Sáng 25-12, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin kế hoạch triển khai thi hành nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, sau khi nghị quyết của Quốc hội được thông qua, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 6 của khu vực ASEAN cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Hiện Bộ Y tế đang dự thảo các văn bản liên quan, sau đó trình các cấp có thẩm quyền để sớm triển khai quy định này. Cùng đó, Vụ Pháp chế cũng đang đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với việc chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đại diện Vụ Pháp chế chia sẻ hiện nay pháp luật đã quy định xử phạt hành chính và hình sự với hành vi sản xuất, chứa chấp và vận chuyển hàng cấm.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự điều 190 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho hay việc Quốc hội đưa việc cấm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử vào nghị quyết là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.
Theo ông Lâm, tới đây Việt Nam cần tập trung vào ngăn chặn nguồn cung, ngăn việc nhập lậu, buôn bán và quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, tăng cường ngăn chặn tại các cửa khẩu cũng như tại các điểm bán.
Ông Lâm cho rằng mức phạt với các hành vi vi phạm cần đủ cao, có tính răn đe. Cần tập trung nhiều cho việc ngăn chặn buôn bán và quảng cáo trên mạng, Ngoài ra, cần có chiến dịch ra quân và duy trì mạnh mẽ, giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm và cấm uống rượu lái xe; kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức.
"Cần phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Telegram, Shopee, Lazada… để họ có trách nhiệm gỡ việc bán hàng, quảng cáo các sản phẩm này trên các nền tảng của họ"- ông Lâm nói.
Bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, cũng cho biết hiện nay trên thế giới có 43 quốc gia đã triển khai cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 39 quốc gia cấm hoàn toàn các hoạt động liên quan như buôn bán, quảng cáo, sử dụng, vận chuyển…
Kinh nghiệm của Singapore đó là cấm hoàn toàn việc nhập khẩu, sở hữu, bán, phân phối và sử dụng các dạng sản phẩm mô phỏng, bắt chước thuốc lá, các linh kiện, sử dụng, lưu hành... Hành vi đưa các quảng cáo được phát hành bên ngoài Singgapore vào phân phối tại Singgapore bị phạt tới 10.000 USD Singgapore hoặc phạt tù tới 6 tháng hoặc cả hai.