Mới đây, anh Nguyễn Anh Phong (một trong những thành viên điều hành của Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam, tác giả nổi tiếng của "Chuyện của Phong") chia sẻ câu chuyện đau lòng của một cậu bé bị xâm hại tình dục. Thủ phạm không ai khác chính là cha dượng của cậu. Câu chuyện khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ và xót xa.
Được biết, mẹ của em đi bước nữa và từ đó đến nay, cuộc sống của em là những ngày như địa ngục. Em thường xuyên bị quấy rối tình dục từ người đàn ông mà em gọi là cha dượng. Nhưng cay đắng nhất là khi tâm sự với mẹ mình, em không nhận được sự cảm thông, an ủi. Mẹ cho rằng em suy nghĩ điên rồ vì em là con trai, là con của mẹ và em còn rất nhỏ...
Theo chuyên gia, cậu bé này mang nỗi đau lẽ ra cuộc đời của bé không đáng có. Em giờ đây đang phải mang nỗi đau người khác gieo rắc lên trên cuộc đời mình, trên thân thể mình, trên tương lai của mình. Nỗi đau đó không dừng lại ở chỗ chỉ là nỗi đau của một nạn nhân bị ấu dâm, xâm hại tình dục.
Chuyên gia mong rằng, nếu người mẹ của cậu bé đọc được lá thư này, hãy nắm tay con trai, cho con biết rằng mình đã sai và đừng bao giờ ngừng tin những gì con mình đã trải qua là sự thật. Hãy chữa lành vết thương cho con của mình.
Những người làm cha làm mẹ nên nhớ, con cái là báu vật, là quà tặng vô giá mà thượng đế dành cho chúng ta. Tại sao lại để báu vật gánh nỗi đau không đáng gánh từ những người lớn? Đừng suy nghĩ mọi chuyện một chiều mà bỏ qua những lời con nói. Để đến khi phát hiện thì sự đã muộn.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), trẻ em bị xâm hại tình dục thường không dám tiết lộ điều này với người lớn. Chúng nghĩ rằng đó là lỗi của mình. Hoặc, chúng đã bị kẻ xâm hại tình dục thuyết phục rằng đó là điều bình thường hoặc là "bí mật đặc biệt".
Trẻ em cũng có thể bị kẻ xâm hại mua chuộc hoặc đe dọa, hoặc được bảo rằng không ai tin điều chúng nói.
Trẻ bị xâm hại tình dục có thể quan tâm đến kẻ xâm hại và lo lắng rằng chuyện này vỡ lở, nhiều người biết đến.
Ở một đứa trẻ bị xâm hại tình dục có thể xuất hiện những biểu hiện sau đây:
- Thay đổi về hành vi: Trẻ có thể bắt đầu hung hăng, sống khép kín, khó ngủ, thường xuyên gặp ác mộng hoặc hay đái dầm.
- Tránh xa kẻ xâm hại: Trẻ có thể không thích hoặc có vẻ sợ một người cụ thể, cố gắng tránh dành thời gian ở riêng với người đó.
- Hành vi không phù hợp về mặt tình dục: Trẻ bị xâm hại tình dục có thể có hành vi không phù hợp về mặt tình dục hoặc sử dụng ngôn ngữ khiêu dâm.
- Gặp các vấn đề thể chất: Trẻ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe, bao gồm đau ở vùng sinh dục và hậu môn, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc trẻ có thể mang thai.
- Gặp các vấn đề ở trường học: Trẻ bị xâm hại tình dục có thể gặp khó khăn trong việc tập trung và học tập, điểm số của trẻ có thể bắt đầu giảm.
- Đưa ra manh mối: Trẻ có thể đưa ra những gợi ý và manh mối cho thấy việc ngược đãi đang xảy ra mà không tiết lộ thẳng thắn.
Theo giới chuyên gia, trẻ bị xâm hại tình dục có nguy cơ bị tổn thương nặng nề về thể chất, tinh thần, hành vi. Thậm chí có thể khiến trẻ bị tử vong, trầm cảm, có hành vi tự tử, tự gây tổn thương cho bản thân. Hành vi bị xâm hại có thể trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng suốt cuộc đời.
Không chỉ mang những vết sẹo, di chứng trên cơ thể suốt đời, nhiều trẻ còn chịu sự tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng khả năng sinh sản sau này và nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Hậu quả thường thấy nhất về mặt thể chất của trẻ là tình trạng chậm phát triển như trong khả năng vận động, năng lực xã hội, khả năng nhận thức, thể hiện ngôn ngữ…
Về sức khỏe tinh thần, trẻ thường bị hoảng loạn, không tin tưởng người khác và môi trường xung quanh. Trẻ thường buồn rầu, chán nản và tự đổ lỗi, không còn yêu thương quý trọng bản thân.
Để phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em, cha mẹ nên dạy con cách bảo vệ bản thân như không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm, tránh xa người lạ mặt cố làm thân, không cho người lạ mặt vào nhà, dạy trẻ tìm sự giúp đỡ của người khác... Nhà trường nên sớm đưa giáo dục giáo tính thành môn học hàng ngày để trẻ nhận thức sớm và tránh xa nguy hiểm.