Bộ Y tế cho biết dù công tác phòng chống tác hại thuốc lá với sự chung tay của rất nhiều cơ quan đơn vị, người dân đã có sự chuyển biến trong nhận thức về tác hại của thuốc lá cũng như việc thực thi nghiêm quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá tại nơi công cộng, tại nơi cấm hút thuốc lá, nhưng vi phạm trong công tác này vẫn xảy ra.
Theo nghị định 117 của Chính phủ, vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
Trường hợp hút thuốc lá trên máy bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Nghị định 162 của Chính phủ cũng quy định hành vi hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, trên máy bay bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Trước khi máy bay khởi hành, tiếp viên hàng không đều thông báo để hành khách biết không được hút thuốc trên máy bay. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, hành khách còn có thể bị xem xét cấm bay 3-12 tháng.
Tuy nhiên, việc hành khách hút thuốc trên máy bay thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Mới đây, vào đầu tháng 10, Cảng vụ Hàng không miền Nam tại Cần Thơ đã có quyết định xử phạt hành chính đối với nam hành khách quốc tịch Úc với số tiền 4 triệu đồng do hút thuốc lá trên máy bay. Hành vi hút thuốc này đã gây kích hoạt hệ thống báo khói trong buồng vệ sinh.
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, một nam hành khách người Trung Quốc đang trên chuyến bay từ Hà Nội vào TP Cần Thơ đã lén vào nhà vệ sinh hút thuốc lá cũng bị xử phạt hành chính.
Đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam tại Cần Thơ cho biết trên tất cả các chuyến bay nội địa đều cấm tuyệt đối thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử. Những điều này đều được tiếp viên phổ biến trước khi máy bay cất cánh. Hành khách đi máy bay cần lưu ý để tránh bị phạt và đảm bảo an toàn cho chuyến bay. Hành vi cố tình hút thuốc trên tàu bay sẽ bị xử phạt theo quy định của ngành hàng không.
Những năm trước đó, nhiều trường hợp hút thuốc lá trên máy máy đã bị xử phạt, thậm chí có trường hợp bị cấm bay trên các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam vì hút thuốc lá trên máy bay, không chịu nộp phạt.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định nhiều hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ bị xử phạt. Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá.
Ngoài ra, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; Cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá; Không đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, không đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và hơn 600.000 người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác.
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết nhờ nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương mà tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm. Bên cạnh đó, tỉ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm; tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể, cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc…
Tuy vậy, theo đánh giá của WHO, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.