Ed Pierson đặt vé máy bay từ Seattle đến New Jersey vào năm 2023. Tới phút cuối cùng, ông lại lên một chiếc máy bay mà ông không bao giờ muốn bay - chiếc Boeing 737 Max.
“Tôi đến sân bay, kiểm tra kĩ lại để đảm bảo rằng nó không phải là chiếc 737 Max. Tôi đi qua cửa an ninh, mua cà phê rồi bước lên máy bay. Tôi nghĩ chiếc máy bay này khá mới”, Pierson nói với CNN. “Sau đó, tôi ngồi xuống và trên phiếu hướng dẫn trường hợp khẩn cấp kẹp trong túi ghế cho biết đây là chiếc Max”.
Ông đứng dậy và bỏ đi.
“Tôi gặp một tiếp viên hàng không đang đóng cửa trước. Tôi nói, ‘Lẽ ra tôi không nên đi trên chiếc máy bay này’. Cô tiếp viên hỏi, ‘Ông biết gì về chiếc Max?’,” Pierson kể lại.
“Tôi nói: ‘Tôi không thể nói chi tiết ngay bây giờ, nhưng tôi không có ý định bay bằng Boeing 737 Max và tôi muốn xuống máy bay”.
Pierson đã đến được New Jersey sau khi nhân viên sân bay Alaska đặt lại vé để ông bay trên một chiếc máy bay khác vào buổi tối hôm đó. Ông nói rằng việc dành cả ngày ở sân bay là thứ đáng đánh đổi để tránh phải bay trên chiếc Max.
Pierson có kiến thức và kinh nghiệm hiếm có về chiếc máy bay do Boeing sản xuất. Ông hiện là giám đốc điều hành của nhóm giám sát có tên Tổ chức An toàn Hàng không, cũng từng là sĩ quan chỉ huy phi đội cùng với các vai trò lãnh đạo khác trong sự nghiệp Hải quân kéo dài 30 năm, sau đó là 10 năm làm việc tại Boeing. Pierson có 3 năm làm quản lý cấp cao về hỗ trợ sản xuất tại nhà máy Renton, nơi thực hiện dự án 737 Max trước khi sản phẩm này ra mắt.
Nhưng đồng thời, ông còn là một trong số những du khách không muốn lên máy bay từng là tâm điểm của hai vụ tai nạn chết người, cũng như sự cố ngày 5/1 trong đó một phần thân máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines bị xé toạc giữa không trung. Bộ phận chốt cửa được phát hiện bị thiếu bốn bu lông – thứ lẽ ra phải ở đúng vị trí của nó.
Các báo cáo khác về "nhiều" bu lông lỏng lẻo và lỗ khoan sai đã xuất hiện từ các cuộc điều tra tiếp theo về mẫu Max 9 sau khi Cục Hàng không Liên bang (FAA) ra lệnh cấm bay 171 máy bay Max 9 có cùng một thiết kế cửa.
Các chuyên gia đồng ý rằng sự cố ở Alaska có thể còn tồi tệ hơn và chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) đã cảnh báo rằng “điều như thế này có thể xảy ra lần nữa”.
Mẫu máy bay trước đó, Max 8, liên quan tới hai vụ tai nạn chết người vào năm 2018 và 2019 khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Các vụ tai nạn được cho là do sự cố của MCAS, một hệ thống tự động trong Boeing 737 Max được thiết kế để ổn định độ cao của máy bay, ghi đè thông tin đầu vào của phi công trong một số trường hợp. Boeing đã chịu trách nhiệm pháp lý vào năm 2021 đối với vụ tai nạn.
Vài tuần sau sự cố ở Alaska, Giám đốc điều hành Boeing David Calhoun đã nói với các nhà đầu tư trong cuộc gọi hàng quý: “Chúng tôi sẽ hợp tác đầy đủ và minh bạch với FAA trong mọi hoạt động… Hoạt động giám sát ngày càng tăng này, cho dù đến từ chúng tôi hay cơ quan quản lý hay từ các bên thứ ba, sẽ khiến chúng tôi phải tốt hơn."
CEO Boeing David Calhoun thừa nhận sai lầm của hãng đã gây ra tai nạn.
Calhoun nói: “Chúng tôi đã gây ra vấn đề và chúng tôi hiểu điều đó. Dù có kết luận gì đi nữa, Boeing vẫn phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Dù nguyên nhân cụ thể của vụ tai nạn có thể là gì đi nữa, một sự kiện như thế này không được phép xảy ra trên một chiếc máy bay được sản xuất từ một trong các nhà máy của chúng tôi. Đơn giản là chúng tôi phải tốt hơn.”
Vào tháng 2, sau sự cố ở Alaska, công ty đã loại bỏ người đứng đầu chương trình Boeing 737 Max và cải tổ các nhân vật quản lý cấp cao khác.
Động thái này được đưa ra khi các nhà phê bình liên tục cho rằng nhà sản xuất máy bay đang ưu tiên lợi nhuận hơn là an toàn.
Vào ngày 28/2, FAA đã cho Boeing 90 ngày để đưa ra kế hoạch giải quyết các vấn đề về chất lượng và an toàn.
Boeing nói với CNN: “Mỗi ngày, hơn 80 hãng hàng không khai thác khoảng 5.000 chuyến bay với đội bay toàn cầu gồm 1.300 máy bay 737 Max, chở 700.000 hành khách đến các điểm đến an toàn. Độ tin cậy trong khai thác của dòng 737 Max là trên 99% và phù hợp với các mẫu máy bay thương mại khác”.
Tất nhiên, hàng nghìn người lên máy bay Max mà không hề lo lắng. Nhưng nhiều hành khách khác thì không như vậy.
Lần cuối cùng Max 8 bị cấm bay, 25% trong số 1.005 người Mỹ được hỏi - trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos - nói rằng họ không có nhiều tin tưởng hoặc không tin tưởng vào máy bay này. Mẫu máy bay của Boeing đã “đắp chiếu” trong vòng 20 tháng sau vụ tai nạn của hãng Ethiopian Airlines vào tháng 3/2019.
Chỉ có 31% người tin tưởng và 44% người không chắc chắn về Max 8. Cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 12/2020, ngay trước khi máy bay Boeing 737 Max 8 được quay trở lại bầu trời.
Belén Estacio đã tẩy chay Max 8 kể từ vụ việc hồi tháng 1. Ngay sau vụ tai nạn thân máy bay của Alaska Airlines, cô đã được yêu cầu công tác trên chiếc Max 8.
Cô nói: “Bạn trai tôi không muốn tôi bay bằng loại máy bay này nên tôi đã thay đổi kế hoạch của mình để đảm bảo rằng mình không bay trên bất kỳ loại Max nào. Sự cố ở Alaska là một thứ xác nhận thêm rằng Boeing vẫn chưa triệt để trong việc0 khắc phục các vấn đề của mình.”
Vào tháng 4/2017, trong tin nhắn nội bộ của các nhân viên Boeing về chiếc Max sắp ra mắt, một nhân viên đã viết: “Chiếc máy bay này được thiết kế bởi những chú hề, những người này lại được giám sát bởi những con khỉ”.
Cuộc trao đổi tương tự còn đề cập đến "thiết kế tồi tệ" của máy bay. Một chỉnh sửa về thiết kế được nhân viên gắn nhãn là “vá chiếc thuyền bị rò rỉ”.
Những tin nhắn nội bộ này được đưa ra như một phần của cuộc điều tra kéo dài 18 tháng về máy bay Max của Ủy ban Giao thông và Cơ sở hạ tầng Hạ viện Mỹ. Trong một báo cáo dài 238 trang được phát hành vào tháng 9/2020, ủy ban đã nêu ra “những sai sót và lỗi lầm nghiêm trọng trong thiết kế, phát triển và chứng nhận máy bay”. Báo cáo nhấn mạnh 5 vấn đề chính, bao gồm “áp lực sản xuất gây nguy hiểm cho sự an toàn của khách” và “văn hóa che giấu” tại Boeing.
Tai nạn của Boeing 737 Max tại Ethiopia
Vào thời điểm đó, Boeing cho biết các tin nhắn “không phản ánh công ty mà chúng tôi đang có và cần trở thành, và chúng hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Boeing cho biết khi Max 8 quay trở lại hoạt động, nó sẽ là “một trong những máy bay được kiểm tra kỹ lưỡng nhất trong lịch sử và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự an toàn của nó”.
Torleif Stumo cũng gặp phải sự cố tương tự như Ed Pierson: ông chỉ biết mình bay bằng Max 8 khi thấy phiếu hướng dẫn an toàn trong túi ghế trên chuyến bay từ Thành phố Panama đến Bogotá vào tháng 8/2023.
“Tôi thực sự ít khi lo lắng, tôi chưa bao giờ lên cơn hoảng loạn nhưng đó là một trong những lần tôi thấy hoảng loạn nhất trong cuộc đời”, ông nói.
Stumo cuối cùng đã qua đêm tại một khách sạn ở sân bay. Hãng hàng không đã đồng ý đặt lại vé miễn phí cho ông sau khi nhận được cuộc điện thoại phàn nàn. Sau cuộc gọi, ông đã được đảm bảo rằng vé đặt lại sẽ không bay bằng Boeing 737 Max.
Sau sự cố ngày 5/1, Alaska và United – các hãng hàng không Mỹ sử dụng Max 9 – đã ban hành quyền miễn trừ cho phép hành khách không muốn bay Boeing Max. Quyền này hiện đã hết hạn, nhưng Alaska nói với CNN rằng những hành khách liên quan có thể được đặt lại miễn phí lên một máy bay khác bằng cách gọi điện đặt chỗ.
Họ nói thêm: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự an toàn của tất cả các máy bay của mình”.
Người phát ngôn của United cho biết: “Hãng không thu phí thay đổi đối với hầu hết các vé. Chúng tôi rất vui khi được làm việc với những khách hàng có mối quan tâm để tìm ra giải pháp phù hợp với họ”.
‘Chúng tôi không muốn có vụ tai nạn thứ ba’
Mặc dù dòng Boeing 737 Max lại bay một lần nữa nhưng tương lai của nó dường như vẫn chưa rõ ràng. FAA đã giới hạn việc sản xuất máy bay mới và mở một cuộc điều tra “về việc liệu Boeing đã không duy trì hệ thống chất lượng của họ theo quy định của liên bang”.
Người phát ngôn của Boeing nói với CNN rằng họ đã đưa ra một bản phân tích về “những cải cách tiềm năng, tập trung vào an toàn xung quanh việc kiểm soát chất lượng”.
Người này cho biết công ty đã “đầu tư rất nhiều vào lực lượng lao động trong vài năm qua, số nhân viên kỹ thuật tăng 10% và sản lượng tăng 11%, cùng lúc tăng số lượng thanh tra chất lượng máy bay thương mại lên 20% và sẽ tiếp tục tuyển dụng”.
Boeing cho biết thêm: “Chúng tôi đã đầu tư vào chất lượng trên toàn công ty, tăng số lượng nhân viên chất lượng cao lên hơn 25%, vượt mức trước đại dịch năm 2019”.
Stumo nói rằng công ty này cần thay đổi khẩn cấp.
“Vụ tai nạn đầu tiên lẽ ra không nên xảy ra. Lần thứ hai họ có kiến thức đầy đủ về sự cố MCAS – điều cũng đáng lẽ không nên xảy ra. Khách hàng không muốn có vụ tai nạn thứ ba. Và chúng tôi muốn Boeing trở lại thành công ty kỹ thuật hàng không vượt trội, tạo ra những sản phẩm tuyệt vời và an toàn như trước đây”.
Tham khảo CNN