Đã có người phải trả giá vì những bê bối liên tiếp của Boeing: Hàng loạt lãnh đạo bị “trảm”, Chủ tịch lẫn CEO đều không thoát nạn

Tất Đạt, Theo Nhịp sống thị trường 08:30 26/03/2024
Chia sẻ

Nhiều vấn đề chất lượng khiến Boeing phải thực hiện cuộc cải tổ lớn trong bộ máy của mình.

Đã có người phải trả giá vì những bê bối liên tiếp của Boeing: Hàng loạt lãnh đạo bị “trảm”, Chủ tịch lẫn CEO đều không thoát nạn - Ảnh 1.

Theo CNBC, Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun sẽ từ chức vào cuối năm 2024. Đây là một phần trong cuộc cải tổ quản lý diện rộng của gã khổng lồ ngành hàng không vũ trụ giữa lúc khó khăn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch hội đồng quản trị Larry Kellner cũng sẽ từ chức và không tái tranh cử tại cuộc họp thường niên của Boeing vào tháng 5. Vị trí chủ tịch của ông sẽ được thay thế bởi Steve Mollenkopf - người đã giữ chức giám đốc Boeing từ năm 2020 và sẽ lãnh đạo hội đồng quản trị trong việc chọn một CEO mới - Boeing cho biết.

Chưa hết, Stan Deal - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Boeing Commercial Airplanes - cũng sẽ rời công ty ngay lập tức. Người thay thế vị trí của ông là Stephanie Pope, người mới nắm quyền giám đốc điều hành của Boeing. Trước đây, ông từng có thời gian quản lý Boeing Global Services.

Một loạt các lãnh đạo Boeing rời công ty giữa lúc các hãng hàng không và cơ quan quản lý ra sức kêu gọi chấn chỉnh hoạt động doanh nghiệp này sau một loạt sai phạm dẫn tới chất lượng ngày càng đi xuống của máy bay Boeing. Hoạt động giám sát được tăng cường sau vụ tai nạn ngày 5/1, khi một cánh cửa bật ra khỏi chiếc Boeing 737 Max “gần như mới” chỉ sau 9 phút bay trên hành trình của Alaska Airlines.

“Như tất cả mọi người đã biết, vụ tai nạn chuyến bay 1282 của Alaska Airlines là một bước ngoặt đối với Boeing”, ông Calhoun nói với các cho nhân viên. “Chúng ta phải tiếp tục ứng phó với tai nạn này bằng sự khiêm tốn và minh bạch. Chúng ta cũng phải đưa ra cam kết tổng thể về an toàn và chất lượng ở mọi cấp độ trong công ty.

Đã có người phải trả giá vì những bê bối liên tiếp của Boeing: Hàng loạt lãnh đạo bị “trảm”, Chủ tịch lẫn CEO đều không thoát nạn - Ảnh 2.

Ông viết: “Mọi con mắt trên thế giới đang đổ dồn vào chúng ta và tôi biết rằng thời điểm này chúng ta sẽ trở thành một công ty tốt hơn, dựa trên tất cả những gì chúng ta đã tích lũy được khi làm việc cùng nhau để xây dựng lại Boeing trong nhiều năm qua”.

Calhoun nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn rằng quyết định từ chức “100%” là của ông.

Calhoun được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cao nhất vào cuối năm 2019 và nắm quyền lãnh đạo Boeing vào đầu năm 2020 - sau khi công ty này sa thải giám đốc điều hành trước đó, Dennis Muilenburg, vì cách ông này xử lý hậu quả của hai vụ tai nạn máy bay 737 Max khiến hàng trăm người chết.

Trong nhiều tháng qua, ông Calhoun cam kết với các nhà đầu tư, khách hàng hàng không và công chúng rằng Boeing sẽ kiểm soát được vấn đề chất lượng. Sau vụ tai nạn của Alaska Airlines, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã tăng cường giám sát Boeing và người quản lí Mike Whitaker cho biết Boeing sẽ bị cấm tăng sản lượng 737 cho đến khi FAA hài lòng với việc kiểm soát chất lượng của công ty.

Các vấn đề về sản xuất của Boeing đã làm trì hoãn việc giao máy bay mới cho khách hàng và cản trở kế hoạch tăng trưởng. CEO của một số khách hàng lớn nhất của công ty - bao gồm United Airlines, Southwest Airlines và American Airlines - đã công khai phàn nàn về sự chậm trễ.

Tuần trước, các CEO của hãng hàng không bắt đầu lên lịch họp với các giám đốc của Boeing để bày tỏ sự không hài lòng trước việc thiếu kiểm soát chất lượng sản xuất và sản lượng máy bay 737 Max thấp hơn dự kiến. Các cuộc họp bao gồm Kellner và một hoặc nhiều thành viên hội đồng quản trị khác.

Cũng trong tuần trước, Giám đốc tài chính của Boeing, Brian West, cho biết tại một hội nghị trong ngành rằng Boeing sẽ đốt nhiều tiền hơn dự kiến do số lượng sản xuất 737 Max bị hạn chế.

Tính đến thời điểm đóng cửa ngày thứ 22/3, cổ phiếu của Boeing đã giảm 27% trong năm nay.

Theo CNBC

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày