"Black Mirror: Bandersnatch" - Phim tương tác đầu tiên của Netflix có làm nên chuyện?

KALYN PHAM, Theo Helino 08:26 30/12/2018

Với hướng đi mới lạ và đầy táo bạo, liệu Black Mirror: Bandersnatch - phần phim mới nhất của Black Mirror - có thể tạo ra một cuộc cách mạng mới cho Netflix nói riêng và thị trường phim nói chung hay không?

Black Mirror là một trong những series ăn khách nhất của Netflix. Các tập phim gần như không liên quan đến nhau hoặc chỉ có một vài tình tiết kết nối nho nhỏ. Nội dung chung nhất của toàn bộ series là khắc họa thế giới trong một tương lai gần mà ở đó cách mạng công nghệ đã đem con người đến với những thành tựu không tưởng. Dưới sự thống trị của công nghệ, con người lột trần những bản chất thuần túy của mình, khiến cho khán giả phải suy ngẫm về những bài học sâu sắc đằng sau mỗi tập.

Trailer "Black Mirror: Bandersnatch"

Khác biệt hoàn toàn so với toàn bộ các mùa trước đó, phần 5 của Black Mirror chỉ có duy nhất một tập, đó là Black Mirror: Bandersnatch. Và không giống với hầu hết toàn bộ các tác phẩm đang được chiếu trên Netflix hiện nay, bộ phim theo phong cách tương tác thực tế (interactive) mà ở đó người xem được tự lựa chọn câu chuyện cho riêng mình (choose your own adventure).

Khán giả sẽ là người đưa ra lựa chọn thay cho nhân vật chính, mỗi lựa chọn sẽ dẫn đến một cái kết khác nhau. Song song với đó, thời lượng của bộ phim cũng thay đổi tùy vào lựa chọn mà khán giả đưa ra, có người sẽ tạo được cho mình một hành trình dài 40 phút nhưng có người sẽ điều khiển được nhân vật chính trong suốt 100 phút, nhưng để có thể khám phá được tất cả các sự kiện thì bạn sẽ cần đến hơn 5 tiếng.

Black Mirror: Bandersnatch - Bộ phim theo phong cách tương tác đầu tiên của Netflix liệu có làm nên chuyện? - Ảnh 2.

Đại loại là bạn sẽ phải ấn vào 1 trong 2 lựa chọn ở trên màn hình như này.

Bandersnatch đặt bối cảnh vào năm 1984, khi thị trường video game đang là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư. Stefan (Fionn Whitehead), nhân vật chính của tập phim này, là một lập trình viên trẻ tuổi. Anh mang trong mình ý tưởng về một trò chơi tương tác thực tế mang tên Bandersnatch dựa trên cuốn sách cùng tên của nhà văn Jerome F. Davie - một người đã bị phát điên vì chính quá trình sáng tác của mình đến mức đã giết vợ.

Thật khó để cho cả những spoiler (người tiết lộ nội dung phim) chuyên nghiệp có thể nói cho bạn về cái kết của bộ phim vì ngoài cốt truyện chính, bộ phim này có tất cả 250 phân khúc khác nhau được chia ra để mỗi sự lựa chọn của bạn sẽ dẫn đến một kết quả khác.

Black Mirror: Bandersnatch - Bộ phim theo phong cách tương tác đầu tiên của Netflix liệu có làm nên chuyện? - Ảnh 3.

Tập phim này còn chứa đựng một "easter egg" liên hệ với tập "Metal Head" của mùa 3.

Trải nghiệm mà bạn có thể nhận được từ tác phẩm này là điều quan trọng nhất hứa hẹn một tương lai Bandersnatch sẽ được bàn tán ở khắp nơi. Bandersnatch không hề độc nhất. Người chơi điện tử thì có lẽ đã cảm thấy quen thuộc với những bộ phim tương tác như này, chúng ta đã có Life is Strange, có Detroit: Become Human. Người xem trẻ tuổi thì cũng đã tiếp cận dạng phim này qua một tập của Puss In Boots hay Minecraft.

Điểm đặc điểm mà Bandersnatch đem lại là tính điện ảnh của nó. Khán giả mong chờ Bandersnatch với tư cách là một bộ phim chứ không phải trò chơi, một bộ phim mà người ta có thể khen chê về kĩ năng diễn xuất của diễn viên, về thông điệp truyền tải của phim chứ không phải về cấu hình hay thiết kế. Hơn nữa, kịch bản của Bandersnatch thuộc thể loại tâm lí-tội phạm khá phức tạp chứ không hề đơn giản như việc ta đưa ra lựa chọn cho một chú mèo.

Thử tưởng tượng mà xem, việc bạn chọn xem sáng ra nên ăn ngũ cốc gì lại có thể dẫn đến việc bạn bị vào tù? Ngày trước bạn xem phim đã bao giờ cảm thấy tức giận vì diễn viên chính toàn làm những chuyện "ngốc nghếch" xong kết thúc bi thảm chưa? Giờ thì mọi tội lỗi đấy đều do bạn mà ra nhé. Bạn đã bảo giờ phải đi giải thích với nhân vật trong phim về danh tính của bạn hay chưa? Bạn đã bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình thực chất chỉ là một bộ phim và mọi thứ đã được lên kịch bản từ trước? Nếu chưa thì chắc chắn Bandersnatch sẽ làm bạn đi hết từ ngạc nhiên này đến kinh ngạc khác đấy.

Black Mirror: Bandersnatch - Bộ phim theo phong cách tương tác đầu tiên của Netflix liệu có làm nên chuyện? - Ảnh 4.

"Chào Stefan, xin lỗi nếu đã bắt cậu nghe bài hát cậu không muốn nhé.’’

Tuy có nhiều lựa chọn là vậy nhưng thực tế Bandersnatch chỉ có vài cái kết lớn và mọi phân đoạn nhỏ cũng sẽ đều xoay quanh những cái kết đấy. Tương tự như vậy, người xem cũng chỉ được lựa chọn 2 đáp án duy nhất. Đôi khi bạn cũng sẽ phải quay lại đoạn phim phía trước nếu đưa ra lựa chọn sai. Điều này được giải thích ở trong bộ phim rằng:"Ý chí tự do (free will) chỉ là một lầm tưởng của ta."

Giống như việc Stefan nghĩ rằng cậu ta là một cá nhân độc lập có thể điều khiển bản thân nhưng thực chất lại bị điều khiển bởi người xem thì chúng ta cũng bị điều khiển bởi…chính biên kịch, bởi Netflix, bởi công nghệ dù được "trao quyền" quyết định.

Black Mirror: Bandersnatch - Bộ phim theo phong cách tương tác đầu tiên của Netflix liệu có làm nên chuyện? - Ảnh 5.

Một điểm trừ mà ta có thể nhận thấy ở trong Bandersnatch chính là việc bộ phim dễ đưa người xem vào ngõ cụt và sau đó chúng ta lại phải quay ngược lại để lựa chọn cho ‘’đúng’’. Có nhiều đoạn bị lặp lại khiến ta cảm thấy khá khó chịu với trải nghiệm không quá trọn vẹn của mình. Một số lựa chọn lại mang tính bắt buộc, nghĩa là tuy có hai lựa chọn nhưng cả hai lại giống nhau đến khó hiểu. Cộng với đó là việc các kết cục của phim tuy khác nhau nhưng đều khá bi thảm nên thật khó để ta có thể đưa ra một lựa chọn cho đúng với ước nguyện của mình, đặc biệt là đối với những người có trái tim ‘’nhạy cảm’’ như tôi.

Black Mirror: Bandersnatch - Bộ phim theo phong cách tương tác đầu tiên của Netflix liệu có làm nên chuyện? - Ảnh 6.

Thật sự thì hai lựa chọn này có gì khác nhau?

Nhưng có lẽ đây lại là một thông điệp khác mà đội ngũ sản xuất Black Mirror muốn gửi gắm thì sao? Giống như trò chơi Bandersnatch trong phim còn nhiều thiếu xót nhưng lại hứa hẹn trở thành một sản phẩm tiên phong, mở ra một kỉ nguyên mới cho trò chơi tương tác thì Bandersnatch cũng có ý nghĩa tương tự. Tuy chưa phải một trải nghiệm 5 sao nhưng sự táo bạo của Bandersnatch, phong cách làm phim mới lạ cùng với những mối gắn kết triết học-điện ảnh sâu sắc vẫn có thể đem lại cho khán giả rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.

Tranh thủ những ngày nghỉ lễ sắp tới hãy khám phá đủ tất cả các cốt truyện có thể xảy ra cũng như những điểm thú vị trong phim nhé. Black Mirror: Bandersnatch hiện đang được chiếu trên Netflix.