Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Boeing đã phải đối mặt với hai sự cố liên quan đến các dòng máy bay của hãng, khiến các chuyên gia nhận định, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa với Boeing và cuộc khủng hoảng mà gã khổng lồ trong ngành hàng không thế giới phải đối mặt không biết bao giờ mới có hồi kết.
Vào ngày 11/3, máy bay Boeing 787 của hãng hàng không LATAM Airlines (Chile), đã gặp sự cố rung lắc mạnh khi đang trên đường từ Sydney (Australia) đến Auckland (New Zealand). Vụ việc đã khiến 50 người bị thương. Đây là sự cố lớn thứ 2 từ đầu năm của gã khổng lồ Boeing.
Trước đó, ngày 5/1, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của hãng hàng không Mỹ Alaska Airlines cất cánh từ sân bay Portland, bang Oregon đến thành phố Ontario, bang California, đã gặp sự cố sau khi khởi hành khoảng 20 phút.
Khi ở độ cao gần 5.000 mét, cửa sổ và một mảnh thân máy bay đã bung ra, nổ tung giữa không trung. May mắn là không có ai ngồi ở ghế 26A và 26B, nơi mảnh vỡ nổ tung. Sự cố xảy ra trước khi máy bay đạt đến độ cao hành trình, thời điểm hành khách bắt đầu được tháo dây an toàn.
Các nhà điều tra cho biết trong quá trình sản xuất, cánh cửa máy bay của Alaska Airlines từng bị tháo ra, hoặc mở ra ở nhà máy của Boeing ở Washington. Tuy nhiên, các nhân viên Boeing khi đó chỉ lắp lại mà không dùng đến các loại vít cần thiết để cố định. Vài tháng sau, sự việc đáng buồn kể trên đã xảy ra.
Đến ngày 25/3, Boeing thông báo CEO David Calhoun sẽ rời vị trí này sau 4 năm tại nhiệm. Calhoun được coi là lãnh đạo kỳ cựu về xử lý khủng hoảng. Ông được bổ nhiệm năm 2020, để lèo lái hãng bay sau hai tai nạn chết người năm 2018 và 2019 với 737 Max - dòng máy bay bán chạy nhất của hãng.
Tuy nhiên, ông đã không thể tạo thêm thành tựu nữa trong sự nghiệp, như khi lãnh đạo Caterpillar, General Electric và Nieslen. Calhoun rời Boeing khi công ty này lún thêm vào khủng hoảng, với các vấn đề về sản xuất và lo ngại độ an toàn.
Lãnh đạo kế tiếp tại hãng sản xuất máy bay biểu tượng của Mỹ sẽ phải giải quyết các vấn đề tương tự Calhoun. Boeing cho biết cuối năm nay, Calhoun mới rời vị trí. Dù vậy, khi Boeing tìm được CEO mới, ông có lẽ sẽ rời đi ngay.
Ngoài Calhoun, Chủ tịch và Giám đốc mảng máy bay thương mại của Boeing cũng từ chức đầu tuần này. Các lãnh đạo và quan chức ngành hàng không đều cho biết họ hoan nghênh sự thay đổi này.
Dù vậy, nếu việc tìm lãnh đạo thay thế kéo dài, nỗ lực lật ngược tình thế sẽ bị chậm lại. Các CEO chuẩn bị rời đi hiếm khi dám thực hiện các chiến lược táo bạo. Sự thiếu chắc chắn về người lãnh đạo cũng khiến các nhân viên và lãnh đạo khác khó làm việc.
"Họ càng tìm nhanh càng tốt. Vì CEO mới sẽ phải giải quyết khối lượng công việc khổng lồ đấy", Bill George - CEO Medtronic cho biết. Ông là đồng tác giả các bài nghiên cứu về thách thức của Boeing.
Calhoun từng cố giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng của Boeing, bằng cách siết quản lý chất lượng với nhà cung cấp thân máy bay Spirit AeroSystems.
Calhoun đang đàm phán với Spirit về việc mua lại công ty này. Thương vụ này sẽ đảo ngược chính sách sản xuất của hãng, là thuê ngoài việc sản xuất và chỉ tập trung vào lắp ráp hoàn thiện. Boeing đã bán Spirit năm 2005. Dù vậy, WSJ trích nguồn tin thân cận cho biết việc đạt thỏa thuận rất phức tạp, do Spirit còn cung cấp cho cả Airbus - đối thủ chính của Boeing.
Trong nhiệm kỳ của Calhoun, Boeing vẫn chật vật cạnh tranh với Airbus. Cổ phiếu Boeing đã mất giá 43% từ khi Calhoun nhận vị trí này đầu năm 2020. Ngược lại, cổ phiếu Airbus tăng hơn 26%.
Dù cả hai hãng đều nhận số đơn hàng lớn từ các hãng hàng không, nhằm phục vụ nhu cầu bay tăng lên hậu đại dịch, các vấn đề về sản xuất và chất lượng của Boeing đang khiến khách hàng nổi giận.
Airbus thì ngược lại. Thị phần mảng máy bay thân hẹp của hãng vẫn tăng lên, sau hàng loạt sự cố của đối thủ.
Giải quyết các vấn đề của Boeing là công việc khổng lồ, CEO United Airlines Scott Kirby đầu tháng này nhận định. "Đây không phải công việc giải quyết được trong 12 tháng, mà là 2 thập kỷ", ông nói. Đầu tuần này, United cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Boeing và muốn hợp tác trong quá trình chuyển dịch lãnh đạo.
Boeing còn đang gặp rắc rối với giới chức. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chưa hài lòng với các thay đổi của Boeing sau sự cố của Alaska Airlines. Một cựu quan chức FAA cho biết Calhoun đã đồng ý với các yêu cầu của FAA, nhưng cơ quan này chưa thấy đủ hiệu quả.
Căng thẳng giữa hai bên càng tăng lên đầu tháng này. Sau khi thanh tra việc sản xuất Boeing 737, FAA phát hiện ra nhiều vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng. Sau đó, FAA tiếp tục đề nghị các hãng hàng không kiểm tra lại ghế ở buồng lái chiếc 787 Dreamliner, sau sự cố hạ độ cao đột ngột của LATAM Airlines.
Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự sau sự cố của Alaska Airlines. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) gần đây cũng liên lạc với các hành khách trên chuyến bay hôm đó.
Lãnh đạo các công đoàn có sự tham gia của công nhân Boeing đang yêu cầu có ghế trong HĐQT, lần đầu tiên trong lịch sử gần 108 năm của Boeing. Họ cũng muốn dòng máy bay tiếp theo được sản xuất tại các nhà máy có công đoàn của họ, thay vì nhà máy Boeing mở ra ở các bang khác.
Từ trước khi sự cố bung cửa xảy ra, nhiều năm qua, lãnh đạo các hãng hàng không đã bày tỏ sự bất mãn với việc giao hàng chậm trễ. Đầu tháng này, Southwest Airlines - với toàn bộ đội bay là Boeing - cho biết đã phải giảm số chuyến trong nửa cuối năm. United Airlines thì đang mua thêm máy bay Airbus.
Trong các tháng cuối còn tại vị, nhiệm vụ của Calhoun có lẽ sẽ là dọn đường cho CEO mới tiếp quản công việc. Nhưng giai đoạn chuyển tiếp sẽ khiến Calhoun khó xử. "Liệu ông ấy có đủ tự tin giải quyết một số thách thức chiến lược không? Cái đó ai mà biết được", Harry Kraemer - cựu CEO hãng chăm sóc sức khỏe Baxter International kết luận.
Theo: WSJ