Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba

Poke, Theo Helino 19:59 18/05/2019

Vợ Ba (The Third Wife) tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Việt Nam - Ash Mayfair sau những thành công đột phá tại nước ngoài nay đã chính thức được chiếu tại Việt Nam.

Nền điện ảnh Việt từ lâu nay vẫn được đánh giá là một nền điện ảnh non trẻ với không nhiều tác phẩm thành công hay tạo tiếng vang với bạn bè thế giới. Với những bộ phim thành công tại thị trường nước ngoài thì lại ít khi đến được với tay người hâm mộ trong nước, bởi vì những vấn đề và khía cạnh nhạy cảm của những bộ phim đó. Vợ ba là một trong những tác phẩm hiếm hoi với chủ đề nhạy cảm được chiếu tại phong chiếu Việt Nam.

Bộ phim kể về Mây một cô gái trẻ được gả vào một gia đình địa chủ giàu có, cô bé Mây còn ngây thơ, trong sáng bỗng chốc bị kéo vào cuộc sống của một bà vợ trong gia đình này, bên cạnh cô còn là hai người vợ cả và vợ hai của ông chủ. Những vấn đề của bộ phim dần dần được hé lộ ngay sau khi Mây có bầu và thảm kịch đời người người phụ nữ bắt đầu từ đây.

Người phụ nữ qua ống kính của Ash Mayfair

Người xem tìm đến với Vợ Ba phần lớn đều vì những tò mò về vấn đề nhạy cảm của bộ phim, nhưng thứ họ nhận được khi bước ra khỏi rạp lại là một điều hoàn toàn khác.

Xuyên suốt bộ phim đều là những ẩn ý sâu sắc về hình tượng và cuộc đời người phụ nữ, nhưng không chỉ là câu chuyện về người phụ nữ dưới thời phong kiến mà cái hay của phim còn là nói ra những góc khuất trong suy nghĩ của người Việt vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ.

Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba - Ảnh 1.

Cái nhìn cận cảnh về vị trí của phụ nữ trong thời Phong Kiến

Gánh nặng của phụ nữ Châu Á

Phim đi sâu vào hủ tục tồn tại lâu nhất của văn hóa Châu Á là vấn đề "sinh con trai". Gần như gánh nặng này đã là một lời nguyền đè nặng lên vai những người phụ nữ suốt bao thế hệ, cả bộ phim Mây đã phải dùng mọi cách chỉ để có thể sinh con trai. Bắt đầu bằng những hủ tục như ăn trứng sống trên bụng trước đêm động phòng, cho đến những bài thuốc bổ để giúp có con trai. Điều đó còn dần trở nên ám ảnh hơn nữa khi Mây đã dùng đến cả thần linh để mong rằng đứa bé mà mình sinh ra là con trai.

Trớ trêu thay, lời cầu khấn đã không thành sự thực và đứa bé mà Mây đã nâng niu khắp cả phim ngay lập tức trở thành gánh nặng khi đó là một bé gái. Chắc hẳn những người xem bộ phim sẽ không thoát khỏi ảnh mắt tiếc nuối của Mây khi lần đầu bế con mình trên tay, còn điều gì tội nghiệp hơn dành cho một đứa trẻ khi vào giây phút trào đời nó đã không được trào đón.

Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba - Ảnh 2.

Gánh nặng từ việc sinh con trai luôn là sợi xích với phụ nữ

Phim còn cho người xem thấy được sự gò bó trong suy nghĩ của Mây, là một phim có chủ đề nhạy cảm, lựa chọn lối khai thác về tình dục khá nhiều nhưng phân đoạn đáng nhớ nhất lại là sự tò mò về cơ thể của Mây khi chứng kiến Xuân quan hệ trước mặt mình, chính những tò mò này đã khiến Mây có xu hướng giới tính chuyển sang quan tâm đến Xuân nhưng bị chặn lại bởi những định kiến lúc bấy giờ.

Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba - Ảnh 3.

Những yếu tố nhạy cảm về cơ thể người phụ nữ

Cái nhìn đa chiều về xã hội Phong Kiến

Không chỉ nhìn bộ phim từ góc nhìn của những người phụ nữ, phim còn cho người xem thấy được góc nhìn toàn diện hơn đến từ tất cả những nhân vật trong phim qua từng câu thoại được cài cắm đầy ẩn ý. Phim cho thấy sự đánh giá về xã hội của mỗi người mỗi khác qua góc nhìn của cả ba bà vợ, mỗi người lại nhận định cuộc sống này theo cách riêng của mình. Vợ ba còn cho ta thấy góc nhìn của người già qua nhân vật cụ ông và bà Lao. Mặt khác ta còn có lời kể về một xã hội đảo điên qua cuộc đời của Sơn con trai của Hùng và bà cả.

Nhưng đặc biệt nhất là góc nhìn xã hội của cô bé Liên, cô bé đã muốn trở thành đàn ông để sau này có thể cưới thật nhiều vợ. Người ta vẫn thường nói trẻ con như tờ giấy trắng, chỉ qua một câu thoại đơn giản đạo diễn đã cho ta thấy sự bất công giữa nam và nữ trong thời kì này, ngay cả một cô bé cũng có thể nhận ra được giá trị của đàn ông trong thời đại phong kiến.

Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba - Ảnh 4.

Một lối sống Phong Kiến đặt nặng lên từng nhân vật

Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy

Nếu như nói Vợ Ba là một bộ phim về những người phụ nữ thì cũng không hoàn toàn đúng, Vợ Ba giúp người xem thay đổi một khái niệm mới về việc "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Khi nhắc đến việc ép hôn, phần lớn người xem sẽ nghĩ đến những cô gái trẻ bị cha mẹ áp đặt, gả đi khi không hề biết về chồng mình.

Nhưng có bao giờ bạn nghĩ với đàn ông điều đó cũng thật kinh khủng không? Phim lấy Sơn là hình tượng rõ ràng của việc ép hôn, anh bị đặt vào một cuộc hôn nhân không mong muốn và bị bắt lấy một cô gái trẻ mà mình không hề yêu, bị ràng buộc vào những gánh nặng mà không thể chối bỏ. Phim đã thực sự kiến người xem phải bất ngờ vì cách dụng ý quá khéo léo từ đạo diễn.

Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba - Ảnh 5.

Những cuộc hôn nhân trong chóng vánh

Bi thương giá trị của người phụ nữ

Nếu tập trung theo dõi bộ phim, bạn sẽ dễ dàng nhận ra vị trí của người phụ nữ trong xã hội Phong Kiến thật éo le, họ chỉ là công cụ để sinh nở hoặc thỏa mãn của đàn ông, giá trị của mỗi người vợ cũng chỉ xoay quanh chuyện bếp núc, chăn nuôi, cơm bưng nước rót cho những người đàn ông trong nhà. Và điều khiến cho người viết ám ảnh nhất chính là việc khi gia đình nhà Sơn xin hủy hôn, thay vì lắng nghe hay dành một chút cảm thông cho con mình, ông thông gia đã ngay lập tức quy mắng việc đó là lỗi của con gái của mình trong khi hoàn toàn lỗi đều do Sơn không đồng ý cuộc hôn nhân gượng ép này và đã dẫn đến cao trào của bộ phim bắt đầu từ việc cô vợ phải tự sát khi mới về nhà chồng.

Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba - Ảnh 6.

Cuộc sống gò bó của thân phận phụ nữ

Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba - Ảnh 7.

Cô gái trẻ phải tự tử vì những áp lực hôn nhân

Ngoài ra nhân vật bà cả Hà do Trần Nữ Yên Khê thủ vai cũng đóng một vai trò quan trọng vị thế của bà trong gia đình đang từ chiếu trên, ngay lập tức bị đẩy sâu vào bóng tối phía sau mỗi khung cửa ngay khi bà bị sảy thai. Thay vì nhận được sự quan tâm, bà tự chấp nhận và lui mình vào bóng tối, cuộc đời của bà là minh chứng rõ nhất cho những người vợ của thế kỷ 19, sống lặng trong bóng tối sau cái bóng của chồng.

Không chỉ có những nhân vật chính của phim mà cuộc đời người phụ nữ còn thể hiện qua rất nhiều nhân vật nhỏ khác như cô hầu gái mang bầu và phải cạo đầu đi tu, cuộc tình trong quá khứ của bà Lao hay suy nghĩ về sự cam chịu của Xuân sau khi không có được con trai.

Giá trị hình ảnh và nghệ thuật lịch sử

Vợ Ba có thể nói là một trong những bộ phim có hình ảnh đẹp nhất trong làng điện ảnh Việt Nam những năm trở lại đây, bằng ống kính nghệ thuật của đạo diễn hình ảnh Chananun Chotrungroj, ông lựa chọn tông màu xanh tối cho bộ phim gợi nhớ cho ta cảm giác như bộ phim "Đèn lồng đỏ treo cao" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Phim đem đến những phân cảnh xử lý hình ảnh cực kì tốt từ góc quay cho đến màu phim. Tạo cho người xem cảm giác chân thực nhất về xã hội Việt Nam Phong Kiến lúc bấy giờ.

Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba - Ảnh 8.

Đỉnh cao hơn nữa là những nghệ thuật lịch sử được sử dụng trong phim, bộ phim được quay tại vùng đất Ninh Binh, là quê hương của vua Đinh Bộ Lĩnh và không phải tự nhiên trong những khung hình cuối cùng của bộ phim lại xuất hiện hình ảnh cỏ lau trắng trên tràng cỏ dài. Điều này có thể khẳng định đạo diễn Ash Mayfair đã có nghiên cứu cực kì kĩ về bối cảnh cũng như lịch sử của bộ phim.

Phim còn lồng ghép rất khéo các chi tiết giản đơn từ đầu đến cuối vào thành những giây cuối cùng của bộ phim, nó khơi gợi hình ảnh liên tưởng cuộc đời người phụ nữ như một con tằm xanh và non nớt, bao bọc mình trong cái kén của gia đình và rồi đan xen lại với nhau trở thành sợi tơ của định mệnh.

Ánh mắt đầy ám ảnh

Diễn xuất của những cô gái trong phim cũng là một điểm không thể bỏ qua, đặc biệt là nhân vật Mây được thủ vai bởi Nguyễn Phương Trà My. Bắt đầu bộ phim bằng ánh mắt ngây thơ, sau dần cuộc đời của của Mây đã khiến ánh mắt đó dần trở thành ánh mắt của đố kị và khủng hoảng. Không chỉ vậy phim còn quy tụ rất nhiều diễn viên ưu tú khác, và từng hành động của họ trong phim đều chân thực một cách đáng kinh ngạc. Họ lựa chọn một cách diễn mộc mạc, thôn quê, người cần lạnh lùng sẽ lạnh lùng, người cần tình cảm sẽ tình cảm. Bằng một cách nào đó phim đã khai thác tuyến nhân vật khá triệt để dù phần lời thoại rất ít.

Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba - Ảnh 9.

Ánh mắt của Mây thay đổi dần theo từng giai đoạn

Phim không dành cho số đông khán giả

Quả thực sẽ dễ hiểu nếu Vợ Ba không dành được các lời tán dương đến từ phía người xem tại thị trường Việt Nam. Có lẽ vì ngay từ những vấn đề được nêu ra trong phim đã không còn phù hợp với đa phần người xem về cả độ tuổi lẫn phong cách.

Đa số người xem sau khi bước ra khỏi rạp sẽ nhận định gỏn gọn trong ba từ " Chẳng hiểu gì ", nếu như bạn không tìm hiểu về bộ phim Vợ Ba trước khi xem thì chắc chắn những gì phim mang lại là một nội dung chậm và khó hiểu. Và người xem sẽ cần cân nhắc thật cẩn thận về vấn đề này trước khi xem.

Bỏ qua yếu tố tranh cãi, càng thấu hiểu phụ nữ càng tâm đắc vẻ đẹp của Vợ Ba - Ảnh 10.

Phim sẽ thực sự hay khi bạn có thời gian tìm hiểu trước về bộ phim và cảm nhận nó trên góc nhìn và qua điểm cá nhân của bạn về các khía cạnh xã hội đặt lên vai người phụ nữ. Một lần nữa, những hiểu biết của bạn về phụ nữ sẽ đánh giá số điểm mà bạn dành cho bộ phim.

Tính nữ quyền của Ash Mayfair

Để có thể yêu thích và hiểu được dụng ý của phim, cần trang bị một tâm thế rằng đây không phải là phim có nhịp nhanh, dứt khoát, nhiều thoại, nhiều drama. Nếu có một bài toán đặt ra rằng: “Làm sao để khắc họa người phụ nữ phong kiến một cách đời nhất, sát với bản ngã con người của họ nhất, cho họ được làm cái họ “muốn làm”, chứ không phải cái họ “phải làm”?” Thì đáp án sẽ là Vợ Ba.

Phim khắc họa đời sống hôn nhân, đời sống vợ chồng và chuyện tình dục như một lát cắt rất đỗi bình thường của một gia đình. Trong gia đình đó, phụ nữ cũng có những giây phút chị chị em em, chia sẻ nhau chuyện giường chiếu, cũng có những cảnh ái ân, cũng có những rung động và những ẩn ức bất ngờ khó tỏ cùng ai. Đó là hành trình của một cô bé phải trai qua hầu hết các cột mốc quan trọng của một đời phụ nữ, chỉ trong hơn 90 phút phim, còn chúng ta là chứng nhân cho những xung đột ngầm bên trong bản ngã bối rối đó.

Đôi khi, nữ quyền phim ảnh không nhất thiết là cho các chị em cơ hội để đá đít cánh đàn ông, mà chỉ cần một sự khắc họa chân thật, không dồn họ vào lề thói xã hội, để họ có một tiến nói phản biện những rập khuôn ngàn đời, thoát khỏi định kiến và sống với thôi thúc. Đó chính là nữ quyền của Ash Mayfair.

Vợ Ba hiện đang chiếu tại tất cả các rạp chiếu phim trên toàn quốc.

Trailer Vợ Ba