Suốt 17 năm qua, ông Vĩnh Nghệ (68 tuổi, Vân Nam, Trung Quốc) được cả gia đình và hàng xóm biết đến như một người đàn ông “điềm tĩnh, hiền lành” nhưng không may bị câm. Thế nhưng, sự thật phía sau vỏ bọc ấy vừa được hé lộ trong một buổi tất niên cuối năm đã khiến cả gia đình, đặc biệt là con dâu của ông sốc đến tột cùng.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2008, khi ông Nghệ gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Sau khi xuất viện, ông bị hội chứng rối loạn ngôn ngữ, gần như mất đi khả năng nói hay lặp lại lưu loát. Từ đó, ông Nghệ sống lặng lẽ, chỉ giao tiếp qua ánh mắt và cử chỉ. Không ai mảy may nghi ngờ, vì ông luôn thể hiện sự yêu thương và quan tâm tới mọi người trong gia đình, đặc biệt là cô con dâu mới về cách đây 6 năm.
Mọi chuyện tưởng chừng sẽ mãi như thế nếu không có sự cố bất ngờ xảy ra trong một buổi tất niên cuối năm của gia đình. Hôm đó, khi cả nhà quây quần ăn tất niên, cậu cháu nội nghịch ngợm vô tình làm đổ bát canh nóng lên người ông Nghệ. Trong lúc quá đau đớn, ông đã hét lên một câu rõ ràng: “Nóng quá!”.
Không khí trong nhà đột nhiên im bặt. Mọi người đều sững sờ khi nhận ra ông Nghệ có thể nói. Con trai ông ngay lập tức hỏi: “Bố… bố vừa nói gì?”. Lúc này, ông Nghệ bối rối, gương mặt lộ rõ vẻ hoang mang. Không còn cách nào khác, ông Nghệ buộc phải thừa nhận sự thật rằng mình không hề bị câm suốt 17 năm qua.
Theo lời ông Nghệ, việc giả câm bắt đầu từ sau tai nạn năm 2008. Khi đó, ông không thực sự bị mất khả năng nói mà chỉ bị tạm thời khó giao tiếp do chấn thương. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng việc giả vờ câm khiến mọi người trong gia đình dành nhiều sự quan tâm hơn cho mình. “Ban đầu chỉ định vài ngày thôi, nhưng rồi càng ngày càng khó quay lại,” ông Nghệ thú nhận.
Điều bất ngờ hơn là ông đã sử dụng sự “im lặng” này để quan sát và kiểm soát các thành viên trong gia đình mà không ai nhận ra. Ông biết hết mọi chuyện lớn nhỏ, từ những xung đột của con trai và con dâu cho đến những chuyện mà vợ mình giấu kín. Nhưng thay vì can thiệp, ông chọn cách im lặng để mọi việc tự diễn ra theo lẽ tự nhiên.
Sự thật này như một cú sốc lớn với tất cả thành viên trong gia đình. Con trai ông Nghệ không giấu nổi sự thất vọng: “17 năm trời, bố không tin tưởng con cái để nói ra sự thật ư?” Trong khi đó, vợ ông Nghệ đã bật khóc: “Ông làm vậy để làm gì? Gia đình này đã sống trong sự giả dối suốt ngần ấy năm trời”.
Riêng cô con dâu thì có phần nhẹ nhàng hơn, cô nói: “Chỉ mong bố thật sự yêu thương gia đình mình, bố đừng thử lòng mọi người bằng cách này nữa”. Dù rất sốc, cô vẫn hy vọng gia đình có thể hàn gắn sau sự việc.
Mặc dù ông Nghệ đã giải thích và xin lỗi gia đình, nhưng bầu không khí trong nhà vẫn chưa trở lại như xưa. Đặc biệt là trong những ngày cận Tết, gia đình ông Nghệ gần như không ai vui vẻ, hồ hởi đón xuân. Bản thân ông Nghệ cũng bày tỏ, sống trong sự giả vờ suốt 17 năm qua cũng khiến bản thân rất mệt mỏi và cô độc. “Tôi thực sự chỉ muốn được mọi người chú ý, quan tâm hơn nhưng không ngờ mọi chuyện lại đi xa đến thế này”, ông nói.
Câu chuyện của ông Nghệ đã nhanh chóng lan truyền khắp khu phố, trở thành đề tài bàn tán xôn xao của bà con hàng xóm. Dù hành động của ông nhận về không ít ý kiến trái chiều nhưng một số người cho rằng đây cũng là lời nhắc nhở về việc thẳng thắn trong các mối quan hệ gia đình. Hầu hết mọi người đều đồng tình với quan điểm gia đình là nơi cần nhiều nhất sự chân thành, tin tưởng. Những lời nói tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có thể gắn kết các thành viên và ngược lại, sự im lặng đôi khi lại phá vỡ những mối quan hệ bền chặt.