Bí mật đóng giả nhân viên kiểm duyệt Facebook, phóng viên ngầm ở Anh nghi ngờ công ty làm tiền từ nội dung bẩn

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 19/07/2018

Một hãng truyền thông Anh đã cử người ngầm đóng vai nhân viên kiểm duyệt cho Facebook, phát hiện nhiều tình tiết bất ngờ về cách làm việc của mạng xã hội này.

Theo Business Insider, một phóng viên từ đài truyền hình Channel 4 (London, Anh) mới đây đã phát hiện ra một sự việc giật mình tại Facebook khi bí mật đóng giả thành một nhân viên kiểm duyệt nội dung của họ: Mạng xã hội này không hề chủ động làm đúng nhiệm vụ lọc nội dung xấu, tiêu cực như những gì chúng ta nghĩ.

Vì sao anh chàng này giả danh nhân viên Facebook được dễ dàng thế mà không bị phát hiện? Thực chất, anh ấy đã ứng tuyển tạm thời làm cho CPL Resources - một bên chuyên cung cấp nhân sự cộng tác làm công việc kiểm tra nội dung cho Facebook từ tận năm 2010. Vì thế, không khó để Facebook nhanh chóng nhận anh vào làm việc dưới diện giới thiệu từ đối tác tìm kiếm nhân lực quen thuộc này của mình.

Bí mật đóng giả nhân viên kiểm duyệt Facebook, phóng viên ngầm ở Anh nghi ngờ công ty làm tiền từ nội dung bẩn - Ảnh 1.

Ban đầu, phóng viên của Channel 4 đã được tham gia chương trình thực tập của CPL Resources, với những bài hướng dẫn làm quen nhanh chóng về các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook để bắt đầu tiến tới lọc các nội dung ảnh bạo lực, lăng mạ hay bạo hành trẻ em. Một người kiểm duyệt sẽ có 3 lựa chọn để thi hành khi gặp tình huống cần xử lý báo cáo: bỏ qua, xóa đi hoặc đánh dấu là tiêu cực. Hai quyết định đầu thì dễ hiểu, còn "đánh dấu tiêu cực" thì không có nghĩa là xóa, nhưng sẽ giới hạn số người xem được nội dung đó lại.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà anh phóng viên lại tìm thấy một số trường hợp được xét lỏng tay, vẫn thản nhiên xuất hiện trên Facebook mặc dù mang nội dung phân biệt chủng tộc, bạo hành trẻ em. Từ đó, một số nghi ngờ và khúc mắc đã nổi lên, khiến Channel 4 cố gắng đào sâu hơn để biết thêm về cách làm việc mâu thuẫn của Facebook.

Video trẻ em bạo hành bởi người lớn vẫn hiện lên như thường

Như đã đề cập, trong quá trình thực tập, phóng viên ngầm đã được tiếp xúc với một số ví dụ báo cáo hành vi trên Facebook để thực hành xử lý. Trong đó, có một video cho thấy một người đàn ông đang đánh một cậu bé khá hung bạo.

Video này thực chất đã được báo cáo bởi người dùng mang tên Nicci Astin - một nhà hoạt động xã hội chống lại nạn bạo hành trẻ em - vào năm 2012. Tuy vậy, theo chứng kiến của phóng viên, nó không hề được xóa bỏ hoàn toàn mà chỉ để lựa chọn đánh dấu là tiêu cực, thậm chí Facebook còn chủ động thông báo lại cho Astin rằng video không vi phạm hết những điều khoản cần thiết để bị xóa.

Bí mật đóng giả nhân viên kiểm duyệt Facebook, phóng viên ngầm ở Anh nghi ngờ công ty làm tiền từ nội dung bẩn - Ảnh 2.

Camera giấu kín của Channel 4 quay cảnh đang nhận lệnh làm việc kiểm duyệt nội dung cho Facebook.

Bí mật đóng giả nhân viên kiểm duyệt Facebook, phóng viên ngầm ở Anh nghi ngờ công ty làm tiền từ nội dung bẩn - Ảnh 3.

Ảnh cắt từ video bạo hành trẻ em do Channel 4 điều tra.

Sau khi phát hiện này được đưa lên series tài liệu thực tế "Inside Facebook: Secrets of the Social Network" của Channel 4, chính phó chủ tịch bộ phận điều khoản cộng đồng của Facebook - ông Richard Allan - cũng thừa nhận "video này đáng bị gỡ xuống từ trước." Dẫu vậy, sau 1 tuần kể từ khi bị phanh phui, Channel 4 kiểm tra thì vẫn thấy không có thay đổi gì diễn ra cả.

Ảnh chế phân biệt chủng tộc

Trích nguyên văn quy chuẩn cộng đồng của Facebook: "Chúng tôi không cho phép lưu hành bất kỳ nội dung lăng mạ nào trên Facebook, vì nó tạo ra một môi trường thiếu lành mạnh, mang tính chất đe dọa, kỳ thị và có thể tác động bạo lực ngoài đời thực." Thế nhưng, một lần nữa nó lại không được thực hiện khi những thực tập sinh thấy một hình ảnh kinh hãi khác.

Lần này, đó là ảnh một bé gái bị ai đó dìm đầu xuống nước, đi kèm chú thích "khi con gái bạn dám thích một đứa da màu". Quyết định của Facebook khi đó là bỏ qua, với lý do rằng "bức ảnh có quá nhiều lớp nghĩa để hiểu, nhưng chưa chắc đã đủ sức để tác động tâm lý bạo lực." Sau khi được đưa lên chương trình và liên hệ lại, Facebook cuối cùng cũng hứa hẹn sẽ xem xét lại tình huống này, rằng đúng là ảnh đó đã vi phạm điều khoản lăng mạ và họ đang cố gắng ngăn chặn những trường hợp sai sót này lặp lại trong tương lai.

Không chỉ có vậy, một số nội dung khác cũng đã được phóng viên ngầm phát hiện là bị bỏ ngoài tai, nhiều nhất là các bình luận bày tỏ sự chống đối, ghét bỏ chủng tộc. Về khía cạnh này, phó chủ tịch Allan nhận định: "Mọi người trên Facebook cũng bàn tán rất nhiều về các chủ đề nhạy cảm, kể cả xu hướng phân biệt sắc tộc và người di cư", nhưng khi channel 4 nhấn mạnh vào việc tại sao bình luận trên không được xóa đi, Allan chỉ nói rằng chúng mang ý nghĩa nửa chừng, có lẽ là chưa đủ rõ ràng.

Bí mật đóng giả nhân viên kiểm duyệt Facebook, phóng viên ngầm ở Anh nghi ngờ công ty làm tiền từ nội dung bẩn - Ảnh 4.

Richard Allan - Phó chủ tịch điều khoản cộng đồng Facebook.

Dù sao thì trong một đoạn trả lời Business Insider khi trang này đưa tin, Allan cũng đã nhận lỗi về Facebook. "Chúng tôi sẽ định hướng lại nội dung thực tập, vì đúng là có một số trường hợp được lấy làm ví dụ chưa thỏa mãn phù hợp với chính sách tiêu chuẩn của Facebook. Rất cảm ơn các bên thông tin đã kịp thời chỉ ra điều đó cho chúng tôi để có thể kịp thời sửa chữa, thấu hiểu tâm lý người dùng."

Facebook có cố tình giữ lại nội dung đó để trục lợi?

Channel 4 sau đó cũng đã liên hệ tới Roger McNamee - một nhà đầu tư lâu năm của Facebook từng tự đứng lên phản đối chính công ty ở vụ scandal lộ dữ liệu người dùng trước đó. McNamee đã tiết lộ một sự thật khá sửng sốt: Facebook có lợi dụng những nội dung tiêu cực để làm lợi cho mình.

"Chính những nội dung giật gân, tiêu cực và có yếu tố tạo tâm lý đỉnh điểm đó sẽ là yếu tố thu hút thêm rất nhiều người tương tác trên mạng xã hội này. Facebook luôn mong muốn mọi người dành nhiều thời gian và sự chú ý hơn đến nền tảng của mình, nhất là khi họ cũng kiếm tiền từ quảng cáo nữa," McNamee cho biết.

Bí mật đóng giả nhân viên kiểm duyệt Facebook, phóng viên ngầm ở Anh nghi ngờ công ty làm tiền từ nội dung bẩn - Ảnh 5.

Nhà đầu tư McNamee của Facebook.

Một nhân viên hợp tác nhân sự ở CPL Resources được giấu tên cũng có chung quan điểm: "Nếu quá nhiều nội dung xấu bị xóa và che đi nhanh chóng, người dùng sẽ có xu hướng cảm thấy nhàm chán hơn về Facebook. Xét cho cùng đây cũng là một cách để công ty kiếm tiền thôi."

Chưa rõ điều này đã chắc chắn 100% được kiểm chứng và xác nhận hay không, nhưng phó chủ tịch Allan đương nhiên đã phản đối kịch liệt. Ông khẳng định Facebook không kiếm tiền từ những thể loại nội dung này, và đó là một suy nghĩ sai lầm về cách làm việc của công ty.

"Có một bộ phận số ít người dùng sẽ vi phạm quy chuẩn về nội dung của chúng tôi, chia sẻ các thông tin tiêu cực. Nhưng tôi dám chắc đó không phải thứ để chúng tôi làm tiền, càng không phải thứ mà mọi người dùng khác muốn để tìm kiếm trên Facebook," trích lời Allan.

Nếu muốn tự mình khám phá thêm về series này của channel 4, bạn có thể tìm kiếm "Inside Facebook: Secrets of the Social Network" và theo dõi những tình tiết mới nhất của Channel 4 thực hiện nhé.