Bạn có bao giờ nghĩ, những món đồ quen thuộc trong nhà, nhìn thì sáng bóng, sạch sẽ, lại chính là “hang ổ” của vi khuẩn, chỉ chực chờ khiến cả nhà lăn ra ốm? Tôi kiểm tra nhà mình một vòng, tá hỏa khi phát hiện 10 món đồ này "rất có vấn đề".
1. Nội thất máy lọc nước
Tưởng máy lọc nước là “vị cứu tinh” cho nước sạch, ai ngờ bên trong lại là ổ vi khuẩn kinh hoàng nếu lười vệ sinh. Chỉ 3 tháng tôi không đụng tới, nước đọng đã biến nội thất thành thiên đường cho vi khuẩn, nấm mốc, thậm chí tảo xanh có thể gây nguy cơ đau bụng, tiêu chảy nếu uống nhầm.
Để xử lý, tôi đã học được mẹo pha giấm trắng với nước tỷ lệ 1:1, đổ vào nội thất máy lọc nước, ngâm 30 phút đến 1 giờ. Sau đó, dùng bàn chải mềm cọ sạch nội thất và vòi, xả nước sạch 3-5 lần đến khi hết mùi giấm. Cuối cùng lau khô hoàn toàn trước khi dùng lại, nhớ làm mỗi tháng để an tâm.
Mẹo nhỏ là nếu nhà có trẻ, lắp thêm bộ lọc UV để diệt khuẩn triệt để, không lo rủi ro.
2. Vòng đệm máy giặt
Mở cửa máy giặt ra, bạn có bao giờ để ý vòng đệm cao su đầy cặn bẩn chưa? Nơi đây ẩm ướt, cộng với cặn bột giặt, là hang ổ lý tưởng cho nấm mốc và vi khuẩn, đôi khi bẩn hơn bồn cầu gấp 10 lần. Đáng sợ là quần áo giặt trong chiếc máy giặt bẩn thì sẽ bốc mùi mốc, gây ngứa da, dị ứng.
Để xử lý vấn đề này, bạn chỉ cần lau khô vòng đệm, bôi gel khử nấm mốc (mua ở siêu thị), để 8-10 giờ, sau đó dùng khăn ẩm lau sạch nấm mốc, rửa lại bằng nước, làm mỗi tháng 1 lần là ổn.
3. Nút xả bồn cầu
Nút xả bồn cầu tuy nhỏ xíu nhưng có khả năng tích tụ vi khuẩn gấp 3-5 lần vòng ngồi vì hạt nước bắn lên khi xả có thể mang theo vi khuẩn.
Để giữ sạch, chúng ta hãy đóng nắp bồn cầu trước khi xả, chờ 15 giây rồi mở và dùng khăn ướt chứa clo (nồng độ ≥500mg/L) lau nút bấm. Hãy chú ý khe hở nhé. Và bạn chỉ cần mỗi tuần 1 lần là vi khuẩn hết đường sống.
4. Lưới lọc điều hòa
Mỗi lần bật điều hòa mà thấy mùi bụi, tôi chỉ muốn tắt ngay. Sau khi truy tìm thủ phạm, tôi phát hiện chính là lưới lọc đầy bụi, nấm mốc và vi khuẩn. Nếu kéo dài tình trạng này thì có thể gây dị ứng, viêm mũi, hoặc bệnh hô hấp cho người sử dụng.
Lời khuyên chân thành gửi đến bạn đó là nên tháo lưới, rửa bằng nước ấm và chất tẩy rửa điều hòa. Thực hiện hành động này mỗi 3 tháng, hoặc sớm hơn nếu nhà gần đường bụi. Bạn sẽ yên tâm hơn rất nhiều khi sử dụng.
5. Lưới lọc bồn rửa
Lưới lọc bồn rửa nhìn thì tưởng chỉ giữ cặn thức ăn, nhưng để lâu lại thành “nhà hàng 5 sao” cho gián, ruồi. Chưa kể nơi đây sẽ tích đầy dầu mỡ, vi khuẩn, gây mùi hôi, tắc cống, thậm chí lây khuẩn sang bát đĩa.
Tôi học được mẹo như sau: Ngâm lưới lọc bồn rửa trong dung dịch nước : chất tẩy 84 (tỉ lệ là 50:1) khoảng 10 phút, rửa sạch 3 lần rồi lau khô. Một mẹo hay ho khác bạn có thể thử đó là đổ baking soda xuống cống mỗi tuần, vừa khử mùi vừa làm tan cặn bẩn, bếp lúc nào cũng thơm.
6. Thớt cắt thịt
Thớt cắt thịt, nhất là gỗ, đầy vết dao, là “sân chơi” cho vi khuẩn Salmonella và E. coli, gây ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm trùng nếu không vệ sinh kỹ.
Muốn giữ gìn thớt sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh, bạn cần rửa thớt bằng nước lạnh để loại cặn thịt. Có thể rắc muối hạt và cọ mạnh để khử mùi và kháng khuẩn. Đừng quên việc tránh chồng thớt lên nhau. Và nên thay thớt 2 năm/lần, ưu tiên gỗ cứng như gỗ óc chó cho bền.
7. Gia vị không bảo quản lạnh
Tôi phát hiện ra chai nước tương khi không được bảo quản tủ lạnh đã trở thành "tổ nấm mốc". Nhìn mà phát hoảng. Sau khi biết điều này tôi đã rút kinh nghiệm ngay. Từ bây giờ trở đi, tôi sẽ cố gắng kiểm tra liên tục gia vị sử dụng nấu ăn. Nếu thấy vị lạ hoặc hiện tượng kết tủa nấm mốc, tất nhiên là tôi sẽ thẳng tay vứt đi liền!
8. Bát đĩa xếp khi còn ướt
Bát đĩa rửa xong, còn ướt mà xếp chồng ngay thì đúng là mời vi khuẩn đến “tiệc tùng”. Bạn có biết rằng, vi khuẩn sinh sôi gấp 100 lần sau 24 giờ gây viêm dạ dày, dị ứng. Ở đây, chúng ta phải thực hiện đúng bằng cách dùng giá phơi, để bát đĩa khô hoàn toàn trước khi cất, lau khô tủ bát mỗi tuần để tránh ẩm. Mẹo là dùng khăn microfiber lau bát trước khi cất, vừa nhanh vừa giữ bát sạch bóng nhé!
9. Bát ăn của thú cưng
Bát ăn của cún mèo nhà bạn có lớp nhớt nhớt không? Đừng tưởng đó là nước dãi, đó là màng sinh học đầy vi khuẩn, nấm, tảo, gây viêm ruột, loét miệng cho thú cưng, thậm chí lây bệnh sang người như Leptospira đấy!
Kiểm tra ngay lại nhà mình đi. Và từ giờ nhớ là phải rửa bát bằng xà phòng thú cưng và nước nóng, lau khô, ít nhất 3-4 lần/tuần, thay bát inox để dễ vệ sinh. Mẹo là đặt bát ở nơi thoáng, tránh góc ẩm, màng sinh học sẽ không có cơ hội hình thành.
10. Gối cao su dùng quá 3 năm
Tôi suýt ngất khi thấy gối cao su nhà mình bong tróc như bánh bông lan. Sau 3 năm, gối oxi hóa, tạo bụi mịn có thể gây kích ứng phổi, viêm mũi, hen suyễn (theo thông tin từ National Sleep Research Center ).
Sau chuyện này tôi đã thay đổi bản thân và lối sống. Tất nhiên việc đầu tiên là vứt ngay chiếc gối cũ này đi. Sau đó sẽ chú ý đến thời gian sử dụng gối hơn. Thay mới từ 1-2 năm là an toàn nhất!