Bộ Y tế điều 3 "kiện tướng" chuyên gia hàng đầu vào hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Bảo Lâm, Theo Pháp luật và Bạn đọc 16:45 13/08/2020

Trước tình hình vẫn còn 15 bệnh nhân COVID-19 nặng, phải thở máy và can thiệp ECMO và có nguy cơ tử vong cao nên Bộ Y tế quyết định chi viện thêm cho Huế 3 chuyên gia hàng đầu.

Bộ Y tế điều 3 kiện tướng chuyên gia hàng đầu vào hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh 1.

Trưa ngày 13/8, Bộ Y tế cử GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào miền Trung phối hợp với "Bộ chỉ huy tiền phương" của Bộ Y tế tại Đà Nẵng.

Các chuyên gia sẽ hỗ trợ cùng các chuyên gia đã có mặt tại khu vực này từ khi dịch bệnh bùng phát, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.

Bộ Y tế điều 3 kiện tướng chuyên gia hàng đầu vào hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh 2.

Hiện vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng ở Huế.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước tình hình dịch ở Đà Nẵng dù đã kiểm soát được nhưng việc điều trị còn nhiều khó khăn nên chi viện về công tác điều trị được ưu tiên để hạn chế tối đa số ca tử vong.

Như vậy, đến nay Bộ Y tế đã cử đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ thuộc nhiều lĩnh vực như hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, thận nhân tạo, xét nghiệm, dịch tễ, tim mạch, ung bướu... của các bệnh viện/ viện lớn lên đến hàng trăm người để thực hiện công tác điều trị, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch...

Theo GS Nguyễn Gia Bình - ông vào Huế để trực tiếp giúp đỡ các đồng nghiệp của mình. GS Bình tâm sự "Tôi vào Huế xem giúp gì được thì giúp, hội chẩn qua trực tuyến vẫn không mục sở thị được".

GS Bình chia sẻ thực sự công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 ở giai đoạn này rất khó khăn, phức tạp khiến nhiều người "bạc tóc" vì toàn ca bệnh nặng. Hơn 30 ca nhiễm bệnh có tiền sử suy thận mãn. Việc hạn chế số ca tử vong đã là khó vì có nhiều ca bác sĩ thực sự bất lực không thể làm được gì.

Đến nay, số ca mắc nặng đều có tiền sử bệnh suy thận mãn tính, bệnh ung thư, suy tim… điều này gây khó khăn cho công tác điều trị dù không muốn thì số ca tử vong vẫn tăng lên. GS Bình cho biết ngay từ đầu dự đoán đã lên tới 30 ca và đến nay mới gần 20 ca đã là điều đáng ghi nhận.