Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của một cô vợ trẻ, mới kết hôn đã khiến nhiều người không thể không bức xúc. Cốt lõi vấn đề có thể tóm tắt chỉ trong 1 câu: Chồng không chịu đóng góp tiền bạc cho cuộc sống hôn nhân.
“Nhờ mọi người tư vấn giúp em với ạ. Hai vợ chồng em hiện tại chưa có con, em mong có thể cân đối chi tiêu, tiết kiệm để sau này có con, thì có thể lo cho con được đầy đủ” - Cô viết.
Tình hình tài chính hiện tại của vợ chồng trẻ này có thể tóm tắt như sau:
- Thu nhập: 22 triệu đồng (trong đó 17 triệu đồng là lương của vợ, 5 triệu đồng là tiền anh chồng đưa vợ để lo chi tiêu gia đình)
- Tiền biếu ông bà nội - ngoại (đóng tiền điện, nước cho ông bà, mua đồ chăm sóc sức khỏe): 4 triệu đồng
- Tiền thuê nhà, điện nước, phí dịch vụ: 4,8 triệu đồng
- Tiền ăn, mua sắm đồ dùng gia đình (gia vị, kem đánh răng,...): 5 triệu đồng
- Tiền xăng xe, điện thoại, mạng internet: 1,7 triệu đồng
- Tiền thuốc, thực phẩm chức năng: 2 triệu đồng
- Tiền hiếu hỷ: 1,2 triệu đồng
- Tiền mua sắm, chăm sóc sức khỏe của vợ: 1,6 triệu đồng
Với cách chi tiêu như vậy, cô vợ cho biết hiện tại hàng tháng, bản thân chỉ dư khoảng 1,7 triệu đồng.
Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều cho rằng cách cô chi tiêu gần như không có gì phải bàn cãi, mọi khoản chi khá hợp lý và không có khoản nào quá bội chi. Tuy nhiên, tất cả lại rất bức xúc với việc người chồng chỉ đưa cho vợ có 5 triệu mỗi tháng, đặc biệt là khi vợ chồng đang phải đi thuê nhà.
Giả sử sống 1 mình, và phải thuê nhà, thì khéo co kéo lắm mới đủ trang trải tiền ăn và tiền thuê nhà với 5 triệu. Chưa kể, anh chồng đưa cho chị vợ 5 triệu nhưng khoản tiền biếu ông bà nội - ngoại đã hết 4 triệu, tính ra gần như người chồng này không góp chút tiền bạc nào trong cuộc sống chung của cả hai. Một mình chị vợ gần như “cân hết”, đó chính là yếu tố khiến nhiều người không thể không bất bình.
Tựu trung lại, tất cả mọi người đều đồng tình rằng tỷ lệ đóng góp tài chính cho các khoản chi tiêu chung của cặp vợ chồng này hiện đang không hợp lý. Không nhất thiết là phải mỗi người góp một nửa, ai có thu nhập tốt hơn, có thể đóng góp nhiều hơn, nhưng cũng nên bất cân xứng đến mức như gia đình này.
Bước chân vào hôn nhân nghĩa là chúng ta cùng nhau xây dựng tương lai, bởi thế, việc cùng nhau đóng góp tiền bạc và sức lực là điều gần như hiển nhiên. Dẫu vậy, vẫn có không ít cặp vợ chồng, đặc biệt là những cặp đôi mới cưới, gặp vấn đề trong chuyện quản lý tài chính sau khi kết hôn.
Để hạn chế việc vợ chồng mâu thuẫn chuyện tiền bạc, có 2 điều rất quan trọng mà cả hai cần trò chuyện, làm rõ và thống nhất.
1 - Mức thu nhập và các khoản nợ của mỗi người
Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát chỉ là chuyện khả thi khi chưa về chung một nhà. Chẳng ai muốn kết hôn xong lại phải đi gánh những khoản nợ mà bản thân mình chẳng phải người đi vay.
Lúc ấy, bỏ thì thương, vương thì tội. Tựu trung là cả hai chẳng ai vui vẻ, hạnh phúc được.
Vì vậy, hãy thành thật với nhau về mức thu nhập hoặc các khoản nợ, không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương, mà còn hạn chế nhiều cuộc xung đột không đáng có trong hôn nhân.
2 - Làm rõ trách nhiệm tài chính của từng người trong hôn nhân
Sau khi thành thật với nhau về mức thu nhập hiện tại cũng như các khoản nợ, có 4 câu hỏi mà các cặp đôi nên làm rõ:
1. Ai là người quản lý tài chính trong gia đình?
2. Tỷ lệ đóng góp của mỗi người cho các khoản chi phục vụ đời sống, khoản tích lũy, khoản tiết kiệm phục vụ các mục tiêu lớn (sinh con, mua nhà, mua xe,...)?
3. Hàng tháng hoặc lễ Tết, sẽ biếu nhà nội - nhà ngoại bao nhiêu tiền? Số tiền này là cả hai vợ chồng cùng đóng góp và cùng lo, hay vợ lo nhà vợ, chồng lo nhà chồng?
4. Mỗi người sẽ dành bao nhiêu % thu nhập để phục vụ sở thích cá nhân của mình?
Phải làm rõ được 4 vấn đề này, việc quản lý tài chính trong hôn nhân, cũng như việc tích lũy tiền bạc để thực hiện các mục tiêu lớn trong tương lai, mới bớt phần trắc trở. Vì chắc chắn, chẳng ai muốn vợ chồng cứ tối ngày cãi vã, xích mích chuyện tiền bạc, đúng không?