Bức ảnh của ứng viên 47 tuổi phải đi xin việc khiến tất cả bật khóc

Nguyệt , Theo Phụ nữ số 18:23 07/02/2025
Chia sẻ

Đi xin việc nhưng ứng viên 47 tuổi này bị từ chối vì công ty chỉ tuyển nhân sự từ 2002-2003.

Bị sa thải ở nơi làm việc là tình huống không ai mong muốn. Sẽ càng tệ hơn nếu bạn rơi vào cảnh thất nghiệp ở tuổi 40 - một độ tuổi khó khăn để tìm kiếm cơ hội mới trong thị trường lao động, nhưng trên vai lại đang gánh biết bao áp lực. Tâm sự của người mẹ dưới đây là ví dụ.

47 tuổi cầm CV đi xin việc, bị từ chối vì: Công ty yêu cầu độ tuổi từ 2002-2003

“47 tuổi, 1 chồng, 3 con nhỏ. Mình thất nghiệp vì công ty giảm nhân sự. Mình thật sự hoang mang vì sau 18 năm, mình mới lại đi xin việc. Đọc mà vừa buồn vừa thấy mông lung cho tương lai sau này quá ạ”, là những người tâm sự của một người mẹ mới đi xin việc nhưng nhận lời từ chối từ HR. Theo lời chia sẻ từ HR, dù công ty ấn tượng với kinh nghiệm và kỹ năng mà người mẹ này có, song họ phải từ chối vì yêu cầu nhân sự sinh năm 2002 - 2003.

Bức ảnh của ứng viên 47 tuổi phải đi xin việc khiến tất cả bật khóc- Ảnh 1.

Tin nhắn HR từ chối ứng viên 47 tuổi đi xin việc

Trong bối cảnh hàng loạt công ty làm ăn thua lỗ và thắt chặt kinh doanh, nhiều nhân sự sau tuổi 40 đối diện với nguy cơ bị sa thải tăng cao dù có nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp. Bên dưới bài đăng, nhiều người đã dành lời động viên cho người mẹ này. Một số đông ý kiến khác cũng chia sẻ tình huống trớ trêu của bản thân khi bị sa thải ở độ tuổi U50, nhưng vẫn phải chật vật tìm kiếm cơ hội thay đổi nghề nghiệp sau đó.

Một số bình luận bên dưới bài đăng:

- “Bạn ơi bình tĩnh ạ! 47 tuổi là đã có rất nhiều kinh nghiệm. Cứ tự tin ứng tuyển những vị trí phù hợp. Giữ vững tinh thần. Luôn có những nơi phù hợp miễn là bạn không ngừng cố gắng nâng cao năng lực của bản thân. Cần tư vấn thêm thì bạn cứ hỏi mình và mọi người sẽ chia sẻ thêm với bạn nha!”

- “Mẹ cháu cũng nghỉ công ty cũ đã gắn bó hơn 20 năm vì ít việc, lương thấp. Là HR, nhìn mẹ loay hoay tìm việc cháu cũng rất thương. Bạn HR công ty này có tâm đấy ạ. Chúc cô sớm tìm được công việc phù hợp cô nhé”.

- “Mình cũng 36 tuổi, trước học Quản trị kinh doanh, nghiệp vụ kế toán và có đi làm. Sau khi lấy chồng thì nghỉ về phụ nhà chồng kinh doanh quán ăn. Giờ công việc nhà chồng không được tốt nên hai vợ chồng tách riêng. Công việc chồng dạo này cũng không được tốt như trước nốt. Mình đã rải đơn xin làm công nhân cũng không thấy chỗ nào hồi âm, nghiệp vụ thì bỏ quá lâu giờ gần như con số 0. Dạo một vòng công việc nào cũng thấy mình quá tuổi, rồi mắc con nhỏ không làm muộn được. Thấy mông lung quá”.

- “Em là mẹ đơn thân nuôi 2 con trai. Đã từng nghỉ Kế toán để kinh doanh và làm nhân viên thị trường. Giờ đi xin việc thật khó khăn, tuổi cũng sắp 40 nên cơ hội rất ít. Nay em lại nhận lại các doanh nghiệp nhỏ để làm thêm dịch vụ Kế toán mà khó tìm quá”.

- “Mình 35 tuổi cũng thất nghiệp gần 1 năm nay rồi. Thị trường việc làm hiện giờ rất khốc liệt”.

Bức ảnh của ứng viên 47 tuổi phải đi xin việc khiến tất cả bật khóc- Ảnh 2.

Ngày càng nhiều nhân sự sau tuổi 35 bị sa thải đột ngột, buộc họ phải tìm cách xây dựng lại sự nghiệp từ đầu (Ảnh minh họa)

Điều mà bạn có thể chuẩn bị để không rơi vào bế tắc nếu bị sa thải

Từ trường hợp của ứng viên này có thể thấy giữa những năm kinh tế khó khăn, chuyện nhân sự bị sa thải ở tuổi 40 không phải chuyện hiếm gặp. Trong lúc vật lộn để cải thiện tình hình kinh doanh, các doanh nghiệp tính đến chuyện cắt giảm chi phí lao động. Một trong những nhóm nhân sự đứng trước rủi ro bị sa thải cao là người ngoài độ tuổi 35. Bởi so với sinh viên mới tốt nghiệp, họ yêu cầu được trả lương cao hơn nhưng không chấp nhận làm thêm giờ và sức sáng tạo đã sụt giảm.

Bị sa thải khi chạm mốc tuổi 3x, 4x là điều không ai may muốn. Song chúng ta nên làm sao để không rơi vào bế tắc nếu chẳng may mất việc ở tình huống này? Câu trả lời nằm ở việc chuẩn bị trước – từ đa dạng hóa thu nhập, học cách đầu tư, xây dựng quỹ dự phòng cho đến tự kinh doanh để làm chủ tài chính.

1. Đa dạng hóa nguồn thu nhập

Phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất luôn là rủi ro, đặc biệt khi bạn đang ở độ tuổi mà việc tìm kiếm công việc mới không còn dễ dàng như khi còn trẻ. Hãy xây dựng các nguồn thu nhập khác bên cạnh công việc chính, chẳng hạn như làm freelancer, dạy học trực tuyến, bán hàng online, viết blog kiếm tiền, hoặc đầu tư vào tài sản tạo thu nhập thụ động. Khi có nhiều dòng tiền khác nhau, bạn sẽ giảm bớt áp lực tài chính nếu mất đi công việc chính.

2. Học về đầu tư để tiền làm việc cho bạn

Kiến thức về đầu tư là một trong những kỹ năng quan trọng nhất giúp bạn có thể tự do tài chính. Dù là đầu tư chứng khoán, bất động sản, hay kinh doanh, hiểu biết về cách quản lý và sinh lời từ tiền sẽ giúp bạn vững vàng hơn khi không còn lương tháng. Hãy bắt đầu bằng những khoản đầu tư nhỏ để vừa học, vừa trải nghiệm, sau đó mở rộng khi đã có đủ kiến thức và kinh nghiệm.

3. Chuẩn bị quỹ dự phòng – để không rơi vào hoảng loạn

Không ai muốn mất việc, nhưng nếu chuyện đó xảy ra mà bạn không có quỹ dự phòng, mọi thứ sẽ rối tung. Hãy tích lũy ít nhất 6-12 tháng chi phí sinh hoạt để có đủ thời gian tìm công việc mới hoặc học thêm kỹ năng. Một khoản tiền dự trữ đủ mạnh sẽ giúp bạn có sự bình tĩnh cần thiết để đối mặt với biến cố.

4. Tốt nhất là có công việc kinh doanh riêng

Không gì giúp bạn chủ động hơn việc tự kinh doanh. Khi có một công việc kinh doanh riêng, bạn không còn phải lo lắng về việc bị sa thải, vì bạn đã làm chủ nguồn thu nhập của mình. Điều này không có nghĩa là bạn phải lập tức nghỉ việc để khởi nghiệp, mà hãy bắt đầu từng bước khi còn đi làm, tìm kiếm một mô hình kinh doanh phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Khi doanh nghiệp phát triển ổn định, bạn có thể hoàn toàn tự do về tài chính mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ công ty nào.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày