Cuộc đời giống như một con đường, mỗi bước đi đều để lại dấu chân sâu hoặc nông phía sau. Kỳ thi đại học tuy chỉ là một chặng đường trong cuộc đời, nhưng đó lại là bài kiểm tra cuối cùng sau 12 năm miệt mài đèn sách.
Đối với cha mẹ, đây là một trong những cách để con cái trở thành niềm tự hào của gia đình. Đối với học sinh, đây là một cơ hội quan trọng để thay đổi số phận, quyết định vận mệnh tương lai.
Khi kỳ thi kết thúc, học sinh thường sẽ tiến hành “so điểm” để biết xem mình đạt kết quả thế nào trước khi công bố điểm chính thức. Nhờ vậy, thí sinh có thể xác định hướng đi một cách hiệu quả hơn, giúp việc lựa chọn trường học và ngành học trở nên chính xác hơn.
Đương nhiên, điểm bản thân tự chấm có thể chênh lệnh so với điểm công bố chính thức, vì trong quá trình làm bài có thể bạn tô mờ, tô sai mà bản thân không hề hay biết. Nên việc tự chấm nên chỉ là bước tham khảo mà thôi. Ấy thế mà một phụ huynh Trung Quốc từng rơi vào tình huống xấu hổ chỉ vì quá tin tưởng vào số điểm tự chấm ấy của con.
Theo đó, người bố này đã khoe khoang rầm rộ điểm của con gái tên Vương Hiểu Lệ trên mạng xã hội dù điểm chính thức chưa được công bố. Người cha liệt kê con gái của ông ước tính đạt 137 điểm môn Ngữ văn, 143 điểm Toán, 138 điểm Ngoại ngữ, 292 điểm tổng hợp Khoa học tự nhiên, với tổng số điểm lên đến 710 (tổng điểm cao nhất của địa phương nơi gia đình nữ sinh sinh sống là 750 điểm). Thậm chí, ông còn tự tin gửi lời thay con rằng “Hẹn gặp lại nhau ở Thanh Hoa vào tháng 9”.
Theo một số nguồn tin, người cha đã tổ chức tiệc lớn tại quê nhà để ăn mừng. Không ngờ, khi điểm số thực tế được công bố, ông lại trở thành trò cười cho mọi người.
Nếu bản thân tự chấm mà được 710 điểm, thì quả thực khả năng của nữ sinh cũng… “không phải dạng vừa”. Ngay kể cả thế, khi đã có thể ước tính mình đạt ngưỡng điểm như vậy, thì chênh lệch lên xuống cũng sẽ không đáng kể. Vậy nên, sau khi gia đình nhận được tin này, ai nấy đều vô cùng phấn khích.
Thấy bài đăng của người cha, mọi người thi nhau vào chúc mừng. Thậm chí, có người tag hẳn trường Đại học Thanh Hoa và giục nhà trường nhanh chóng để đến để “chiêu mộ” nhân tài. Nói chung ai cũng chân thành vui mừng và gửi lời chúc phúc đến gia đình.
Đó còn chưa kể đến việc mẹ của nữ sinh còn đặt tiệc mời họ hàng đến ăn. Vào những phút cuối của bữa tiệc, cha của Vương Hiểu Lệ lên sân khấu phát biểu cảm nghĩ. Ông nói rằng con gái mình thật ra thi không được tốt lắm, vì vẫn còn kém 40 điểm so với điểm tuyệt đối, ngay lập tức nhận được tràng pháo tay và tiếng hoan hô từ mọi người.
Vì sự việc này thu hút nhiều sự chú ý, nên việc chờ đợi điểm thi của Vương Hiểu Lệ gần như trở thành một chủ đề nóng trên MXH lúc bấy giờ. Sau đó, thủ khoa của khu vực cũng lộ diện với tổng điểm 709 – có vẻ như đây là một cú “tát nhẹ” vào lời khoe khoang trước đó. Nhưng đáng nói là, thủ khoa này lại không mang họ Vương.
Ngay sau đó, một số người trong cuộc tiết lộ điểm thi thực tế của Vương Hiểu Lệ: Ngữ văn 98, Toán 75, Ngoại ngữ 83, Khoa học tự nhiên 168, tổng cộng 424 điểm. Kết quả này thực sự… khó mà chấp nhận được.
Tiếp đến, một số cư dân mạng còn tìm ra những chữ số đầu trong số báo danh của cô, bắt đầu bằng “19”, tức có nghĩa là Vương Hiểu Lệ là thí sinh thi lại - theo quy định của kỳ thi Cao Khảo. Một thí sinh đã ôn thi lại nhưng chỉ đạt 424 điểm? Kết quả này thậm chí còn chưa chạm đến ngưỡng xét tuyển ở những trường đại học top dưới, vậy mà trước đó còn mạnh miệng tuyên bố “hẹn gặp lại tại Thanh Hoa vào tháng 9”?
Liệu nữ sinh đã ước tính điểm sai, hay còn có lý do nào khác? Sự chênh lệch quá lớn này khiến nhiều người cảm thấy khó tin. Kết quả thực tế chẳng khác nào một cú “tự vả” và đồng thời cũng trở thành chủ đề tranh luận của cư dân mạng.
Câu chuyện của Vương Hiểu Lệ là một bài học sâu sắc về sự khiêm tốn và cẩn trọng khi phát ngôn. Việc người cha quá vội vàng khoe khoang thành tích của con gái khi chưa có kết quả chính thức không chỉ khiến gia đình rơi vào tình huống xấu hổ mà còn trở thành trò cười trên mạng xã hội. Bài học rút ra là: không nên tự tin thái quá vào những dự đoán chưa có cơ sở, bởi thực tế đôi khi có thể khiến chúng ta vỡ mộng.
Ngoài ra, sự khiêm tốn luôn là đức tính quan trọng, đặc biệt trong những thành tựu cá nhân. Việc khoe khoang quá đà không mang lại lợi ích gì, mà còn dễ tạo ra áp lực không cần thiết và làm dấy lên sự phản cảm từ những người xung quanh. Câu chuyện này cũng nhắc nhở rằng trong thời đại internet phát triển, bất kỳ phát ngôn nào cũng có thể lan truyền nhanh chóng, vì vậy, mỗi người cần cân nhắc kỹ trước khi thể hiện bản thân trên mạng xã hội.
Theo Sohu