Rửa bát là việc tưởng chừng đơn giản nhất trong căn bếp, nhưng ít ai ngờ rằng, chỉ cần chủ quan trong vài thao tác nhỏ cũng đủ khiến bát đũa không sạch như tưởng tượng, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Dưới đây là 4 sai lầm điển hình mà nhiều người vẫn vô tư lặp đi lặp lại mỗi ngày. Cùng kiểm tra xem bạn có đang mắc phải không!
1. Rửa bát 100% bằng nước lạnh
Nước lạnh có thể đủ dùng với những chén đĩa ít dầu mỡ, nhưng nếu bạn dùng hoàn toàn nước lạnh để rửa bát - đặc biệt sau những bữa ăn có nhiều món chiên xào, thì đây lại là một sai lầm.
Vì sao lại thế? Lý do rất đơn giản, bởi vì nước lạnh không đủ nhiệt để làm tan lớp dầu mỡ bám trên bát đĩa. Hậu quả là dầu mỡ không được rửa trôi hoàn toàn, tạo nên lớp màng nhờn khó thấy bằng mắt thường. Điều này không chỉ khiến bát đũa không sạch hẳn, mà còn là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển - những "kẻ thù âm thầm" ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe lâu dài.
Gợi ý giải pháp:
- Với bát đĩa nhiều dầu, nên dùng nước ấm khoảng 40-50°C để đảm bảo hiệu quả làm sạch.
- Nếu không có nước nóng trực tiếp, có thể tráng sơ bằng nước sôi hoặc ngâm trước trong nước rửa chén pha loãng trước khi rửa.
2. Không phân loại bát đũa ít bẩn - nhiều bẩn khi rửa
Một trong những lỗi rửa bát "âm thầm nhưng tai hại" đó chính là rửa lung tung không theo thứ tự, dẫn đến việc rửa mãi mà bát vẫn không sạch. Việc không phân biệt những món đồ ít bẩn và những chiếc xoong nồi dính đầy dầu mỡ sẽ khiến vi khuẩn và dầu thừa dễ dàng lây lan từ vật dụng này sang vật dụng khác.
Vậy đâu mới là thứ tự rửa bát đúng cách, bạn có thể tham khảo các bước sau đây:
- Ly, cốc, thìa đũa (ít bẩn)
- Chén bát ăn cơm
- Đĩa, khay
- Nồi, chảo (bẩn nhiều, bám dính nhiều dầu mỡ)
Mẹo nhỏ: Nếu có nhiều đồ cần rửa, bạn có thể chia ra 2 miếng rửa chén - một miếng cho bát đĩa bẩn ít, một miếng cho bát đĩa bẩn nhiều. Cách này vừa tiết kiệm thời gian, vừa tránh lây nhiễm chéo.
3. Đổ thêm nước vào chai nước rửa chén khi sắp hết
Nghe có vẻ vô hại, nhưng hành động tưởng là tiết kiệm này lại khiến việc rửa bát trở nên kém hiệu quả hơn bạn tưởng. Khi đổ thêm nước vào chai, bạn đang vô tình làm loãng các hoạt chất tẩy rửa trong nước rửa bát - dẫn đến khả năng làm sạch giảm đi rõ rệt. Ngoài ra, việc đổ thêm nước còn dễ khiến môi trường trong chai bị nhiễm khuẩn, gây ra mùi hôi, nhớt.
Lời khuyên chân thành gửi đến bạn: Tốt hơn hết là dùng đến gần cạn rồi mua chai mới, tránh để sản phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc hư hỏng do bị loãng nước lâu ngày.
4. Không vệ sinh bồn rửa sau khi rửa bát
Bát đĩa sạch rồi, nhưng bạn lại bỏ quên "chiến trường" sau cùng: bồn rửa bát. Nhiều người tưởng rửa bát sạch là xong nhiệm vụ, mà không biết rằng cặn thức ăn, dầu mỡ và nước bẩn đang âm thầm đọng lại ở xung quanh bồn rứa bát. Phải biết rằng, đây là một trong những khu vực vi khuẩn sinh sôi mạnh mẽ bậc nhất trong bếp.
Khi bồn rửa bát không được làm sạch sau mỗi lần sử dụng, vi khuẩn từ đây có thể nhiễm ngược lại vào bát đũa nếu bạn đặt trực tiếp trong bồn khi tráng nước hoặc làm sạch sơ qua.
Để vệ sinh nhanh bồn rửa sau mỗi lần rửa bát, bạn có thể áp dụng cách làm như sau:
- Dội nước nóng để trôi dầu mỡ thừa.
- Dùng miếng cọ riêng (hoặc bàn chải) với nước rửa chén chà quanh bồn.
- Làm sạch rổ lọc rác và định kỳ khử mùi bằng baking soda + giấm trắng.
Việc rửa bát đúng cách không chỉ giúp căn bếp sạch sẽ hơn, mà còn bảo vệ sức khỏe gia đình một cách âm thầm mà hiệu quả. Đừng để những thói quen tưởng chừng "vô hại" như pha nước rửa chén, rửa đồ bẩn trước hay quên chà bồn rửa... làm hỏng cả bữa ăn ngon của gia đình.
Nếu bạn đang lỡ mắc một trong những lỗi trên, hôm nay chính là lúc để "quay đầu là bờ" rồi đó!
Tổng hợp