Không nên giặt quá thường xuyên, vì denim càng giặt nhiều càng mất màu nhanh và mềm đi theo thời gian. Tránh dùng nước nóng để giữ vải không co rút. Khi phơi, cũng nên lộn trái và tránh phơi dưới nắng gắt. Đối với các loại quần jean raw (chưa wash), bạn nên hạn chế giặt càng ít càng tốt trong những lần đầu mặc để giữ được màu nguyên bản.