Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát tại Pháp

Huỳnh Điệp, Theo VOV 09:56 03/06/2020

Các cuộc biểu tình bắt nguồn từ vụ việc năm 2016, khi Adama Traoré, một thanh niên da đen, 24 tuổi, tử vong sau khi bị thẩm vấn.

Ngày 2/6, trong ngày đầu tiên của giai đoạn 2 quá trình dỡ phong tỏa toàn quốc, hàng chục nghìn người Pháp đã tập trung biểu tình tại thủ đô Paris và các thành phố lớn để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực của lực lượng cảnh sát.

Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát tại Pháp - Ảnh 1.

Đụng độ đã xảy ra trong các cuộc biểu tình. Ảnh: Le Parisien

Các cuộc biểu tình bắt nguồn từ vụ việc xảy ra vào năm 2016, khi Adama Traoré, một thanh niên da đen, 24 tuổi, tử vong sau khi bị lực lượng hiến binh quốc gia Pháp thẩm vấn. Vào thời điểm đó, vụ việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, báo chí và giới chính trị Pháp. Các cuộc giám định pháp y được tiến hành để xác định nguyên nhân cái chết của Adama Traoré. Cuối năm 2018, các tòa án xác định không có trách nhiệm của lực lượng hiến binh quốc gia.

Năm 2020, 4 năm sau khi Adama Traoré qua đời, gia đình nạn nhân tiếp tục yêu cầu giám định pháp y để tìm nguyên nhân cái chết của thanh niên này. Kết quả giám định được công bố đầu tuần này kết luận điều ngược lại. Thanh niên này tử vong do bị cảnh sát chèn vào bụng trong lúc bị khống chế.

Kết quả giám định pháp y này được công bố đúng vào thời điểm các cuộc biểu tình rầm rộ đang nổ ra tại Mỹ khi một người đàn ông da đen tử vong sau khi bị cảnh sát khống chế. Các cuộc biểu tình tại Mỹ đã gây tiếng vang lớn, khiến gia đình và những người ủng hộ nạn nhân Adama Traoré quyết định kêu gọi các cuộc biểu tình, yêu cầu cơ quan chức năng đưa vụ việc ra ánh sáng.

Bất chấp các quy định về giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực và không được cho phép, khoảng 19 nghìn người, đa phần là giới trẻ, đã tập trung trước một tòa án tại thủ đô Paris, bên cạnh các cuộc biểu tình tại thành phố khác như Marseille, Lille hay Lyon.

Bên cạnh việc đòi công lý cho nạn nhân Adama Traoré, những người biểu tình cũng phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người da đen tại Pháp cũng như tại Mỹ trong vụ việc xảy ra cách đây ít ngày.

Cuộc biểu tình tại thủ đô Paris mở đầu trong trật tự nhưng sau đó đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát. Giao thông quanh khu vực bị tắc nghẽn, một vài hành động đốt phá đã xảy ra khiến cảnh sát phải sử dụng lựu đạn hơi cay để đẩy lùi người biểu tình quá khích.

Các cuộc biểu tình tại những thành phố lớn trong ngày 2/6 này là sự kiện đáng lo ngại khi nước Pháp vẫn trong tình trạng y tế khẩn cấp, các quy định về giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực, đặc biệt là việc tụ tập quá 10 người ở nơi công cộng vẫn bị cấm. Ngoài ra, Chính phủ Pháp còn lên phương án kéo dài tình trạng y tế khẩn cấp sau ngày 10 tháng 7 nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.

Tính đến ngày 2/6, ngày đầu tiên của giai đoạn 2 quá trình dỡ phong tỏa toàn quốc, số ca tử vong vì Covid-19 tại Pháp đã tiến gần con số 29 nghìn sau khi 104 ca tử vong mới được ghi nhận sau 24 giờ. Mặc dù số ca bệnh phải cấp cứu, chỉ số quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả cuộc chiến chống dịch Covid-19, tiếp tục giảm trong gần 2 tháng qua nhưng nỗi lo dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn hiện hữu.

Trong giai đoạn dỡ phong tỏa toàn quốc, Pháp ghi nhận thêm hơn 100 ổ dịch mới, trong đó có nhiều ổ dịch lớn với hàng chục đến hơn 100 ca nhiễm virus. Gần nhất, trong ngày 2/6, một ổ dịch với khoảng 30 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong số những lao động thời vụ người Tây Ban Nha tới Pháp làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại một tỉnh Bouches-du-Rhône, phía Nam nước Pháp./.