Bỏ thuốc ngang chừng để "ăn thực dưỡng" chữa tiểu đường, một phụ nữ tử vong

Duy Tiến, Theo An ninh Thủ đô 14:50 08/01/2020
Chia sẻ

Đang điều trị thuốc tiểu đường gần 2 năm nay, nữ bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Nội bỗng quyết định dừng thuốc ngang chừng để áp dụng “ăn thực dưỡng” chữa bệnh theo phương pháp lan truyền trên mạng, dẫn đến hậu quả đau lòng…

Bỏ thuốc ngang chừng để ăn thực dưỡng chữa tiểu đường, một phụ nữ tử vong - Ảnh 1.

Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai

Mới đây, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nữ bệnh nhân sinh năm 1961 (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào cấp cứu trong tình trạng rất nguy cấp vì bỏ điều trị chuyển sang ăn thực dưỡng.

Ngay thời điểm nhập viện, các bác sĩ đã tiên lượng bệnh nhân khó lòng qua khỏi, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Theo tìm hiểu, nữ bệnh nhân này được phát hiện bệnh tiểu đường và duy trì điều trị bằng thuốc tiểu đường cách đây 2 năm. Thế nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây, bà bỗng bỏ thuốc ngang chừng để chuyển sang áp dụng phương pháp ăn thực dưỡng chữa bệnh được lan truyền trên mạng: chỉ ăn gạo lứt, muối mè và sữa hạt.

“Theo người nhà, nữ bệnh nhân được người quen tư vấn chỉ cần thực dưỡng là khỏi. Bệnh do nghiệp gây ra nên ngồi thiền để giải nghiệp. Kết quả, sau 2 tháng ăn thực dưỡng nhai gạo lứt, uống sữa hạt và ngồi thiền, bệnh nhân giảm 7 kg, phải đi cấp cứu” - bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được cho thở máy và lọc máu liên tục. Tổn thương gan nặng nề, cơ thể suy kiệt, nhiễm toan chuyển hoá nặng, men gan cao đến hàng nghìn đơn vị. Kết quả siêu âm phát hiện bệnh nhân có thêm nhiều khối trong gan, tăng tín hiệu mạch, bụng có dịch. Sau 4 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã không thể qua khỏi.

Theo bác sĩ Hùng, hiện nay, trào lưu thực dưỡng trong điều trị ung thư lại nở rộ trên mạng xã hội. Không ít người coi thực dưỡng là cách chữa bệnh không dùng thuốc, phẫu thuật không dùng dao. Song thực tế khỏi bệnh đâu không thấy mà đã có trường hợp nguy kịch vì chế độ ăn này.

Các bác sĩ khuyến cáo, với người bệnh đái tháo đường, một mặt phải áp dụng chế độ ăn hợp lý theo khuyến cáo, mặt khác phải duy trì thuốc điều trị thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cũng không nên tự ý sử dụng các loại thuốc nam điều trị một cách tùy tiện, nhất là áp dụng theo các bài thuốc truyền miệng trong dân gian mà không được thầy thuốc chỉ định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày