Thịt bò là một trong những nhóm thịt giàu giá trị dinh dưỡng nhất, bởi thế mà giá của thịt bò thường cao hơn các loại thịt khác. Đặc biệt là thịt bò tươi có màu đỏ đậm rất giàu protein, lipid, các loại vitamin PP, vitamin B6, vitamin A, B12,… Ngoài ra, thịt bò cũng rất giàu khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như: Magie, kẽm, sắt, selen, canxi, đồng, phosphor,…
Tuy nhiên giá trị dinh dưỡng của mỗi phần thịt bò là khác nhau, đặc điểm thịt khác nhau nên cần chế biến đúng cách để bảo toàn dinh dưỡng cũng như tạo ra những món ăn thơm ngon và phù hợp nhất.
Chúng ta đã quá quen thuộc với các phần thịt vai bò, gầu bò, bắp bò, sườn bò, ba chỉ bò, thăn phi lê, thịt mông, thịt hông… Tuy nhiên, ở con bò có một bộ phận rất ngon nhưng ít người biết, đó là thận bò ( cật bò ).
Khi đi siêu thị hay chợ, cật bò ít khi bày bán rộng rãi, phần lớn mọi người sẽ chọn mua thịt nạc. Nhưng nhiều người sành ăn sẽ tìm mua cật bò về chế biến vì với họ cật bò có hương vị ngon hơn hẳn thịt nạc.
Do bản thân con bò có kích thước lớn hơn các loài gia súc thông thường nên cật bò cũng lớn hơn cật heo hoặc cừu. Nói chung cật bò có kích thước lớn và trông khá giống chùm nho.
Cần lưu ý, thận là cơ quan giải độc và bài tiết của động vật, vì thế nó cần được sơ chế đúng cách mới có thể ăn được. Chúng ta cần xử lý cật bò cho sạch, việc tách bỏ lớp gân cần cẩn thận, sau đó mới tẩm gia vị rồi chế biến bằng cách xào hoặc nướng. Mặc dù hương vị sau khi chế biến của cật bò rất ngon nhưng nó có mùi nặng, nếu không xử lý kỹ có thể để lại mùi tanh bám lâu trên dao thớt.
Cật bò không có tác dụng làm thuốc hay chữa bệnh nhưng lại có giá trị dinh dưỡng phong phú. Nó giàu protein, vitamin A, B, sắt, kẽm, salen… Protein là nhu cầu hằng ngày của cơ thể con người, vitamin A có thể làm giảm da thô ráp và chứng khô mắt vào ban đêm, các ion sắt dồi dào trong cật bò cũng có thể cải thiện tình trạng thiếu máu.
Tuy nhiên, cật bò chứa nhiều cholesterol, người mắc bệnh tim mạch và mạch máu não nên ăn càng ít càng tốt. Ngoài ra, nội tạng động vật chứa nhiều purin, người bị bệnh gút, acid uric cao và chức năng thận không bình thường cũng nên tránh ăn. Chỉ khi ăn cật bò một cách khoa học và hợp lý mới góp phần tăng cường sức khỏe .
Nếu muốn thưởng thức cật bò bạn có thể tham khảo cách làm món cật bò cháy tỏi theo công thức dưới đây:
Nguyên liệu:
- 350 gram cật bò
- 50 gram tỏi
- 200 gram hành tây (lựa chọn củ hành tây bi)
- 50 gram tỏi phi
- 1/2 muỗng canh hành tím phi
- 150 gram măng tây
- 150 gram rau quế vị
- 2 muỗng canh sốt dầu giấm
-2 muỗng canh nước dùng heo
- 1 muỗng canh dầu ớt
- 1,5 muỗng canh bột chiên giòn
- 1 muỗng cà phê bột custard (bột trứng sữa)
- 2 muỗng cà phê bột năng
- 1 muỗng canh sốt tiêu đen
-Gia vị: Hạt nêm, tiêu, đường, hắc xì dầu
Cách chế biến:
- Hành tây cắt múi cau. Cật bò cắt bỏ phần lõi màu trắng, rửa với rượu trắng và nước cho thật sạch rồi thái miếng vừa ăn.
- Măng tây chần sơ, ngâm nước đá, cắt khúc.
- Chiên sơ hành tây và tỏi.
- Ướp cật bò với 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/4 muỗng cà phê tiêu trong 30 phút. Trộn đều cật với 2 muỗng canh bột chiên giòn, 1 muỗng cà phê bột custard.
- Cho cật bò đã ướp vào chiên với lửa vừa. Khi cật vừa chín tới thì vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
- Làm nước sốt: Cho vào bát con 2 muỗng canh nước dùng heo, 1 muỗng canh sốt tiêu đen, 2 muỗng cà phê bột năng, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê hắc xì dầu, trộn đều.
- Xào cật bò, hành tây, tỏi chiên và măng tây với 1 muỗng canh dầu ăn. Rưới từ từ nước sốt đã pha vào phần cật đang xào. Cuối cùng thêm vào 1/5 muỗng canh tỏi phi, 1/2 muỗng canh ớt bột rồi tắt bếp.
- Trộn rau quế vị với 2 muỗng canh sốt dầu giấm, 1 muỗng canh dầu ớt và rắc một ít tỏi phi lên trên để ăn kèm với cật bò cháy tỏi.